Tái hôn thể hiện nhu cầu chia sẻ, yêu thương tất yếu của người đang “lẻ bầy”. Nhưng với người lớn tuổi, muôn nẻo gập ghềnh chờ họ.
Chòng chành đò lần hai
Bà Dàng đột ngột qua đời như tiếng sét choáng váng vội đến làm ông Hưởng suy sụp. Con cái trưởng thành, mỗi đứa kiếm sống một phương, ông một mình với căn nhà trống trải. Ngay trong đám tang bà, thiên hạ đã nhiều lời xì xào: ông ấy lại mau lấy bà khác thôi; ông ấy giàu thế thì khối người vào; đàn ông còn khoẻ mạnh như ông ấy thì làm sao ở vậy được…
Ảnh minh họa |
Một năm sau ngày bà mất, ông tái hôn với một người phụ nữ cùng làng. Nhiều điều tiếng liên quan đến kinh tế, lời ra tán vào về con cái cũng tan biến dần. Thay vào đó là sự hòa thuận, ông có người bầu bạn, con cháu yên tâm công tác, mẹ kế con chồng vui vẻ…
Không phải ai cũng may mắn như ông Hưởng. Vào tuổi này, mối quan ngại không xoay quanh mâu thuẫn “gì ghẻ con chồng”, “cha dượng, con vợ” chung nhà. Đám cưới của người lớn dẫu không đình đám cũng gây chú ý cho nhiều người.
Con, cháu đôi khi rơi vào tâm lý hổ thẹn thấy bố (mẹ) đã lớn tuổi còn tính chuyện cưới xin. Một số lại thấy ngượng ngùng trong cách xưng hô nếu bố (mẹ) tái hôn với người quá chênh lệch về tuổi tác. Một số khác lại sợ tài sản của bố mẹ bị phân chia. Có người sinh thêm con, lại nhiêu khê cảnh “già còn bồng con thơ”.
Các bà còn khó khăn hơn các ông trước quyết định tái hôn. Quan niệm “chung thủy đến cùng” vẫn còn vương nặng một số nơi, một số gia đình. Người đàn bà sang đò lần hai mang theo bao phiền muộn về quan hệ nhà chồng mới, nhà chồng cũ, con cái, cháu chắt. Đi theo đó là quan niệm khắt khe về tuổi yêu thương của phụ nữ so với nam giới.
Tái hôn từ góc nhìn nhân văn
Có người mất vợ (chồng) khi còn trẻ, họ hy sinh vì con cái, sống đời góa bụa nuôi con. Sang tuổi ngũ, lục tuần, người “cùng cảnh ngộ” tìm về sum họp, chia sẻ tuổi già. “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, con cái dẫu có hiếu thảo, thương kính cha mẹ đến mấy cũng không thể chia sẻ với nỗi niềm, cô đơn khi cha mẹ lớn tuổi.
Mất bạn đời, đi tìm bạn đời mới không có lỗi với người quá cố. Nhưng đối tượng để tái hôn và cách tiến tới cuộc hôn nhân này dễ tạo ra những phản ứng trái chiều, rất tự nhiên trong tâm lý con cháu. Nghĩ vì cha mẹ, hiểu được nhu cầu tinh thần của cha mẹ, con cháu sẽ cảm thông hơn, dễ chấp nhận hơn.
Tái hôn với người hòa hợp là gây lại “bản chất” cuộc sống gia đình, tăng thêm mối quan hệ tình cảm, giảm nguy cơ trầm cảm của tuổi già cô độc. Khát khao yêu thương, chia sẻ mãi là nhu cầu của con người ở mọi thời đại, mọi lứa tuổi. Tình nghĩa, tình bạn, tình vợ chồng già của những người tái hôn sẽ nâng cao giá trị đời sống mỗi gia đình và xã hội.
Như Bình
Chưa có bình luận.