Theo nghiên cứu của trường Đại học Y tế công cộng Harvard (Mỹ), ăn cơm gạo trắng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường loại 2.
Đó là kết quả thu được sau khi phân tích bốn nghiên cứu trước đó liên quan đến hơn 352.000 người từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc trong khoảng thời gian 4 – 22 năm (1).
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ăn 3 – 4 chén cơm trắng mỗi ngày sẽ có nguy cơ bị tiểu đường loại 2 tăng lên 1,5 lần so với những người ăn ít cơm nhất. Ngoài ra, cứ ăn thêm một chén lớn cơm gạo trắng hàng ngày thì nguy cơ này sẽ tăng thêm 10%.
Gạo trắng được xếp vào nhóm có chỉ số đường huyết cao, có nghĩa là nó có thể gây ra những thay đổi lượng đường trong máu một cách đột biến. Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra các loại thực phẩm chỉ số đường huyết cao thường gắn liền với nguy cơ bệnh tiểu đường loại 2.
Người phương Tây tiêu thụ ít gạo nhưng nếu ăn nhiều bánh mì và các loại mì làm từ bột mì trắng thì cũng có cùng mối nguy cơ.
Gạo bị mất chất dinh dưỡng do xay xát
Nền văn minh lúa nước gắn liền với lịch sử xã hội, con người Việt Nam từ xưa đến nay. Cơm gạo trắng đã trở thành món ăn chính hàng ngày. Từ khi xuất hiện công nghệ xay xát thì gạo trắng càng được ưa chuộng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy độ trắng của gạo chính là một yếu tố quan trọng trong các vấn đề sức khỏe.
Quá trình xay xát lúa để sản xuất ra gạo đã bóc tách phôi mầm của hạt gạo, bóc bỏ lớp vỏ lụa (vỏ cám) vốn rất giàu chất khoáng, chất xơ, giàu các loại vitamin, nhiều loại axit amin, axit béo và hoạt chất quý giá của gạo. Hạt gạo càng trắng thì các lớp vỏ này bị bóc ra sâu, chất dinh dưỡng càng bị nghèo đi. Đến khi vo gạo nấu cơm, nếu vo đãi sạch rồi bỏ nước đi thì có thể lại mất thêm một lần nữa các loại chất dinh dưỡng này.
Gạo chất lượng kém do phương pháp canh tác
Đa phần các giống lúa ở Việt Nam đều là loại ngắn ngày, trên ba tháng, mỗi năm 2-3 vụ. Trong khi đó nhiều nước như Nhật Bản và Thái Lan lại ưu tiên phát triển giống dài ngày chất lượng cao, mỗi năm một vụ.
Thêm vào đó là các vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng phân bón hóa học. Việc chạy đua về năng suất trong khi hiểu biết kỹ thuật lạc hậu để lại hậu quả sâu sắc. Chất lượng dinh dưỡng trong hạt gạo càng giảm, nguy cơ ô nhiễm dư lượng các hóa chất từ sản xuất tăng lên. Do đó, tuy nằm trong nhóm đầu các nước về xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng giá thành hạt gạo Việt Nam luôn luôn thấp hơn của nhiều nước khác. Thậm chí có thời gian còn bị thị trường quen thuộc là Nhật Bản cấm do nhiễm thuốc trừ sâu.
Gạo nhiễm độc vì bảo quản sai cách
Ở điều kiện thông thường, sau khi sản xuất ra thì chỉ nên bảo quản gạo và sử dụng trong khoảng thời gian 3 tháng. Khi bảo quản lâu, các thành phần dinh dưỡng của gạo bị thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đều dự trữ gạo chờ giá. Chính sách nhà nước cũng khuyến khích dự trữ gạo mà không chú trọng dự trữ lúa. Đến khi ra thị trường bán lẻ, gạo lại được bày bán trong điều kiện tiếp xúc trực tiếp với không khí, ánh sáng…
Có trường hợp còn bị phun thêm hóa chất để kéo dài thời gian bảo quản và phòng ngừa côn trùng tấn công gạo. Đây đều có thể là các độc tố gây ung thư hoặc làm rối loạn quá trình chuyển hóa. Do đó, các mối nguy cho sức khỏe do ăn cơm không chỉ đến từ hạt gạo nghèo dinh dưỡng mà có thể là một số hóa chất phát sinh thêm.
Nhiều công trình nghiên cứu khác đã khẳng định thói quen ăn cơm gạo trắng thường xuyên mang lại các nguy cơ về bệnh khác như béo phì, tim mạch…
Có cách nào hạn chế rủi ro?
Các chuyên gia khuyên nên ăn gạo xát ở mức độ vừa phải, thậm chí là gạo lứt để phòng chống nguy cơ suy dinh dưỡng và các bệnh thời đại. Gạo lứt là loại gạo còn nguyên lớp vỏ cám có chứa nhiều hoạt chất quý giá, tuy có phần xấu xí và hơi khó ăn nhưng mang lại vô cùng nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Gạo lứt muối mè kết hợp với nhai chậm là một công thức vẫn hay được dùng trong dưỡng sinh trị bệnh.
Cần lưu ý, không chỉ cơm gạo trắng mới có những nguy cơ trên mà các sản phẩm chế biến từ gạo như bún, phở…, cũng đều cho một hiệu ứng tương tự. Có thể thay thế một phần nguồn tinh bột từ các bữa cơm gạo bằng các loại ngũ cốc khác như các loại hạt đậu, khoai lang… Tăng thêm khẩu phần rau xanh và trái cây để hỗ trợ cơ thể tiêu hóa và chuyển hóa cơm được tốt.
Đình Vũ
Tài liệu tham khảo:
Emily A Hu, An Pan, Vasanti Malik, Qi Sun. White rice consumption and risk of loại 2 diabetes: meta-analysis and systematic review. BMJ 2012.
Chưa có bình luận.