Thứ Bảy, 28/11/2020 | 11:45

Hướng dẫn hoạt động thể lực trong điều trị bệnh đái tháo đường  

Hoạt động thể lực có vai trò quan trong đối với sức khỏe con người nói chúng. Hoạt động thể lực là một trong các phương pháp quan trọng được ưu tiên cho kế hoạch chi tiết trong điều trị cho bệnh đái tháo đường (ĐTĐ).

Lợi ích của hoạt động thể lực điều trị bệnh đái tháo đường:

– Làm giảm hàm lượng đường máu cả trong và sau lúc tập, kiểm soát đường máu lâu dài thông qua giảm kháng insulin (trực tiếp và thông qua giảm thừa cân/béo phì), tăng tiêu thụ glucose.

– Giảm thừa cân, béo phì

– Cải thiện tình trạng lipid máu: tăng HDL-cholesterol và giảm LDL-cholesterol.

– Giảm huyết áp trung bình 5-10mmHg cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Tác dụng này rõ hơn ở các bệnh nhân có tăng huyết áp nhẹ hoặc cao.

– Cải thiện tình trạng hệ tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp

– Giảm stress, cải thiện giấc ngủ, tăng chất lượng cuộc sống

Các loại hoạt động thể lực.

Có 3 loại hoạt động thể lực chính như sau:

– Hoạt động thể lực ưa khí:

Vận động các nhóm cơ lớn lặp đi lặp lại có kèm theo tăng sử dụng o-xy. Ví dụ: chạy bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu, … Đây là loại hoạt động thể lực có lợi ích nhất đối với bệnh nhân đái tháo đường.

– Hoạt động thể lực yếm khí – luyện tập kháng trở, luyện tập sức mạnh:

Sử dụng các nhóm cơ lớn chống lại trọng lượng hoặc sức cản, không làm tăng sử dụng o-xy. Ví dụ: đẩy tạ, chống đẩy, kéo lò xo,… Loại hoạt động thể lực này giúp phát triển sức mạnh cơ xương khớp nhờ đó tăng khả năng lao động thể lực, phòng tránh chấn thương, đồng thời cũng làm giảm kháng insulin và tăng sử dụng glucose.

– Hoạt động thể lực tăng tính mềm dẻo:

Các bài tập kéo căng cơ, có tác dụng làm tăng tính linh hoạt của các khớp do đó hạn chế các chấn thương khi hoạt động thể lực.

Hướng dẫn hoạt động thể lực điều trị bệnh đái tháo đường
Hướng dẫn hoạt động thể lực điều trị bệnh đái tháo đường

Cường độ hoạt động thể lực.

Có 2 cách đánh giá cường độ hoạt động thể lực: cường độ tuyệt đối và cường độ tương đối.

– Cường độ tuyệt đối.

+ Là lượng năng lượng tiêu hao trong 1 phút luyện tập. Theo cường độ tuyệt đối, luyện tập được chia thành 3 mức độ: luyện tập cường độ nhẹ là khi năng lượng tiêu thụ từ 1,1 – 2,9 lần năng lượng tiêu thu khi ở trạng thái nghỉ ngơi, luyện tập cường độ trung bình là khi năng lượng tiêu thụ từ 3,0 – 5,9 lần năng lượng tiêu thụ ở trạng thái nghỉ và luyện tập cường độ nặng khi năng lượng tiêu thụ ≥ 6,0 lần năng lượng tiêu thụ ở trạng thái nghỉ.

Một số ví dụ về cường độ hoạt động thể lực:

+ Cường độ trung bình

Đi bộ tốc độ vừa (5 km/h) 

Đạp xe tốc độ dưới 16 km/h

Khiêu vũ nhẹ

Làm vườn

+ Cường độ nặng: Đi bộ thể thao, chạy bộ, bơi, đạp xe trên 16km/h, nhảy dây, leo dốc với ba lô nặng, thể dục nhịp điệu.

– Cường độ tương đối.

– Là mức độ gắng sức cần thiết để thực hiện hoạt động thể lực. Những người ít khỏe mạnh nói chung cần mức độ gắng sức cao hơn so với người khỏe mạnh khi thực hiện cùng một hoạt động thể lực. Cường độ tương đối có thể được đánh giá bằng thang điểm từ 0 đến 10, trong đó ngồi yên tĩnh tương ứng với 0 và mức gắng sức cao nhất tương ứng với 10. Cường độ trung bình nằm ở mức 5 – 6 và cường độ nặng nằm ở mức 7 – 8 trên thang điểm này.

– Trong thực tế, người ta có đánh giá cường độ tương đối bằng các phương pháp đơn giản hơn dựa vào mạch và tình trạng thở – nói.

– Cường độ hoạt động thể lực tương đối theo mạch khi luyện tập kéo dài đến 60 phút:

+ Mức độ nhẹ:                  mạch < 0,5 x (220 – tuổi)

+ Mức độ trung bình:      mạch từ 0,5 x (220 – tuổi) đến 0,7 x (220 – tuổi)

+ Mức độ nặng:                mạch > 0,7 x (220 – tuổi)

Người bệnh ĐTĐ nên luyện tập với cường độ tương đối ở mức trung bình.

               Theo tình trạng thở và khả năng nói cường độ hoạt động được phân chia thành các mức độ sau:

Mức độ Cường độ hoạt động thể lực (tương đối)

               Rất nhẹ Nhẹ        Hơi nặng              Nặng     Rất nặng

Tình trạng thở    Thở bình thường              Thở nặng hơn bình thường một chút       Thở nặng hơn bình thường              Thở sâu Không kịp thở

Khả năng nói      Nói, thậm chí hát dễ dàng            Còn nói được dễ dàng    Nói được tương đối dễ dàng Vẫn còn nói được            Không nói được.

Người bệnh ĐTĐ nên chọn cường độ luyện tập từ mức nhẹ đến nặng theo phân loại ở bảng trên. Cường độ tương đối của mỗi người có thể thay đổi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự rèn luyện, tình trạng bệnh lý đo kèm, điều kiện thời tiết,…

Nguy cơ khi tập luyện

– Hạ đường huyết xảy ta ở các bệnh nhân được điều trị bằng insulin hoặc thuốc uống hạ đường máu loại sulfamine với các biểu hiện run tay, chân, mồ hôi hoặc hôn mê. Các biểu hiện này có thể xuất hiện ngay lúc tập hoặc sau khi tập

– Gây đau thắt ngực do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim thậm trris gây nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim nguy hiểm

– Gây xuất huyết đáy mắt, làm bong võng mạc…gây mù

– tổn thương khớp trầm trọng

– Tổn thương mô mềm, bàn chân

Mục tiêu hoạt động thể lực cho bệnh nhân ĐTĐ.

– Người bệnh đái tháo đường nên hoạt động thể lực ưa khí cường độ trung bình (tuyệt đối) 150 phút/tuần, hoặc hoạt động thể lực cường độ nặng 75 phút/tuần, chia ra ít nhất 5 ngày/tuần, khoảng cách giữa 2 lần luyện tập không quá 2 ngày. Hoạt động thể lực cường độ trung bình tương đương với đi bộ tốc độ 5 – 6 km/giờ.

Tuy nhiên, trong thực hành luyện tập, người bệnh chỉ nên luyện tập với cường độ tương đối ở mức trung bình.

– Khi không có chống chỉ định, người bệnh ĐTĐ type 2 nên thực hiện các bài tập sức mạnh 3 lần/tuần.

Hoạt động thể lực và các tình trạng bệnh lý đi kèm.

Bệnh tim mạch.

– Bệnh nhân ĐTĐ đã có bệnh tim mạch được phát hiện cần có chỉ định của thầy thuốc trước khi bắt đầu hoạt động thể lực sau khi được đánh giá toàn diện về nguy cơ bệnh tim mạch.

