Bị béo phì, cao huyết áp, gout, nhưng anh Hòa lại thường xuyên ăn nội tạng động vật, điều trị không đúng cách. Khi nhập viện bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân suy thận cấp.
BSCKI Cao Thanh Ngọc, Trưởng Đơn vị Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết vừa tiếp nhận anh Hòa (34 tuổi, ở Gò Vấp) trong tình trạng chân sưng to, tấy đỏ khiến không đi lại được kèm theo ói ra máu.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa trên do loét dạ dày kèm viêm khớp gout. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân thiếu máu nặng, axit uric máu tăng cao kèm suy thận cấp. Anh Hòa được truyền máu cấp cứu và nội soi dạ dày điều trị loét.
Bệnh nhân cho biết ăn 5-6 bữa lòng lợn mỗi tuần. Một năm trước, anh này đã mắc béo phì, cao huyết áp, gout nhưng chủ quan, khi bệnh tái phát tự ý mua thuốc về uống.
Anh Đông (39 tuổi, ở An Giang) bị gout 6 năm trước cũng ở tình trạng tương tự. Cách đây 2 năm, bệnh nhân nghe lời giới thiệu thuốc trị khớp “bí truyền” hiệu quả từ nước ngoài nên mua về uống mỗi ngày.
Khi đi tái khám ở Bệnh viện Đại học Y dược, bác sĩ chẩn đoán bệnh gout của anh đã sang giai đoạn nặng. Nhiều khớp đã biến dạng do biến chứng của việc lạm dụng thuốc có chứa corticoid như bầm máu tay chân, suy thận, loãng xương với chỉ số loãng xương T-score là -4/-3.2.
Chân bệnh nhân mắc bệnh gout. Ảnh: BSCC.
Theo bác sĩ Ngọc, gout là một trong những bệnh về xương khớp phổ biến nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng người bệnh đến khám các vấn đề về xương khớp. Điều đáng nói là người mắc gout ngày càng trẻ hóa.
Phòng khám Nội cơ xương khớp ghi nhận cứ 4 người mắc gout, thì có từ 1-2 người ở độ tuổi 30 và tỷ lệ này ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, đa số người mắc gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh. Họ cho rằng bệnh này không nguy hiểm như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp,… nên không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Nhiều người bệnh chỉ dùng thuốc khi có các triệu chứng sưng đau khớp.
Viêm khớp gout là bệnh mạn tính, người mắc cần phải điều trị suốt đời. Nếu không người bệnh sẽ dễ bị biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí tàn phế. Nhất là khi những hạt tophi bị vỡ, nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập rất cao và gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết.
Ngoài ra, bệnh gout còn gây ra sỏi thận, suy thận và ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan khác trong cơ thể.
“Việc sử dụng các thuốc giảm đau bừa bãi của một bộ phận không nhỏ người bệnh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử”, bác sĩ Ngọc nhấn mạnh.
Để loại bỏ căn bệnh trên, bác sĩ điều trị khuyên người dân nên có lối sống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục điều đặn, uống nhiều nước, tránh rượu bia, thuốc lá, thức ăn chứa nhiều đạm như nội tạng động vật, thịt bò, hải sản…
Khánh Trung
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.