Bệnh nhân có quyền nhận bồi thường bằng cách được chăm sóc, điều trị và việc thanh toán viện phí, thậm chí còn có thể khởi kiện bác sĩ, bệnh viện.
Chiều 19/7 tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), bệnh nhân Nguyễn Văn Thảo (37 tuổi, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được chỉ định mổ chân trái, nhưng khi hết thuốc tê, anh phát hiện bác sĩ đã mổ nhầm chân phải.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, phía bệnh viện, đặc biệt là bác sĩ trực tiếp mổ đã đến xin lỗi bệnh nhân, nhận trách nhiệm chữa trị và miễn phí toàn bộ viện phí.
Anh Trần Văn Thảo – bệnh nhân bị mổ nhầm chân tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh:HQ.Trao đổi với Zing.vn, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay khi một sự cố tương tự xảy ra, bệnh viện là người sẽ phải đứng ra xin lỗi và chịu mọi phí tổn cho bệnh nhân. Điều này Bệnh viện Việt Đức đã làm rất rõ ràng với tinh thần cầu thị.
Sau đó, bệnh viện sẽ xem xét theo luật khám chữa bệnh để xem sai sót ở khâu nào, trách nhiệm các bên liên quan ra sao.
Sau khi xác minh rõ nguyên nhân xảy ra sự cố, quy trách nhiệm cho cá nhân, tập thể, bệnh viện sẽ truy thu lại theo nguyên tắc ai có lỗi phải bồi hoàn. Bệnh viện sẽ không thể bỏ toàn bộ chi phí khắc phục sự cố do cá nhân bác sĩ gây ra.
Như vậy, dù ai chịu trách nhiệm, bệnh nhân đều có quyền được nhận sự bồi hoàn bằng việc được chăm sóc, điều trị và thanh toán viện phí.
Bên cạnh đó, nếu không thấy thỏa đáng, trong trường hợp người nhà kiện cáo, đòi bồi thường dân sự hai bên sẽ tự thương lượng. Nếu thương lượng không thành công hai bên sẽ phải ra tòa và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo TS Quang, trước khi mổ bác sĩ phải kiểm tra kỹ hồ sơ, bệnh án của bệnh nhân, đối chiếu nhận dạng, thậm chí phải tiếp xúc với bệnh nhân… Tất cả đã được quy định rất rõ.
Bộ Y tế cũng đã triển khai bảng kiểm an toàn phẫu thuật, thực hiện bảo đảm an toàn phẫu thuật, xác định chính xác người bệnh trước khi thực hiện cung cấp dịch vụ cho người bệnh theo quy định.
“Để xảy ra sự việc trên là do ê kíp phẫu thuật không thực hiện đúng quy trình. Bệnh viện sẽ có trách nhiệm đánh giá các khâu, các bước, ai là người làm sai”, TS Quang đánh giá.
Chiều 20/7, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Viết Tiến đã đình chỉ hoạt động chuyên môn đối với kíp mổ cho bệnh nhân Trần Văn Thảo, trong đó có bác sĩ phẫu thuật chính Phan Văn Hậu.
Theo GS Tiến, bác sĩ Hậu không thuộc biên chế nhân sự hay hợp đồng lao động ở Bệnh viện Việt Đức mà công tác tại Đại học Y Hà Nội song thường xuyên tham gia công tác phẫu thuật tại Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Hậu là người có chuyên môn giỏi và đã nhiều năm tham gia mổ cho bệnh nhân.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ pháp chế cho hay: “Việc hợp tác phẫu thuật giữa bác sĩ với bệnh viện là chuyện bình thường. Theo quy định, một bác sĩ khi đã có chứng chỉ hành nghề và đăng ký hành nghề, họ được phép tham gia các công việc chuyên môn và chịu trách nhiệm với việc đó”.
Nếu bác sĩ có chứng chỉ ngoại khoa họ có thể mổ ở bất cứ đâu cũng song phải đăng ký với cơ quan chức năng là Sở Y tế, Bộ Y tế và điều chỉnh theo quy chế nội bộ.
Theo đó, chứng chỉ hành nghề được cấp cho bác sĩ ra trường có thực hành đúng chuyên môn đào tạo 18 tháng, cấp theo luật khám chữa bệnh, có giá trị cả đời.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.