Thứ Ba, 15/01/2019 | 22:20

Viêm khớp dạng thấp là một trong các bệnh khớp viêm mạn tính thường gặp nhất, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế trong các bệnh lý cơ xương khớp.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm đặc hiệu xảy ra ở các khớp gây tổn thương màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương dưới sụn, diễn biến mạn tính, trong đó số lượng khớp bị viêm và bị hủy hoại có thể rất nhiều, nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ cao bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp có teo cơ, giảm sức cơ, biến dạng khớp, cứng khớp, giảm sức bền cơ thể do vậy bệnh nhân bị hạn chế vận động nghiêm trọng, thời gian bị bệnh càng dài thì tỷ lệ bệnh nhân mất khả năng lao động càng lớn. Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp mạn tinh thường gặp nhất, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế trong các bệnh lý cơ xương khớp.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Hỏi bệnh:

Khai thác các thông tin về thời gian xuất hiện đau sưng ở khớp, số lượng khớp sưng đau, tính chất đau, tiến triển bệnh, các phương pháp điều trị đã trải qua…

Khám lâm sàng

– Đánh giá các tổn thương tại khớp: tính chất đối xứng, ở các khớp ngoại biên, tiến triển từng đợt, có xu hướng nặng dần gây hủy hoại khớp và đầu xương

– Đánh giá các tổn thương ngoài khớp: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, rối loạn nhịp tim, tràn dịch màng phổi, xơ phổi, khô kết mạc mắt…

– Đánh giá các tổn thương toàn thân: mệ mỏi, sụt cân, thiếu máu, suy nhược, phù…

Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng

– Các xét nghiệm cơ bản: CTM. VSS, CRP, xét nghiệm chức năng gan, thận, XQ thường quy tim phổi, điện tâm đồ.

– Các xét nghiệm đặc hiệu: Yếu tố dạng thấp RF, anti CCP, XQ khớp tổn thương.

Chẩn đoán xác định viêm khớp dạng thấp

Theo tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa kỳ và Liên đoàn chống Thấp

Châu Âu:

Dấu hiệu Điểm

A. Biểu hiện tại khớp

+ 01 khớp lớn 0

+ 02-10 khớp lớn 01

+ 01-03 khớp nhỏ (có hay không có biểu hiện ở khớp lớn) 03

+ 04-10 khớp nhỏ (có hay không có biểu hiện ở khớp lớn) 04

+ Trên 10 khớp (có ít nhất 01 khớp nhỏ) 05

B- Huyết thanh (ít nhất phải làm một xét nghiệm)

+ RF âm tính và Anti CCP âm tính 0

+ RF dương tính thấp hoặc anti CCP dương tính thấp 02

+ RF dương tính cao hoặc anti CCP dương tính cao 03

C- Chỉ số viêm giai đoạn cấp (ít nhất phải làm một xét nghiệm)

+ CRP bình thường hoặc tốc độ máu lắng bình thường 0

+ CRP tăng hoặc tốc độ máu lắng tăng 01

D-Thời gian hiện diện các triệu chứng

Dưới 6 tuần 0

Trên 6 tuần 01

Chẩn đoán xác định khi điểm 6/10

Chẩn đoán phân biệt viêm khớp dạng thấp

– Lupus ban đỏ hệ thống

– Thoái hóa khớp

– Viêm khớp trong bệnh Goutt mạn tính

– Viêm cột sống dính khớp

Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm khớp dạng thấp:

– Gây biến dạng khớp, giảm khả năng vận động

– Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim

– Tăng nguy cơ mắc bệnh phổi

– Tăng nguy cơ mắc bệnh thận

– Tăng nguy cơ viêm mạch máu

– Gây khó thụ thai

– Tăng nguy cơ nhiễm trùng, và một số bệnh về da

Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Mục tiêu điều trị bệnh VKDT là nhằm giảm viêm, giảm đau, hạn chế tổn thương khớp, ngừa biến dạng khớp, duy trì chức năng, duy trì khả năng độc lập trong sinh hoạt hàng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Ngày nay có rất nhiều tiến bộ trong điều trị nội khoa và ngoại khoa bệnh VKDT giúp cải thiện tiên lượng bệnh, tuy nhiên các biện pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân là rất quan trọng trong bất kỳ giai đoạn và mức độ tiến triển nào của bệnh.

Mục đích điều trị và Phục hồi chức năng viêm khớp dạng thấp

– Bảo vệ khớp.

– Giảm đau, giảm sưng.

– Duy trì và cải thiện tầm vận động khớp, ngừa biến dạng khớp.

– Làm mạnh cơ yếu, tăng cường sức chịu đựng của cơ thể.

– Cải thiện khả năng thăng bằng khi đi lại.

– Cải thiện sức khỏe và tăng cường độc lập trong sinh hoạt

Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng viêm khớp dạng thấp

Giai đoạn khớp viêm cấp

– Nghỉ ngơi: cần để các khớp viêm cấp được nghỉ ngơi, giảm vận động ban ngày vì vận động và gắng sức có thể làm tăng sưng đau và tổn thương khớp.

– Duy trì tư thế khớp đúng khi nghỉ: không đặt gối kê dưới khoeo chân, gây co rút gập khi đợt viêm chấm dứt. Các khớp bị viêm ở bàn tay và cổ tay cũng cần cố định ở tư thế đúng khi nghỉ.

– Mang nẹp nghỉ vào ban đêm, cho phép giữ khớp ở tư thế chức năng, và làm giảm sự co rút của gân cơ. Tác dụng hỗ trợ chống viêm và giảm đau của nẹp rất tốt.

– Chườm lạnh các khớp viêm cấp 10 – 15 phút, 2lần/ngày

– Vận động tập: vận động thụ động nhẹ nhàng các khớp háng, gối, vai ngừa dính khớp, teo cơ, đặt khớp cổ, bàn tay và ngón tay trong máng bột hay nẹp nhựa ở tư thế cổ tay duỗi 200, khớp bàn đốt gập 450, khớp liên đốt gập 300, khớp liên đốt xa gập 200, ngón cái duỗi và dạng. Khuyến khích người bệnh nằm sấp, gồng cơ tứ đầu đùi, cơ mông. Vận động thụ động nhẹ nhàng cổ chân và cácngón chân.

Giai đoạn khớp viêm bán cấp

– Khớp cổ, bàn, ngón tay:

Giảm đau bằng ngâm paraphin hay bồn nước xoáy, vận động chủ động có trợ giúp để duy trì và tăng tầm vận động của bàn tay và các ngón tay, vận động có đề kháng bằng tay hay dụng cụ để tăng lực cơ.

Tập luyện chức năng bàn tay nhất là chức năng cầm nắm. Kéo giãn nhẹ các gân cơ co cứng nhưng không làm quá mức.

– Khớp vai:

Dùng nhiệt sâu để giảm đau, thư giãn bao khớp. Vận động có trợ giúp để tăng tầm vận động khớp nhất là dạng và xoay. Vận động chủ động tự do duy trì lực cơ vùng vai, tay.

– Khớp háng và gối:

Giảm đau bằng nhiệt sâu, vận động chủ động có trợ giúp để duy trì tầm vận động, tập mạnh cơ tứ đầu đùi, cơ duỗi hông. Tập di chuyển với nạng gậy trợ giúp, đặt máng bột sau gối mỗi đêm.

– Khớp cổ, bàn chân:

Giảm đau bằng nhiệt, vận động chủ động có trợ giúp khớp cổ chân nhất là gân gót. Kéo giãn gân cơ nếu co rút. Tập di chuyển với nạng.

Giai đoạn mạn tính

– Thực hiện các bài tập kéo giãn ngừa co rút biến dạng khớp, các bài tập chủ động có đề kháng tăng thể tích cơ và lực cơ. Tăng cường thể lực bằng các bài tập vận động tự do có đề kháng (chú ý giảm sức tỳ lên mặt khớp lớn, khớp chịu lực)

– Thực hiện các bài tập Hoạt động trị liệu tăng cường khả năng và các cử động khéo léo của hai bàn tay.

– Đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội, đạp xe đạp, thể dục nhịp điệu để tăng cường sức bền của cơ thể.

– Chương trình tập cần tăng tiến từ từ, không làm sưng đau hay khởi phát tiến trình viêm khớp.

Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

-Các thuốc kháng viêm không steroid: lưu ý khi dùng dài ngày hay bệnh nhân già yếu, có tiền sử tim mạch, dạ dày, cần theo dõi chức năng gan, thận.

– Corticoid: sử dụng ngắn hạn trong lúc chờ đợi thuốc điều trị căn bản có hiệu lực

– Thuốc điều trị căn bản: Methotrexat, Sulfasalazin, Hydrocloroquin.

– Các thuốc kháng thấp sinh học: Ức chế TNF α, kháng Interleukin 6, kháng Lympho B…

Điều trị khác

– Điều trị ngoại khoa: Chỉnh hình khớp, thay khớp nhân tạo

– Điều trị y học dân tộc: Châm cứu, thuốc nam trong giai đoạn bệnh ổn định hỗ trợ làm thuyên giảm triệu chứng viêm, giảm liều các thuốc chống viêm

Theo dõi và tái khám viêm khớp dạng thấp

Bệnh nhân phải được theo dõi trong suốt quá trình điều trị, xét nghiệm định kỳ bilan viêm, chức năng gan thận, XQ phổi và đánh giá tiến triển bệnh theo DAS 28, đánh giá chức năng theo thang điểm Quality of life (QOL) hoặc Health Assessment Questionnaire (HAQ).

Yhocvn.net (Theo hướng dẫn Phục hồi chức năng viêm khớp dạng thấp của Bộ Y tế)

Bài cùng chủ đề:

+ 5 bài tập tại nhà hiệu quả cho người bị viêm khớp gối

+ Tiến bộ trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

+ Các giai đoạn của bệnh viêm khớp dạng thấp cần điều trị, phòng ngừa như thế nào?

+ Mới: Tính tự miễn dịch trong bệnh viêm khớp dạng thấp

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook