Thứ Tư, 16/11/2016 | 14:31

Thai phụ bị đái tháo đường nên áp dụng nguyên tắc “1 phần 4”, tức chia đĩa ăn thành 4 phần với 1 phần tinh bột, 1 phần đạm, 2 phần rau củ.

Theo Phó Giáo sư Huỳnh Nguyễn Khánh Trang – Bệnh viện Hùng Vương, 90% nguy hiểm của đái tháo đường thai kỳ có thể phòng ngừa và kiểm soát bằng chế độ ăn uống, tập luyện. Đái tháo đường có thể làm tăng các bệnh nguy hiểm và tỷ lệ tử vong ở cả thai phụ lẫn thai nhi. Tầm soát đái tháo đường được thực hiện khi mang thai 24 – 28 tuần. Quá trình điều trị được tiến hành ngay sau khi phát hiện bệnh, bao gồm tiết chế dinh dưỡng, vận động hợp lý. 

Nguyên tắc của chế độ ăn tiết chế:

– Ăn nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường máu quá nhiều sau khi ăn và hạ đường máu quá nhanh lúc xa bữa ăn. Ăn 3 bữa chính và 2 – 3 bữa ăn phụ trong ngày. 

– Kiểm soát lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn. Tránh ăn ngọt nhiều. 

– Chọn thức ăn giàu chất xơ, ít chất béo bão hòa.

– Dùng hỗ trợ đa sinh tố có sắt, acid folic và calci.

Nguyên tắc ăn "1 phần 4" cho bà bầu đái tháo đường thai kỳNguyên tắc dinh dưỡng “1 phần 4”. Ảnh: H.V

Nguyên tắc “1 phần 4”: Chia đĩa ăn thành 4 phần, trong đó 1 phần tinh bột, 1 phần đạm, 2 phần rau củ. Lượng tinh bột cho mỗi phần khoảng 1/2 chén đến 2/3 chén.

Tinh bột: Cơm, cháo, hủ tiếu, mì, nui, bánh canh, phở, miến, bánh mì…

Đạm: Có trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu… Nên ăn các loại thịt trắng, cá (ít nhất 2 lần một tuần), hải sản, gia cầm (không ăn da, ví dụ ức gà), phô mai…

Rau củ hay trái cây tráng miệng: Chọn loại ít ngọt.

Thức uống: Đồ uống trong bữa ăn cũng góp phần làm gia tăng đường máu. Do đó cần chọn các loại thức uống không cung cấp năng lượng hay năng lượng rất thấp như nước lọc, trà không đường, cà phê, soda dành cho người ăn kiêng…

Nên tránh nước trái cây, soda thông thường, trà ngọt, các thức uống tăng lực hay có đường. Có thể dùng sữa ít béo hay sữa tách béo, nước trái cây nguyên chất không đường. Lưu ý, sữa cung cấp năng lượng nên được tính như một bữa phụ.

Bữa phụ nên chọn ngũ cốc nguyên cám, trái cây hoặc rau củ. Vẫn phải lưu ý nguyên tắc “1 phần 4” để cân bằng đường huyết, đồng thời giúp bổ sung thêm năng lượng.

Một số loại thực phẩm có hàm lượng carbohydrate tham khảo:

  10-20 gr carbohydrate

30 gr carbohydrate

(nên ăn trước khi tập thể dục)

15 quả hạnh nhân

3 nhánh cần tây + 1 muỗng canh bơ đậu phộng

5 quả cà rốt baby

1 trứng luộc

250 ml dưa leo trộn dầu giấm

2 muỗng canh hạt bí đỏ hay hạt mè

1/4 trái bơ

50 ml hỗn hợp trái cây

250 ml nui gà, súp khoai tây hay súp rau

1 quả táo nhỏ

1 quả cam nhỏ

50 ml phô mai + 100 ml nước trái cây

1 cái bánh gạo + 1 muỗng canh bơ đậu phộng

1 lát bánh mì sanwich + 1 muỗng canh bơ đậu phộng

190 ml yaua không đường + 160 ml berries

180 ml ngũ cốc nguyên cám + 100 ml sữa tách béo

1 quả chuối + 1 muỗng bơ đậu phộng

Mỗi bệnh nhân cần ghi chép riêng về số lượng, thành phần thực phẩm trong mỗi bữa ăn, giờ ăn của cả bữa chính và phụ. Nên ăn rau xanh đậm, các loại đậu, khoai tây, cà rốt, khoai lang, bông cải xanh, bí, yến mạch, nấm, cá… Tập thể dục như đi bộ, bơi lội, yoga nhẹ nhàng tối thiểu 3 lần một tuần, mỗi lần 15 phút. Khoảng 10 – 20% bệnh nhân không đáp ứng chế độ dinh dưỡng tiết chế tại nhà phải nhập viện điều trị.

Theo Lê Phương (VnExpress)

Nguồn: Health+

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook