“Trẻ em không phải là Robot, là máy học mà có thể có kết quả hoàn hảo như vậy được. Chúng ta đang quá dễ dãi về điểm số hoặc có một điều gì đó bất ổn đang xảy ra ở đây”- chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Việt Anh đã chia sẻ với PV Báo Sức khỏe&Đời sống như vậy trước vụ việc hàng nghìn hồ sơ đạt điểm 10 tuyệt đối cả Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học trong xét tuyển vào lớp 6.
Ông cũng khuyến cáo: Điểm số trong trường học không phải là điểm số ngoài cuộc đời.
Các bậc phụ huynh đừng quá áp lực trong việc chạy trường, chạy lớp mà cần tỉnh táo giúp con học tập cách học, tận hưởng cuộc sống, phát triển đúng tiềm năng, lứa tuổi trang bị cho trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng mềm thiết yếu để con tự tin trở thành công dân toàn cầu.
TS. Vũ Việt Anh, Tổng Giám đốc Học viện Thành Công.
PV: Mới đây dư luận bàn tán xôn xao trước vụ việc “Hàng nghìn hồ sơ đạt điểm 10 tuyệt đối cả Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học trong xét tuyển vào lớp 6”. Theo Tiến sĩ, điều này có gì là bất thường không? Để đạt được điểm tổng kết cả 5 năm học mà Toán 10, Tiếng Việt 10 có phải là điều khó không thưa ông?
TS. Vũ Việt Anh: Không biết là nên vui hay nên buồn nữa? Thời hoàng kim của đất nước chúng ta đang đến gần chăng? Hay thời đại của thiên tài, thần đồng xuất chúng đang đổ bộ.
Trẻ em không phải là Robot, là máy học mà có thể có kết quả hoàn hảo như vậy được. Chúng ta đang quá dễ dãi về điểm số hoặc có một điều gì đó bất ổn đang xảy ra ở đây.
Thế hệ tôi đi học, tôi còn nhớ một câu nói của thày giáo: Điểm 9 là điểm của thày, điểm 10 là điểm của Chúa và điểm 8 mới là điểm của mình. Câu nói đó khích lệ, động viên chúng tôi học tập, vươn lên rất nhiều. Để đạt điểm 10 trong thi cử là hoàn toàn có thể nhưng đều đặn liên tục như vậy thì chỉ có thể là “Chúa” mà thôi.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tượng này xuất hiện từ năm 2015 khi mà Bộ GD-ĐT cấm tổ chức thi vào lớp 6, thay vào đó là tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Liệu đây có phải là kết quả của “căn bệnh thành tích”, “làm đẹp” hồ sơ bảng điểm không thưa ông?
TS. Vũ Việt Anh: Tôi nghĩ hiện tượng này đã có từ lâu, “bệnh thành tích”, bệnh coi con cái như một món đồ trang sức để khoe khoang, để kỳ vọng không phải là điều hiếm thấy. Khoe kết quả học tập, bảng điểm, thành tích của con lên mạng sau mỗi kỳ thi cử chúng ta có thể gặp như “chuyện thường ngày ở huyện”. Bệnh này được một số phụ huynh tự nhận là bệnh “cuồng con”, khoe bất cứ thứ gì có thể về con, ảnh con mặc nhạy cảm, tắm, ăn thậm chí cả đi vệ sinh…
Tuy nhiên căn bệnh này được đà bùng phát khi có hình thức xét tuyển bằng bảng điểm, học bạ.
PV: Có một thực tế là do có quá nhiều hồ sơ đạt điểm tuyệt đối nên có trường đã buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Tuy nhiên, điều này lại khiến nảy sinh một thực tế khác: phụ huynh “chạy đua” cố kiếm cho con một “giải phụ” để được xét tuyển vào trường mà mình mong muốn. Tiến sĩ có suy nghĩ gì trước thực trạng này? Và nếu cuộc “chạy đua thành tích” cứ tiếp diễn như vậy thì sẽ dẫn đến hệ lụy gì thưa ông?
TS. Vũ Việt Anh: Hiện nay các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định, để đánh giá khả năng, năng lực của trẻ em không thể đánh giá qua một loại hình thông minh duy nhất là IQ (Thông minh logic, được đánh giá qua các bài thi về logic và ngôn ngữ).
Trẻ cần được phát triển toàn diện theo tiêu chỉ của Unesco về học tập là:
• Học để hiểu biết
• Học để làm việc
• Học để chung sống
• Học để làm người
(Tiến sĩ Howard Gardner – một nhà tâm lý học kiêm giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Harvard, đã nghiên cứu và đưa ra một lý thuyết về “Đa trí tuệ” (Multiple Intelligences – MI). )
Và để thỏa mãn được tiêu chí đó thì cần trang bị cho trẻ các chỉ số thông minh khác ngoài IQ như:
• Trí thông minh cảm xúc EQ (Emotional Intelligence)
• Trí thông minh Xã hội SI (Social Intelligence)
• Trí thông minh ứng dụng PI (Practical Intelligence)
• Trí thông minh vượt khó AI (Adversity Intelligence)
Như vậy chỉ coi các loại hình thông minh khác như “giải thưởng phụ” thì chưa thực sự đánh giá đúng tài năng của trẻ.
Cần có một tiêu chí đánh giá khác chính xác hơn và khách quan hơn vì các nghiên cứu đã chỉ ra rõ nếu trẻ chỉ giỏi về IQ mà không có EQ thì có thể trở thành Robot hoặc thậm chí là… tội phạm.
Nếu tình trạng đánh giá, xét tuyển như hiện nay kéo dài sẽ gây áp lực rất lớn cho trẻ, làm trẻ phát triển lệch lạc, mất đi tuổi thơ của mình, thậm chí có thể dẫn đến các trường hợp quyên sinh như Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay.
PV: Là một chuyên gia trong lĩnh vục giáo dục, ông có đánh giá thế nào giữa việc thi tuyển và xét học bạ? Theo ông, làm thế nào mới có thể đảm bảo được tính công bằng trong thi tuyển, xét tuyển?
TS. Vũ Việt Anh: Nếu có tiêu chí xét tuyển công bằng hơn, đánh giá được đầy đủ các loại hình thông minh của trẻ để phân loại đào tạo thì sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho các cháu, việc đào tạo đổ đồng hiện nay không đánh giá đúng tiềm năng thực sự vốn có của trẻ, gây lãng phí.
Ví dụ: Sử dụng những bài trắc nghiệm trong “Mật mã John Holland” – (được nghiên cứu vào những năm 1970 John Holland đã phát triển một lý thuyết nổi tiếng về trình bày sở thích dựa vào 6 loại tính cách) để xác định tiền năng, sở trường, có phân loại, định hướng ngay từ bậc phổ thông.
Còn thi cử cũng dễ gây áp lực và tiêu cực. Cá nhân tôi khuyến khích xã hội hóa giáo dục, phân loại giáo dục theo năng lực cá nhân, theo nhu cầu đào tạo, khả năng tài chính cuả từng gia đình học sinh.
PV: Cuối cùng, khi mùa tuyển sinh đã đến gần, Tiến sĩ có lời khuyên gì dành cho phụ huynh và học sinh?
TS. Vũ Việt Anh: Bác Hồ đã từng nói: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ biết học hành là ngoan”. Bác cũng nói: “Học để làm việc, làm người làm cán bộ. Học để phục sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”.
Được như vậy mới trọn vẹn mục tiêu của giáo dục, vì vậy các phụ huynh đừng quá áp lực trong việc chạy trường, chạy lớp mà cần tỉnh táo giúp con học tập cách học, tận hưởng cuộc sống, phát triển đúng tiềm năng, lứa tuổi trang bị cho trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng mềm thiết yếu để con tự tin trở thành công dân toàn cầu. Và chúng ta cũng nên nhớ điểm số trong trường học không phải là điểm số ngoài cuộc đời.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Dương Hải (thực hiện)
Nguồn: SKDS
Chưa có bình luận.