– Những bệnh nhân ĐTĐ chưa được phát hiện bệnh tim mạch nhưng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch cũng được đánh giá bệnh tim mạch toàn diện trước khi bắt đầu chế độ luyện tập ở mức độ trung bình đến nặng. Đó là những bệnh nhân có tiền sử mắc ĐTĐ type 2 > 10 năm, mắc ĐTĐ type 1 trên 15 năm, có biến chứng mạch máu nhỏ (bệnh võng mạc tăng sinh, biến chứng thận, bao gồm cả microalbumin niệu), biến chứng thần kinh tự động, bệnh động mạch ngoại vi, bất kỳ yếu tố nguy cơ tim mạch khác (tăng huyết áp, rối loạn lipid máu).

– Thường người ta sử dụng điện tim gắng sức hoặc các test tương đương để đánh giá bệnh tim mạch. Đối với những bệnh nhân chỉ luyện tập thể lực cường độ nhẹ cần căn cứ vào tình trạng lâm sàng để quyết định có sử dụng nghiệm pháp gắng sức để đánh giá bệnh tim mạch hay không.

Biến chứng thần kinh ngoại vi.

Bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng thần kinh ngoại vi cần tránh các hoạt động thể lực làm tăng áp lực lên bàn chân như chạy bộ, chạy trên thảm chạy, đi bộ kéo dài, các bài tập bước lên bậc thang; nên thực hiện các hoạt động thể lực không gây áp lực (hoặc áp lực không nhiều) lên bàn chân bơi lội, đạp xe, chèo thuyền.

Biến chứng thần kinh tự động.

Bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng thần kinh tự động cần được đánh giá về bệnh tim mạch trước khi chỉ định các hoạt động thể lực cường độ cao hơn so với mức đang thực hiện.

Biến chứng võng mạc.

Khi có bệnh võng mạc tăng sinh hoặc bệnh võng mạc không tăng sinh nặng, các hoạt động thể lực nặng và kháng trở (các bài tập sức mạch) là chống chỉ định.

Biến chứng thận.

Khi có suy thận cần tránh các hoạt động thể lực nặng.

Đường máu không ổn định.

Không luyện tập khi đường máu > 14 mmol/l hoặc có ceton niệu dương tính. Khi đường máu < 6 mmol/l cần ăn 15g carbohydrat trước khi luyện tập. Luôn mang theo thức ăn chứa carbohydrat ở dạng hấp thụ nhanh (viên đường, glucose, kẹo,..) để sử dụng khi bị hạ đường máu. Đối với các hoạt động thể lực không thường xuyên cần bổ sung thêm carbohydrat trong chế độ ăn hoặc điều chỉnh liều insulin (nếu sử dụng), đặc biệt ở bệnh nhân ĐTĐ type 1.

Thực hành luyện tập ở bệnh nhân ĐTĐ.

– Trước khi thực hiện chế độ luyện tập cần khám và đánh giá toàn diện bệnh nhân để phát hiện các tình trạng bệnh lý đi kèm, từ đó lựa chọn loại hoạt động thể lực phù hợp.

– Bắt đầu luyện tập với cường độ nhẹ trong thời gian ngắn rồi tăng dần cường độ và thời gian luyện tập. Mục tiêu luyện tập ban đầu cần: cụ thể, có thể đo lường được, có tính khả thi, có thể duy trì được và thời gian cụ thể (SMART).

– Đề phòng tăng và hạ đường máu.

– Áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo luyện tập an toàn, tránh chấn thương: giầy, tất phù hợp; uống đủ nước; thực hiện bài tập khởi động trước khi thực hiện các bài tập nặng.

– Giáo dục bệnh nhân về nhận biết và xử lý các tình huống về sức khỏe xảy ra khi luyện tập: các biểu hiện và cách xử lý hạ đường máu, bệnh mạch vành… Dặn bệnh nhân nên có biển tên, địa chỉ và ghi rõ bị bệnh đái tháo đường để người xung quanh biết gọi cấp cứu đề phòng xảy ra tai biến khi tập.

Người mắc bệnh đái tháo đường cần có một ý chí và tinh thần tốt, có kiến thức để để điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt, tập luyện để phòng các biến chứng nguy hiểm của bênh.

Yhocvn.net

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Đái tháo đường trở thành đại dịch tại Việt Nam

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook