Thứ Tư, 27/03/2019 | 13:01

Hướng dẫn kỹ thuật kéo nắn trị liệu cho bệnh nhân khớp, cơ theo BYT

Kéo nắn trị liệu là một biện pháp phản xạ, dùng kích thích cơ học, kích thích sinh lý cơ thể nhằm mục đích lập lại chức năng hoạt động bình thường của khớp. Do đó, kéo nắn là liệu pháp vật lí, là một biện pháp phục hồi chức năng.

Người thầy thuốc sẽ dùng các thao tác kéo nắn bằng tay để phát hiện sự tắc nghẽn khớp, đồng thời dùng thao tác để loại bỏ sự tắc nghẽn của khớp đó.

Tắc nghẽn khớp là là sự hạn chế độ trượt các diện của mỗi khớp lên nhau:

+ Nguyên nhân: do rối loạn điều hòa cơ; sau chấn thương; một số bệnh khớp; kích thích phản xạ bệnh lý nội tạng

+ Triệu chứng của tắc nghẽn khớp: đau khớp đột ngột, hạn chế động tác, đau có thể tái phát khi có sự thay đổi trạng thái như hành kinh, thời tiết thay đổi, dùng các thuốc giảm đau chỉ giảm tạm thời. Chụp X-Quang và các xét nghiệm bình thường.

Chỉ định kéo nắn trị liệu

Chỉ định kéo nắn khi có tắc nghẽn khớp độ II (Stoddart phân ra làm 5 mức độ):

– Độ 0: Cứng khớp, do nguyên nhân bệnh lý nào đó làm cho 2 đầu xương của khớp bị dính lại. Trong trường hợp này không thể kéo nắn được, không những không có kết quả mà còn gây tai biến.

– Độ I: Tắc nghẽn nặng, trong trường hợp này người bệnh đau nhiều và hạn chế cử động. Vì vậy không nên kéo nắn trực tiếp mà phải chuẩn bị tốt bằng điều trị vật lý như nhiệt nóng trị liệu, xoa bóp trị liệu, di động khớp sau đó mới tiến hành kéo nắn.

– Độ II: Tắc nghẽn khớp thực sự, chỉ định kéo nắn là tốt nhất.

– Độ III: Khớp hoạt động bình thường không cần kéo nắn

– Độ IV: Khớp bị lỏng không cần kéo nắn

Chống chỉ định kéo nắn trị liệu

– Gãy xương, trật khớp, đứt dây chằng khớp

– Các khối u lành tính và ác tính

– Các trường hợp có nguy cơ chảy máu

– Bệnh lý cột sống: viêm tủy, lao cột sống, chấn thương cột sống, hội chứng rễ…

– Người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai.

Chuẩn bị con người và phương tiện

©  Người thực hiện: kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bác sỹ phục hồi chức năng

© Phương tiện

– Bàn tập chắc chắn, ổn định, cao 60 cm, rộng 60 cm, dài 200 cm. Nếu có thể điều chỉnh độ cao của bàn cho phù hợp với người điều trị thì càng tốt.

– Dây đai khi cần dùng đến

© Người bệnh

– Để người bệnh nằm ở tư thế thoải mái, phù hợp

– Kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, các xét nghiệm liên quan

© Hồ sơ bệnh án: Bệnh án, phiếu điều trị vật lý, các xét nghiệm liên quan

Các bước tiến hành kéo nắn trị liệu

Kéo nắn là một phương pháp khám và điều trị rối loạn chức năng khớp. Các bước tiến hành cần đảm bảo:

©  Kiểm tra hồ sơ bệnh án

©  Kiểm tra người bệnh: tâm lý trị liệu để người bệnh phối hợp tham gia.

©  Thực hiện kỹ thuật

Các kỹ thuật cần đảm bảo

– Phân tích bệnh tật chính xác; nắm vững kỹ thuật thành thạo để đảm bảo an toàn cho người bệnh đặc biệt khi tiến hành kéo nắn tắc nghẽn khớp cột sống;

– Kéo nắn không gây đau đớn cho người bệnh,

– Người bệnh được đặt ở tư thế thoải mái, thích hợp nhất và chỉ được kéo nắn ở ngay cuối thời kỳ thở ra.

– Thầy thuốc phải cố định khớp tốt và tiến hành mau lẹ, động tác dứt khoát.

– Kéo nắn là thao tác “ép” khớp ở cuối tầm vận động trượt cố lên nhau theo tầm độ và hướng vận động bình thường của khớp; hoặc trượt lên nhau theo hướng trước – sau hoặc bên – bên.

– Có thể kéo nắn để giải phóng tắc nghẽn các khớp ở chi, cột sống.

Theo dõi bệnh nhân trong quá trình kéo nắn trị liệu

– Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp và tình trạng người bệnh trước và sau thực hiện kỹ thuật kéo nắn.

– Theo dõi người bệnh có bị chấn thương hay không.

Tai biến và xử trí trong khi trị liệu

– Tai biến:

Chấn thương khớp, gẫy xương, đau.

– Cách xử trí:

Giảm đau, xử trí theo mức độ chấn thương.

Lưu ý:

Rất thận trọng khi kéo nắn cột sống cổ vì có thể gây chấn thương tủy sống dẫn đến liệt tứ chi.

Ngày nay, nhờ những thành tựu của khoa học kỹ thuật, kéo nắn được y học thừa nhận là biện pháp trị liệu hiệu quả và được ứng dụng rộng rãi.

Yhocvn.net (Trích hướng dẫn Kỹ thuật kéo nắn trị liệu của Bộ Y tế)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook