Dựa trên những phát hiện mới, các nhà khoa học tin rằng protein trong thịt hiện cũng đóng góp đáng kể đến bệnh béo phì trên toàn cầu.
Theo các nhà khoa học tại Đại học Adelaide, chất béo và tinh bột có thể cung cấp đủ năng lượng mà cơ thể đòi hỏi, và chúng cũng được tiêu hóa nhanh hơn so với protein, có nghĩa là năng lượng từ protein sẽ được dự trữ để sử dụng sau này. Chính vì vậy, nếu cơ thể đã thừa năng lượng, protein sẽ được chuyển đổi và lưu trữ như chất béo trong cơ thể.
Nghiên cứu sinh Wenpeng You của Đại học Adelaide đã nghiên cứu lượng đường và protein ảnh hưởng đến tỷ lệ béo phì ở 170 quốc gia, và tìm thấy một mối tương quan mạnh mẽ giữa chúng.
Sau khi xem xét sự khác biệt giữa các quốc gia, bao gồm cả mức độ đô thị hóa, hoạt động thể chất và lượng calo, các nghiên cứu cho thấy protein chiếm 13% tỷ lệ gây béo phì – mức tương tự như đường.
Trình bày những phát hiện của mình tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 18 về Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm tại Zurich, Thụy Sĩ, ông You cho rằng các protein trong thịt ảnh hưởng trực tiếp tới nguy cơ gây béo phì.
Các nhà khoa học khuyến khích người dân nên hạn chế tiêu thụ đường và một số chất béo trong khẩu phần ăn, đồng thời chú ý không ăn quá lượng thịt cần thiết trong mỗi bữa ăn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguyên nhân gây bệnh béo phì là do sự mất cân bằng giữa lượng calo tiêu thụ và lượng calo tiêu hao.
Được biết, hiện có hơn 1,9 tỷ người bị thừa cân và hơn 600 triệu người bị béo phì trên toàn thế giới.
Vi Bùi H+ (Theo Independent)
Nguồn: Health+
Chưa có bình luận.