Thứ Ba, 06/09/2016 | 14:44

Một số bệnh trên da do nguyên nhân virus, tổn thương rất đặc trưng và là dạng bệnh dễ lây truyền.

Bệnh Ecpet (bệnh Herpes – Mụn rộp)

Ecpet là một bệnh phát ban mụn nước, hay tái phát, thường xuất hiện ở vùng niêm mạc gây nên bởi herpes simplex virus (HSV).

Là một bệnh thường gặp, nổi ở bất cứ vùng da và niêm mạc nào, nhưng hay gặp nhất là quanh môi, lỗ mũi má, vùng sinh dục, mông.

Triệu chứng lâm sàng

Trước khi nổi tổn thương thường có cảm giác khó chịu ngứa rát tại chỗ. Bắt đầu bằng một vết đỏ nề, sau đó nhanh chóng xuất hiện các mụn nước thành cụm như “bó hoa” từ 3-10 cái tròn hoặc hình cầu, đều nhau, nhỏ 2-4 ly đường kính, ở giữa mụn nước có vết lõm. Dịch ban đầu trong sau thành đục. Các mụn nước liên kết thành nước có viền đa cung rất điển hình. Có những ecpet khổng lồ phỏng nước to như trong bệnh Duhring. Sau vài ngày, mụn nước vỡ, khô tại chỗ đóng vẩy tiết vàng hoặc hơi nâu gắn chặt, khi trong để lại một vết đỏ, sau đó trở lại bình thường không thành sẹo. Từ khi bắt đầu đến khi lặn, tất cả khoảng 8-15 ngày thôi.

Thường chỉ có một đám. Nhưng cũng có khi nhiều đám rải rác ở mặt, vùng sinh dục. Bệnh nổi từng đợt có khi thành chu kỳ. Thường là không sốt, không đau, nhưng một số trường hợp có thể kèm sốt và triệu chứng toàn thân nhất là ecpet họng hầu, những triệu chứng toàn thân có khi là do bệnh nhiễm khuẩn (cầu khuẩn phổi, màng não, xoắn khuẩn) đã khởi động ecpet.

Ecpet là bệnh lành tính nhưng khó chịu vì tính cách hay tái phát theo chu kỳ, có khi theo chu kỳ kinh.

Có thể lây nhau qua giao hợp, vì vậy được xếp vào nhóm bệnh lây qua đường tình dục (LQĐTD).

Ecpet tái phát gặp ở một số bệnh nhân có yếu tố tâm thần, chấn thương, rối loạn tiêu hóa.

Trong hội chứng AIDS, ecpet có bệnh cảnh lâm sàng trầm trọng: loét trợt rộng vùng hậu môn, sinh dục, niêm mạc miệng, có thể tổn thương não, màng não, 40% gây tử vong.

Nguyên nhân bệnh Ecpet

-Do herpes simplex virus (HSV). Có 2 týp:

– Tổn thương ở vùng miệng môi thông thường do virus týp 1 (HSV-1), ở vùng sinh dục thì do týp 2 (HSV-2) gây nên.

Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt

Cần dựa vào lâm sàng hoặc có thể nuôi cấy virus. Những tổn thương mụn nước ở vùng môi miệng và sinh dục hay tái phát thường gợi ý đến chẩn đoán do HSV. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp tái phát và nhiều trường hợp nhiễm trùng ở giai đoạn đầu của niêm mạc miệng, cần phải chẩn đoán phân biệt với các bệnh áp tơ, pemphigus vulgaris. Ở vùng sinh dục, cần phân biệt với bệnh giang mai, hạ cam mềm…

Điều trị bệnh Herpes

Điều quan trọng cần cho bệnh nhân biết là khi đang có tổn thương thì lây nhiễm rất cao.

Tại chỗ: Xoa bột trơ, chấm cồn iod; thuốc màu. Đối với các đám tái phát: chấm dung dịch cồn tannin 10%, X. quang trị liệu. Không nên dùng corticoid tại chỗ cũng như toàn thân. Mỡ acyclovir bôi 4 lần/ngày trong vòng 10 ngày

Toàn thân: acyclovir 200mg uống 5 lần/ngày; kết hợp với kháng sinh nếu có bội nhiễm.

Trẻ em thì acyclovir 15-30 mg/kg/ngày.

Vì acyclovir đào thải qua thận nên ở những người suy thận phải điều chỉnh liều cho phù hợp.

Hình ảnh minh họa

Bệnh Zona (Giời leo)

Gây nên do một loại virus hướng thần kinh và hướng da (varicella-zoster virus), đã phân lập được trên nuôi cấy tế bào, gần giống hoặc như virus thủy đậu. Mặc dù về mặt sinh vật rất khác với virus ecpet, nhưng virus zona lại gây tổn thương rất giống ecpet, chỉ khác là có vị trí một bên và theo đường dây thần kinh rõ rệt.

Triệu chứng bệnh Zona

Trước khi nổi tổn thương, thường có cảm giác báo hiệu: rát, dấm dứt, đau ở vùng sẽ nổi tổn thương, kèm theo triệu chứng toàn thân ít hoặc nhiều.

Tổn thương bắt đầu bằng các màng đỏ, hơi gò cao hơn mặt da thường hình bầu dục, lần lượt nổi dọc dây thần kinh, rải rác hoặc cụm lại thành dải, thành vệt. Sau vài giờ trên mảng đỏ xuất hiện những mụn trong sau đục, một số mụn nước liên kết lại thành phỏng nước: sau 4-5 ngày, mụn nước xẹp, khô để lại những vảy tiết nhỏ màu vàng sẫm. Mảng đỏ ở dưới nhạt xẹp dần, thành màu sẫm. Những mụn phỏng nước khi vỡ để lộ các điểm loét khá sâu, lâu lành, để lại sẹo trắng có viền sẫm màu, không bao giờ mất. Có trường hợp có xuất huyết dưới da xung quanh các mụn nước: zona xuất huyết người suy kiệt, nhiễm độc, người già, các điểm loét trợt thành mảng mục.

Trước hoặc cùng với tổn thương da, thường nổi hạch sớm, đau ở vùng tương ứng. Hạch là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán. Rối loạn cảm giác rất thường gặp. Biểu hiện thành: đau dây thần kinh từng cơn lan tỏa, hoặc thành “điểm đau nhói” dai dẳng, cảm giác rát, nóng, khu trú ở vùng đau. Ở người già, đau thường dữ dội và khá dai dẳng. Tại vùng tổn thương, cảm giác da có thể biến đổi: xen kẽ mất cảm giác và tăng cảm.

Dấu hiệu toàn thân có thể là: sốt, đau mình, kém ăn, lưỡi bự, rối loạn tiêu hóa, liệt ruột, biểu hiện phổi, tim, thận.

Thể bệnh tùy theo vị trí: vị trí tổn thương là yếu tố tốt nhất để chẩn đoán, thường là ½ người dừng đột ngột ở đường giữa, dọc theo những phân bố thần kinh (cá biệt mới có những mụn nước lạc long).

Zona mắt gây tổn thương ở trán, mi trên góc trong mắt, đặc biệt nghiêm trọng có thể gây biến chứng mặt từ viêm màng tiếp hợp gây chảy nước mắt đến viêm giác mạc, viêm mống mắt, dẫn đến loét giác mạc rối loạn đồng tử, teo gai… Zona này rất đau có thể để lại đau quanh hốc mắt dai dẳng.

Zona hạch gối có tổn thương ở vành tai, kèm theo rối loạn cảm giác 2/3 trước lưỡi, rối loạn nghe, đôi khi liệt mặt một bên.

Zona đầu, tổn thương nhiều dây thần kinh sọ não, hạch não tủy, có khi tổn thương cả não.

Tiến triển: thường lành tính, ngắn hạn, khỏi sau 2-4 tuần, nhưng có khi nặng (zona mắt, zona đầu, zona hoại thư). Có khi kéo dài nhiều đợt liên tiếp, và nhất là gây đau dai dẳng ở người già.

Khác với ecpet, zona thường gây miễn dịch (cá biệt mới gặp tái phát).

Nguyên nhân: Do một loại virus hướng thần kinh và hướng da (varicella-zoster virus).

Chẩn đoán bệnh

Cần chẩn đoán phân biệt với ecpet (không có vị trí một bên, ít khi có hạch, ít đau, dễ tái phát); viêm da tiếp xúc dị ứng; bệnh pemphigoid bọng nước, bệnh pemphigus… Trong những trường hợp này cần phải làm sinh thiết da và phản ứng miễn dịch huỳnh quang để chẩn đoán.

Đối với zona rải rác toàn thân (rất hiếm) cần phân biệt với thủy đậu.

Điều trị bệnh

Tuyệt đối không bôi mỡ cocticoit lên tổn thương zona.

– Đối với zona không đau chỉ cần thuốc tại chỗ (bột trơ, hồ nước).

– Đối với zona mắt, nhỏ thuốc sát trùng mắt, băng kín mắt.

– Đối với zona đau: các thuốc giảm đau.

Thuốc điều trị:Acyclovir 800mg/viên uống 5 lần mỗi ngày trong 7-10 ngày. Kết hợp:

– Lyrica 75mg/viên, uống 150-300mg mỗi ngày.

-Histamin.

-Kháng sinh.

-Chiếu UV, laser He – Ne…

Hình ảnh minh họa

Bệnh hạt cơm (Verrues)

Triệu chứng bệnh hạt cơm

Là những tổ chức tăng sinh thường gặp và lành tính, lây và tự nhiễm do một virus xuyên lọc gây nên. Thường nổi thành nhiều cái, rải rác ở lưng bàn tay, các ngón tay dưới rãnh móng, ở lòng bàn chân.

Ở bàn tay và các ngón: hạt cơm thành u tròn gờ cao hơn mặt da xám hoặc vàng đục, khô cứng dày sừng. Trên mặt có gai, ráp, mấp mô, xung quanh không có quầng viêm (khác với lao da xùi lúc ban đầu). Hạt cơm không đau, trừ khi ở quanh các móng. Nhiều hạt cơm có thể cụm thành đám, có khi nổi thành dãy (lây nhiễm do gãi). Hạt cơm dưới móng đội móng lên, gây đau nhất là khi chạm phải.

Hạt cơm lòng bàn chân: đi lại và ấn vào rất đau..

Mầm bệnh: Hạt cơm: sùi mào gà do một loại virus gây nên (virus tăng gai ở người HPV) virus này hay phát triển trên một số thể địa đặc biệt.

Điều trị bệnh hạt cơm

Dùng các phương pháp hủy hoại tổ chức sùi như: chấm acid trichloracetic 33%, áp tuyết carbon, đốt điện, đắp tinh thể thuốc tím, chấm azốt lỏng, podophylin 3%.

Thuốc chung: tiêm máu tự thân, vitamin, interferon (dùng cho các hạt cơm bầy, rải rác).

Điểm đặc biệt trong điều trị hạt cơm là có thể dùng tâm lý liệu pháp mặc dù bệnh do virus.

Bệnh sùi mào gà vùng sinh dục – hậu môn

Bệnh Sùi mào gà là những u biểu mô lành tính do virus còn gọi là “u sùi hoa liễu” (condylome acuminé) lây và tự nhiễm, dễ tái phát.

Triệu chứng lâm sàng bệnh sùi mào gà

Thường gặp ở cả nam và nữ tuổi 20 – 45, nhưng có thể gặp cả ở trẻ sơ sinh mà mẹ cũng bị sùi mào gà (hoa liễu).

Vị trí

Hay phát triển ở da, niêm mạc vùng sinh dục và hậu môn.

– Ở nam: rãnh quy đầu, bao hành, miệng sáo. Đôi khi lan lên mu, nếp bẹn, thân quy đầu.

– Ở nữ: môi nhỏ, phần trước của âm đạo, vùng sinh môi.

– Ở cả 2 giới: có thể gặp ở quanh hậu môn, có khi lan cả vào trong hậu môn.

– Cần khám kỹ tất cả những vị trí đó, để điều trị ngay, cả những u rất nhỏ nguồn gốc tái phát.

Hình thái sùi mào gà

Ban đầu chỉ là những u nhỏ, trắng nhạt, hồng hoặc màu da thường mặt không đều có răng cưa, hình sợi chỉ hoặc có chân, dần dần u to và nhiều lên thành những đám gồ ghề như bắp cải hoa, có chân, bề mặt nham nhở thành rãnh. Thượng bì không bị loét, nhưng luôn lép nhép rỉ nước, tổn thương mềm, nền không cộm, không đau.

Tiến triển bệnh sùi mào gà

Tổn thương dần dần phát triển tự do lây nhiễm, có thể lan cả vùng sinh dục và hậu môn:

– Hiếm khi tự nhiên mất, khác với hạt cơm.

– Đặc điểm chủ yếu là rất hay tái phát, nhiều khi dai dẳng.

– Hãn hữu có thể hư biến thành u biểu mô tế bài gai.

Nguyên nhân sinh bệnh

Do loại virus nhóm Papova, có hình thể giống như virus hạt cơm, chưa cấy được in vitro nên chưa thể nói đó là hai loại virus khác nhau hoặc chỉ là một loại.

Lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với thượng bì có bệnh, thời gian ủ bệnh trong tiêm truyền thực nghiệm trung bình 4 tháng. Điều kiện thuận lợi để mắc bệnh là thời kỳ có mang (ngay cả khi không bị lây do hoa liễu).

– Bệnh máu ác tính.

– Điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch.

Chẩn đoán phân biệt bệnh sùi mào gà

Thường dễ dàng phân biệt với:

-Ban giang mai sùi: huyết thanh giang mai dương tính.

– U biểu mô tế bài gai thể sùi.

Đối với các u sẩn nhỏ ban đầu Liken phẳng hình.

Điều trị bệnh sùi mào gà

Đốt điện, chấm acid trichloacetic.

Áp tuyết carbonic.

Điều trị bằng laser CO2 có tác dụng tốt nhất là ở phụ nữ có mang bị sùi mào gà to ở vùng sinh dục.

Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook