Hướng dẫn cách lượng giá chức năng thăng bằng cho bệnh nhân tai biến, sọ não, Parkinson bằng thang điểm Berg (Berg Balance Scale)
Lượng giá chức năng thăng bằng là kỹ thuật sử dụng Thang điểm Berg (Berg Balance Scale – BBS) để đánh giá khả năng thăng bằng của người bệnh và người khuyết tật.
Thang điểm Berg ban đầu được xây dựng chỉ để lượng giá chức năng thăng bằng ở người già. Sau này, nhiều công trình nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả và độ tin cậy của nó nên dần mở rộng ra nhiều đối tượng lượng giá khác.
Thang điểm Berg bao gồm 14 tiêu chí là những động tác được thực hiện ở những tư thế khác nhau. Căn cứ trên khả năng giữ thăng bằng của người bệnh khi thực hiện những động tác đó, người lượng giá sẽ cho điểm từng tiêu chí theo thang điểm từ 0 đến 4. Tổng điểm tối đa là 56, thể hiện chức năng thăng bằng tốt.
Thang điểm Berg đánh giá thăng bằng (Berg Balance Scale)
Chuyển từ ngồi sang đứng
0. Cần trợ giúp trung bình hoặc trợ giúp tối đa để đứng dậy
1. Cần trợ giúp tối thiểu để cố định hoặc đứng dậy
2. Có thể đứng dậy sau vài lần cố gắng, có dùng tay
4. Có thể đứng dậy độc lập, có dùng tay
5. Có thể đứng dậy độc lập, có dùng tay
6. Có thể đứng dậy độc lập, không cần dùng tay
Đứng không có hỗ trợ
0. Không thể đứng không cần hỗ trợ trong 30 giây
1. Có thể đứng 30 giây không cần hỗ trợ sau vài lần cố gắng
2. Có thể đứng 30 giây không cần hỗ trợ
3. Có thể đứng trong 2 phút, cần giám sát
4. Có thể đứng an toàn trong 2 phút
Ngồi không cần hỗ trợ lưng nhưng bàn chân được hỗ trợ trên sàn hoặc trên ghế
0. Không thể ngồi trong 10 giây mà không cần hỗ trợ
1. Có thể ngồi trong 10 giây
2. Có thể ngồi trong 30 giây
3. Có thể ngồi trong 2 phút, cần giám sát
4. Có thể ngồi an toàn và chắc chắn trong 2 phút
Chuyển từ đứng sang ngồi
0. Cần trợ giúp để ngồi xuống
1. Có thể ngồi xuống độc lập nhưng không biết kiểm soát động tác cúi
2. Sử dụng lưng hoặc chân tì vào ghế để kiểm soát động tác cúi xuống
3. Kiểm soát động tác cúi xuống bằng tay
4. Ngồi an toàn, chỉ sự dụng tay tối thiểu
Di chuyển (chuyển từ ghế có tay vịn sang ghế không có tay vịn)
0. Cần 2 người trợ giúp hoặc giám sát để đảm bảo an toàn
1. Cần 1 người trợ giúp
2. Có thể di chuyển, cần giám sát hoặc hướng dẫn bằng lời
3. Có thể di chuyển một cách an toàn, phải sử dụng tay
4. Có thể di chuyển một cách an toàn, sử dụng tay tối thiểu
Đứng không cần hỗ trợ, nhắm mắt
0. Cần người khác trợ giúp để khỏi ngã
1. Không thể đứng an toàn trong 3 giây khi nhắm mắt
2. Có thể đứng trong 3 giây
3. Có thể đứng trong 10 giây, cần giám sát
4. Có thể đứng an toàn trong 10 giây
Đứng chụm chân, không trợ giúp
0. Cần người trợ giúp để đứng chụm chân và không thể duy trì được 15 giây
1. Cần người trợ giúp để đứng chụm chân nhưng có thể duy trì được 15 giây
2. Có thể đứng chụm chân độc lập nhưng không quá 30 giây
3. Có thể đứng chụm chân độc lập trong 1 phút, cần giám sát
4. Có thể đứng chụm chân độc lập và an toàn trong 1 phút
Với tay về phía trước khi đứng (Nâng cánh tay lên 90 độ, duỗi các ngón tay và với về phía trước)
0. Mất thăng bằng khi thực hiện động tác, cần hỗ trợ từ bên ngoài
1. Có thể với tay ra trước, cần giám sát
2. Có thể với tay ra trước được 5 cm
3. Có thể với tay ra trước được 12 cm
4. Với tay ra trước một cách tự tin được 25 cm
Cúi người nhặt đồ vật dưới sàn lên từ tư thế đứng
0. Không thể nhặt lên được, cần trợ giúp để đảm bảo không bị ngã do mất thăng bằng
1. Không thể nhặt lên được, cần giám sát khi làm
2. Không thể nhặt lên được, nhưng có thể cúi xuống còn cách vật 2-5 cm và vẫn giữ thăng bằng độc lập
3. Có thể nhặt lên được, cần giám sát
4. Có thể nhặt lên an toàn và dễ dàng
Xoay đầu nhìn ra sau qua vai trái và vai phải ở tư thế đứng
0. Cần trợ giúp để khỏi mất thăng bằng và ngã
1. Cần giám sát khi xoay đầu
2. Chỉ có thể hơi xoay sang bên, có thể giữ thăng bằng
3. Chỉ có thể ra xoay ra sau ở 1 bên, bên còn lại xoay đầu kém
4. Có thể nhìn ra sau cả 2 bên, vận động đầu cổ tốt
Xoay người 360 độ (xoay người theo một vòng tròn, dừng lại, rồi xoay một vòng tương tự nhưng theo hướng ngược lại)
0. Cần trợ giúp khi xoay
1. Cần giám sát chặt chẽ hoặc hướng dẫn bằng lời
2. Có thể xoay người 360 độ một cách an toàn nhưng chậm
3. Có thể xoay người 360 độ một cách an toàn, chỉ một bên, trong 4 giây trở xuống
4. Có thể xoay người 360 độ một cách an toàn trong 4 giây trở xuống
Đặt luân phiên 2 bàn chân lên bậc thang khi đứng không hỗ trợ
0. Cần trợ giúp để giữ cho khỏi ngã
1. Có thể hoàn thành hơn 2 bước, cần trợ giúp tối thiểu
2. Có thể hoàn thành 4 bước, không cần trợ giúp, chỉ cần giám sát
3. Có thể đứng độc lập, hoàn thành 8 bước trong thời gian trên 20 giây
4. Có thể đứng độc lập và an toàn, hoàn thành 8 bước trong 20 giây
Đứng đặt chân này ngay trước mũi chân kia, không hỗ trợ
0. Mất thăng bằng khi bước hoặc khi đứng
1. Cần hỗ trợ để bước chân tới và giữ tư thế đó 15 giây
2. Có thể đặt bước nhỏ độc lập, giữ được 30 giây
3. Có thể đặt chân này phía trước chân kia, độc lập, giữ được 30 giây
4. Có thể đặt chân trước ngay sát chân sau, độc lập, giữ được 30 giây
Đứng trên một chân
0. Cần trợ giúp để khỏi bị ngã
1. Có thể nhấc chân lên nhưng không giữ được 3 giây, vẫn có thể đứng thăng bằng độc lập
2. Có thể đứng 1 chân độc lập trên 3 giây
3. Có thể đứng 1 chân độc lập từ 5-10 giây
4. Có thể đứng 1 chân độc lập trên 10 giây
Tổng điểm:
– Tối đa: 56 điểm, thăng bằng tốt không ngã
– 41-56 điểm: thăng bằng khá, nguy cơ ngã thấp
– 21-40 điểm: thăng bằng trung bình, nguy cơ ngã trung bình
– 0-20 điểm: Thăng bằng kém, hay ngã
Chỉ định lượng giá chức năng thăng bằng
– Chấn thương sọ não
– Tai biến mạch máu não
– Parkinson
– Tổn thương tủy sống
– Xơ cứng rải rác
– Một số bệnh lý cơ xương khớp có ảnh hưởng chức năng thăng bằng
– Người già
Chống chỉ định lượng giá chức năng thăng bằng
– Người bệnh hôn mê
– Người bệnh chưa ngồi dậy được
Chuẩn bị con người và phương tiện
1. Người lượng giá: Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên Vật lý trị liệu
2. Phương tiện
– Phiếu lượng giá chức năng thăng bằng theo Thang điểm Berg
– Thước dây, đồng hồ tính giây
– Một ghế có tay vịn, một ghế không có tay vịn
– Bậc thang
– Một đoạn đường ngắn, bằng phẳng
3. Người bệnh
4. Hồ sơ bệnh án
Các bước tiến hành lượng giá
1. Kiểm tra hồ sơ
2. Kiểm tra người bệnh
3. Thực hiện kỹ thuật
Thời gian cho một lần lượng giá chức năng thăng bằng khoảng 15 – 20 phút.
– Kết hợp quan sát, hướng dẫn người bệnh, đưa ra các yêu cầu để người bệnh thực hiện theo các tiêu chí đã nêu trong Thang điểm Berg đánh giá thăng bằng.
– Đánh giá, cho điểm từng tiêu chí theo mức độ từ 0 đến 4
– Điền vào phiếu đánh giá.
– Ghi lại ngày giờ đánh giá. Ký, ghi rõ họ tên người đánh giá.
Theo dõi bệnh nhân
– Khi tiến hành đánh giá, theo dõi khả năng giữ thăng bằng của người bệnh.
– Tiến hành lượng giá chức năng thăng bằng của người bệnh định kỳ trong suốt thời gian nằm viện và khi người bệnh xuất viện. Theo dõi sự thay đổi về khả năng giữ thăng bằng của người bệnh.
Xử trí tai biến
Đây là một phương pháp lượng giá đơn giản, không can thiệp; chưa ghi nhận tai biến nào trong quá trình đánh giá. Tuy nhiên cần hỗ trợ người bệnh kịp thời khi người bệnh có nguy cơ ngã.
Yhocvn.net (Trích theo hướng dẫn Lượng giá chức năng thăng bằng của Bộ Y tế)
Chưa có bình luận.