Dạ dày “xuống cấp” chủ yếu là do sự tích tụ dần dần của những thói quen xấu như ăn không đúng bữa, hút thuốc, uống rượu bia quá nhiều…
Ăn trước khi ngủ hoặc ăn không đúng bữa
Thành phần protein có trong thực phẩm sẽ kích thích quá trình tiết axit và dịch vị trong dạ dày. Ngủ ngay sau khi ăn no khiến thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết gây phân hủy và lên men trong dạ dày, dẫn tới đầy bụng và đau dạ dày.
Không những vậy, ăn không đúng bữa cũng là nguyên nhân khiến dạ dày “xuống cấp”. Đến một giờ cố định, dạ dày theo thói quen sẽ tiết axit để tiêu hóa thức ăn. Nếu không bổ sung thức ăn kịp thời, lượng axit sản sinh sẽ “phản lại”, gây ra căn bệnh viêm loét dạ dày.
Hút thuốc quá nhiều
Thuốc lá, ngoài việc gây ra những tổn thương cho phổi và các cơ quan hô hấp còn gây ra những di chứng nặng nề cho dạ dày. Thành phần các chất nicotine trong thuốc lá có thể làm thu hẹp các mạch máu ở thành dạ dày, từ đó làm tổn thương lớp niêm mạc và làm giảm tính năng tiết dịch vị tiêu hóa thức ăn.
Ăn không đúng bữa là nguyên nhân khiến dạ dày “xuống cấp”.
Ăn quá nhanh
Ăn quá nhanh thường gây nên hiện tượng khó tiêu hoá vì khi lượng thức ăn được “nạp” vào nhanh, não bộ chưa kịp nhận tín hiệu từ dạ dày khiến dạ dày không kịp tiết dịch và co bóp để tiêu hoá. Thói quen ăn nhanh lâu ngày có thể dẫn tới bệnh đau dạ dày.
Uống rượu bia quá độ
Trong tất cả các loại rượu bia hay đồ uống có cồn đều chứa các men vi sinh. Các loại men này nếu vào cơ thể ở mức vừa phải thì sẽ có lợi cho việc tiêu hóa thức ăn.
Tuy nhiên, nếu bạn uống rượu bia quá nhiều, lượng men vi sinh vào cơ thể ở mức quá tải thì sẽ gây ra những rối loạn trong đường tiêu hoá và làm hạn chế khả năng điều tiết thức ăn của dạ dày, từ đó gây ra đau dạ dày, viêm loét dạ dày…
Căng thẳng thần kinh
Khi rơi vào trạng thái khó chịu, căng thẳng, trầm cảm, mệt mỏi… sự tiết dịch ở dạ dày cũng bị ảnh hưởng theo. Đó là lý do tại sao chức năng tiêu hóa của dạ dày không được thực hiện tốt. Sự căng thẳng về tâm lý, cảm xúc có thể kéo theo ảnh hưởng xấu ở dạ dày.
Hoạt động ngay sau khi ăn xong
Khi thức ăn đi vào dạ dày thì não sẽ nhận lệnh điều khiển dạ dày làm việc, thực hiện các chức năng tiêu hóa. Nhưng nếu làm việc ngay sau khi ăn thì não lại phải điều khiển chia sẻ năng lượng cơ thể cho các hoạt động khác. Đặc biệt là các hoạt động về thể lực mạnh, hoạt động trí óc, làm cho quá trình tiêu hóa của dạ dày bị gián đoạn.
Vì thế sau khi ăn, nên nghỉ ngơi 30 phút để dạ dày có thể tiêu hóa hết thức ăn rồi tiếp tục thực hiện các hoạt động khác. Điều này sẽ tránh được các bệnh lý liên quan đến dạ dày.
Dấu hiệu nhận biết bệnh dạ dày sớm
Bệnh đau dạ dày thường có triệu chứng là đau vùng bụng trên rốn, đau âm ỉ nhưng cũng có lúc đau quằn quại.
Ngoài những cơn đau, bệnh dạ dày còn có một số triệu chứng khác như: ợ chua, buồn nôn và nôn, ợ hơi, khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy,… Với trẻ em thì thường có biểu hiện chậm lên cân, bị suy dinh dưỡng, thường bị đau bụng và nôn ói. Đây là những triệu chứng dễ thấy sớm nhất của bệnh dạ dày không nên xem thường.
Theo Thúy Nga/ VTC News
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.