Thứ Ba, 08/03/2016 | 10:31

Bạn có tin phần lớn trẻ nói dối là do cha mẹ?

Tại sao trẻ nói dối?

Khi trẻ nói dối, đó cũng là lúc thể hiện bé đã biết quan sát và suy nghĩ về những sự việc đã diễn ra. Đây chính là thời điểm báo hiệu đã đến lúc bạn cần dạy con về các kỹ năng sống. Thế nên, trước khi nóng giận hay tuyệt vọng vì “mới tí tuổi mà con đã biết nói dối”, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu nguyên nhân lý do gì khiến bé nhà bạn phải nói dối?

Trẻ nói dối - lỗi tại cha mẹ?

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, có rất nhiều lý do khiến trẻ phải nói dối, trong đó, nguy hiểm nhất chính là bắt chước người lớn, bởi khi đó, bạn sẽ rất khó xử để giải thích cho con nói dối là hư, là không được phép làm. Chị Nguyên Hà (Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh) nhớ lại: “Hôm đó, mình nhìn thấy rõ ràng cu tí làm vỡ lọ hoa trên bàn, song khi hỏi, bé lại một mực khẳng định: “Tại con mèo nó làm đổ, không phải con”. Lúc đó, mình tức lắm, quát lớn: “Mẹ nhìn thấy con làm vỡ, sao con lại nói dối mẹ?”. Đến lúc này cu cậu òa khóc: “Sao bố cũng nói dối mà mẹ không mắng bố? Hôm qua, bố đang nằm ngủ nhưng khi mẹ gọi điện hỏi thì lại nói đang tắm cho mèo”. Đấy, người lớn cứ ngang nhiên nói dối trước mặt trẻ con thì bảo sao chúng không bắt chước”.

Một lý do nữa khiến trẻ nói dối đó là vì cách dạy con của bố mẹ quá nghiêm khắc, hay dùng roi vọt. Chính vì thế, khi thấy mình mắc lỗi, bé sẽ có xu hướng nói dối để tránh bị cha mẹ “xử lý”. Là người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về tâm lý trẻ em, GS George Scarlette, Trường ĐH Tufts, Medford, Mỹ khẳng định: “Trẻ con nối dối cũng vì lý do giống người lớn để đạt được điều mình muốn và tránh bị phạt”.

Chia sẻ trên Facebook, chị Bảo Trâm (Đống Đa, Hà Nội) phân vân: “Chả biết nên buồn hay vui nữa. Một trong hai bé sinh đôi nhà mình làm đổ nước ra sàn nhà. Mình chưa kịp phản ứng gì thì một bé đã chạy lại nhanh nhảu: “Mẹ ơi, con vừa làm đổ nước. Con tên là Huy Bách. Mẹ gọi điện mách bố là Huy Bách hư đi, để tối nay về bố đánh Huy Bách”. Buồn một nỗi cái thằng nhận tội ấy là An Bách chứ không phải là Huy Bách. Có lẽ nào vì sợ bố mẹ phạt mà nó phải nói dối như thế?”.

Ngoài những lý do trên, một số trẻ khác nói dối bởi trí tưởng tượng khá phong phú hay cũng có bé muốn thu hút sự chú ý của người khác… Tuy nhiên, cho dù vì bất cứ lý do gì thì điều chúng ta cần dạy trẻ trong thời gian này là sự thành thật và biết chịu trách nhiệm vì những lỗi lầm dù nhỏ nhất của mình.

Cha mẹ – tấm gương sáng

Theo GS. George Scarlette, nói dối là điều hoàn toàn bình thường trong quá trình trưởng thành và phát triển nhân cách. Thế nên, thay vì tức giận và la mắng bé, hãy bình tĩnh xử lý vụ việc một cách thông minh nhất.

Tất nhiên, khi bé nói dối, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu lý do. Quá trình này sẽ giúp bạn hiểu hơn suy nghĩ của bé và cũng có ích hơn trong việc giúp bé phân tích đúng, sai. Tiếp theo đó, hãy khẳng định với bé: nói dối dù vì bất cứ nguyên nhân nào cũng là một tính xấu bị mọi người xa lánh. “Nếu nói dối nhiều lần, khi con nói thật, sẽ không còn ai tin con nữa”, đây là một trong những cách khiến bé nhận ra sự nguy hại của nói dối, GS George Scarlette khẳng định.

Và để bé hiểu thêm về nguy hại này, hãy kể cho bé nghe câu chuyện một cậu bé chăn cừu thường xuyên nói dối là: có chó sói, có chó sói. Lúc đầu, mọi người tưởng thật đã nhanh chóng kéo đến để bảo vệ cậu, nhưng sau nhiều lần thấy mình bị mắc lừa, không ai còn tin cậu nữa. Và khi có chó sói đến thật, dù cậu có kêu gào thảm thiết tới mức nào, cũng chẳng có ai đến cứu. Kết quả là cậu bé và đàn cừu đã bị chó sói ăn thịt. Câu chuyện này cùng với những lời nhắc nhở nhẹ nhàng của bạn sẽ khiến bé hiểu ra lỗi lầm của mình.

Ngay khi bé đã tỏ ra ân hận và thú nhận mọi chuyện, đừng tiếc lời động viên bé. Những câu khen ngợi như: “Con đã rất dũng cảm khi nhận lỗi”, “Mẹ yêu con vì con đã dám nói thật”… không chỉ giúp bé dũng cảm đối mặt với lỗi lầm mà còn cho bé hiểu rằng thành thật là một đức tính quý.

Ngoài ra, để bé không nói dối, cách tốt nhất là bạn và những người lớn trong nhà phải luôn thành thật, ngay cả trong những điều nhỏ tưởng như vô hại, chẳng hạn như, để dụ bé uống thuốc, bạn nói: “Thuốc này ngon lắm, không đắng đâu”, trong khi đó, loại thuốc này vô cùng đắng và khó uống; hay để bé không mè nheo, đòi đi theo, bạn khẳng định: “Mẹ đi chợ một tí rồi về”, nhưng sự thật là bạn có thể đi chợ hay gặp gỡ bạn bè đến 2,3 tiếng liền… Rõ ràng, từ những lần bị “lừa” như thế này, bé sẽ hình thành tâm lý nói dối cũng chẳng sao, thế nên, đừng biến mình thành tấm gương xấu cho trẻ học theo. Ở tuổi này, bé chưa hiểu được thế nào là nói dối có hại và nói dối vô hại nên tất nhiên, bạn đừng mất công thanh minh, giải thích cho những lần “sa ngã” của mình.

Cuối cùng, hãy trở thành một người bạn thực sự của trẻ, để trẻ có thể thoải mái chia sẻ về mọi thứ. Chỉ có như vậy, trẻ mới không bao giờ nói dối vì sợ phạt hay để đạt được một mục đích nào đó của mình.

An Nhiên

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook