Khi đói bụng việc ăn uống tùy tiện không những giải không giải quyết được cơn đói mà còn khiến bạn gặp những vấn đề nguy hiểm về sức khỏe như tắc ruột, hoại tử ruột…
Trước đây, tắc ruột là bệnh thường gặp ở người già, trẻ nhỏ nhưng thời gian gần đây, tắc ruột cũng có thể gặp ở những đối tượng có thói quen ăn uống không hợp lý. Hay gặp nhất ở những người ăn nhiều hồng giòn, măng khô, măng tươi… khi đói.
Tắc ruột do đâu?
Trên thực tế bã một số thức ăn có thể gây tắc ruột do ăn nhiều loại thức ăn có chất xơ như măng, mít, cam, quýt… hay quả có nhiều chất tanin như hồng giòn, hồng xiêm, sung, vả… với số lượng quá nhiều. Ở trẻ em, do ăn nhiều quả sim, quả ổi… cũng có thể dẫn đến tình trạng tắc ruột.
Những loại thức ăn này thường kết dính lại thành cục ở trong lòng ruột không tiêu hóa được nên gây tắc ruột. Ngoài ra, tắc ruột cũng hay gặp ở người cao tuổi bị mất răng nên giảm sức nhai, người đã phẫu thuật cắt bỏ dạ dày hoặc người mắc bệnh viêm tụy tạng mạn tính… làm khả năng tiêu hóa hoàn toàn thức ăn bị giảm sút.
Trong các loại thức ăn gây tắc ruột thì hồng giòn và măng khô chiếm vị trí đầu tiên:
Hồng giòn là trái cây rất tốt cho sức khỏe. Hồng cung cấp nhiều vitamin và khoáng cho cơ thể như vitamin C, beta caroten, đường tuy nhiên nếu ăn hồng sai cách bạn có thể gặp nguy hiểm. Trong quả hồng xanh hoặc chưa chín kỹ có chứa chất tanin, chất này làm cho quả hồng có vị chát. Tanin có trong hồng khi gặp phải acid dạ dày trong lúc dạ dày trống rỗng sẽ dễ dàng kết hợp với acid dạ dày tạo thành những cục nhỏ khó hòa tan, tích tụ trong dạ dày. Những cục này nếu nhỏ có thể được thải ra theo đường phân, nhưng nếu là cục to thì sẽ đóng thành sỏi, gây buồn nôn, nôn ọe, loét dạ dày thậm chí thủng dạ dày…
Tanin trong hồng có thể gây nguy hiểm cho cơ thể nếu ăn lúc đói
Ngoài hồng giòn, thì tắc ruột do u bã thức ăn còn có thể do người bệnh ăn thực phẩm có nhiều chất bã xơ măng khô. Chất xơ trong măng khô thường khó tiêu hóa hơn chất xơ trong rau quả rất nhiều vì vậy khi ăn vào nó sẽ dễ hình thành u bã thức ăn. Khi xuống ruột rất dễ vo thành cục, gây tắc ruột, trướng bụng.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Đình Liên – khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Hầu như Tết năm nào tôi cũng gặp trường hợp tắc ruột do canh măng. Nhiều người nhập viện vì lý do đau quặn bụng. Gia đình tưởng bị đau ruột thừa nên đưa đến bệnh viện cấp cứu. Khi nhập viện, bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do măng khô”.
Phòng nguy cơ do tắc ruột thế nào
Để phòng nguy cơ tắc ruột do khối bã thức ăn, cần nhai thật kỹ thức ăn; Không ăn quá nhiều các loại quả chát, thực phẩm có nhiều chất xơ như măng. Đặc biệt với người cao tuổi phải nấu chín, ninh nhừ, không ăn thực phẩm cứng như gân, sụn dễ tạo thành nhân khiến thực phẩm khác kết dính vào, gây khối bã.
Nếu tắc ruột do bã thức ăn không được chẩn đoán và xử trí kịp thời có thể sẽ dẫn đến những biến chứng khó lường như nôn mửa nhiều, đau bụng dữ dội nếu biến chứng tắc ruột hoặc thủng ruột. Nhẹ hơn là sụt cân, viêm ruột…
Tắc ruột có thể khiến người bệnh bị đau bụng dữ dội
Khi có những dấu hiệu bệnh lý hệ tiêu hóa cần đi khám để chẩn đoán sớm, tránh những bệnh có thể gây hẹp ruột. Sau khi ăn nếu phát hiện thấy đau bụng, ói mửa, đại tiện ra máu hoặc không thể đi tiêu, cần đến ngay bệnh viện để có thể phát hiện bệnh kịp thời.
Thanh Tú H+ (Tổng hợp)
Nguồn: Health+
Chưa có bình luận.