Theo các bác sĩ da liễu, thói quen sử dụng mũ bảo hiểm rất phổ biến của người dân hiện nay đang làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tóc và da đầu, gây hói, rụng tóc.
Rụng tóc, nấm đầu vì mũ bảo hiểm rởm
Anh Nguyễn Văn Trung trú tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội luôn tự ti vì mái tóc của mình bị rụng nhiều. Tóc rụng hết ở đỉnh đầu và càng ngày càng rụng hơn. Không chỉ rụng tóc, anh còn bị ngứa ở đầu. Thi thoảng, sờ lên đầu anh thấy có nhiều mụn nhỏ.
Bác sĩ da liễu cho biết anh bị viêm chân tóc. Đây là một bệnh gặp ở nhiều người, bệnh lý do thói quen sử dụng mũ bảo hiểm không hợp vệ sinh. Anh Trung kể, mũ bảo hiểm là thứ sử dụng hàng ngày, ngoài trời, mặc thời tiết nắng, mưa nên anh chưa bao giờ giặt mũ bảo hiểm. Thử lấy chiếc mũ bảo hiểm ra ngửi, anh mới thấy nó hôi và đen kịt.
Về nhà, anh Trung giặt mũ bảo hiểm và giật mình khi nhìn nước trong mũ bảo hiểm đen kịt.Anh giặt xà phòng tới 3 lần nước vẫn đen.
Lúc ấy, anh lôi mũ bảo hiểm của cả nhà ra giặt thì cái nào cũng trong tình trạng đen đúa, bẩn như thế, thậm chí bị nấm mốc mà anh không bao giờ để ý.
Không chỉ riêng anh Trung, chị Vũ Thị Ninh trú tại Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội cũng bị nấm da đầu, rụng tóc vì mũ bảo hiểm.
Chị Ninh kể đầu chị hay bị ngứa, tóc rụng. Mỗi lần rụng tóc, chị lại xót xa vì tóc càng ngày càng mỏng, tóc rụng từng mảng ở đỉnh đầu. Chị Ninh mua các loại vitamin tốt cho tóc nhưng tình trạng không cải thiện.
Chị Ninh còn bị các nốt sẩn trên đầu rất khó chịu, mất tự tin. Lúc đầu chị nghĩ do mình hay làm tóc nhưng dừng uốn, sấy tóc mà bệnh vẫn tiếp diễn. Chị được bác sĩ điều trị khuyên nên giặt mũ bảo hiểm 2 tuần 1 lần. Lúc ấy chị mới nhớ mũ bảo hiểm chị đội quanh năm nhưng chẳng bao giờ giặt mũ.
“Quần áo thì thay giặt hàng ngày nhưng mũ bảo hiểm mỗi người chỉ có một cái thành ra ai cũng đội suốt ngày mà không để ý tới việc giặt sạch” – chị Ninh cho biết.
Người dân còn thờ ơ
Cách đây không lâu, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiến hành khảo sát trên 1.000 lượt người dân (41% là nam giới và 59% là nữ giới) đến khám các bệnh liên quan đến da đầu. Gần 32% trong số này thường xuyên đội mũ trên 2 giờ/ngày, số người đội mũ bảo hiểm từ 1-2 giờ/ ngày chiếm gần 25% và số người không thường xuyên đội hoặc không đội mũ bảo hiểm chiếm hơn 11%.
Kết quả, 595 người (59,5%) có biểu hiện gàu và các bệnh ở da đầu; trong đó cảm giác ngứa, đau ở da đầu là 419 người, có biểu hiện gàu ở đầu là 367 người (37%) và các bệnh khác (u, cục, sẹo, rụng tóc…) có 134 người.
Đặc biệt, những người đội mũ bảo hiểm không hề có thói quen vệ sinh mũ bảo hiểm, thậm chí là mũ bảo hiểm có chất lượng kém làm từ bông, nhựa chất lượng kém, gây các bệnh về viêm chân tóc, nấm da đầu mà không biết.
Bác sĩ Nguyễn Thành, Bệnh viện da liễu Trung ương cho biết ông gặp khá nhiều bệnh nhân nấm bám đầy trên tóc, nhìn rất sợ. Tuy nhiên, ít người không biết nấm da đầu do mũ bảo hiểm mang đến.
Bệnh nấm tóc là do vi khuẩn liên tụ cầu proteus hay nấm trichophyton gây ra. Khi đội mũ nhiều, mồ hôi thoát ra không thấm hút được, gây ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi nấm phát triển, sinh sôi và có thể truyền cho người khác.
Bác sĩ Thành cho biết, hạn chế tối đa dùng chung mũ bảo hiểm.
Ngoài ra, bác sĩ khuyến cáo thêm, để đảm bảo cho mũ bảo hiểm vừa bảo vệ đầu khi không may gặp tai nạn vừa bảo vệ mái tóc, da đầu, cần mua mũ có chất lượng đạt chuẩn, có lỗ thoáng khí và miếng lót bên trong có thể gỡ ra để giặt được.
Không nên vì ham rẻ, mẫu mã đẹp mà chọn những loại mũ kém chất lượng được bày bán trên vỉa hè, vừa có nguy cơ gây hại da đầu mà còn không thể bảo vệ đầu khi tai nạn xảy ra.
Theo Khánh Ngọc / Báo Infonet
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.