Thứ Tư, 31/05/2017 | 16:00

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cứ 1.000 trẻ sinh ra bình thường có 1-3 bé bị điếc bẩm sinh.

Mới đây, chị Lan (37 tuổi, ở tỉnh Đắk Nông) đưa 2 con trai đến các bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM để điều trị về bệnh khiếm thính. Dù hai bé đã 6-14 tuổi, nhưng vẫn ú ớ, không thể cất tiếng nói. Tuy nhiên, do các bé được đưa đến viện trễ nên các bác sĩ gặp nhiều khó khăn khi can thiệp.

Bác sĩ CK.II Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết trẻ không nói được do không nghe được. Mỗi năm đơn vị này tiếp nhận từ 300-500 trẻ em bị điếc bẩm sinh đến khám và được can thiệp để có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Theo bác sĩ Như, cứ 1.000 trẻ sinh ra bình thường thì có 1-3 trẻ bị điếc bẩm sinh. Trong đó, các trẻ có vấn đề về sức khỏe phải nằm trong các khoa chăm sóc đặc biệt thì tỷ lệ điếc cao gấp 10 lần. Thời điểm vàng để can thiệp vấn đề thính giác cho trẻ là 0-5 tuổi. Nếu qua mất giai đoạn này trẻ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề phát triển ngôn ngữ.

Con người chỉ có một vài giai đoạn phát triển ngôn ngữ nhất định. 2-3 năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp nhanh nhất. Do đó, trẻ bị khiếm thính nếu được phát hiện và can thiệp sớm trong giai đoạn này thì cơ hội nghe, nói và phát triển bình thường là rất cao. Ngược lại, nếu để muộn hơn, cơ hội này sẽ càng bị suy giảm.

Giai đoạn vàng giúp trẻ điếc bẩm sinh có thể nghe nói

Theo bác sĩ Như thời điểm trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp tốt nhất là 2-3 tuổi. Ảnh:Khánh Trung.

Thông thường trẻ bị giảm thính lực do bệnh lý như viêm tai giữa hoặc khiếm thính do bẩm sinh, di chứng sau viêm não – màng não, tổn thương có tính chất vĩnh viễn, trẻ không thể hồi phục được thính lực và phải mang khuyết tật suốt đời.

Với những trường hợp này, khi phát hiện sớm, trẻ sẽ được hỗ trợ đeo máy nghe, máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử để có thể học nghe, học nói sớm và phát triển như bình thường.

Bệnh nhi càng lớn thì việc can thiệp càng trở nên khó khăn bởi trong não có một vùng thần kinh điều khiển việc nghe – nói. Nếu vùng đó không được kích thích trong 2-3 năm đầu đời sẽ bị thoái triển.

Quá thời gian trên dù có được kích thích âm thanh thì trẻ chỉ có thể nghe nhưng khả năng nói không phát triển.

Các chuyên gia y tế cũng nhận định nếu thực hiện cấy ốc tai điện tử sau 7 tuổi thì không có giá trị. Thực tế Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cấy ốc tai điện tử cho trẻ 5 tuổi nhưng chỉ có thể cải thiện được khả năng nghe mà không cải thiện được khả năng ngôn ngữ.

Tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, 100% trẻ sinh ra được tầm soát điếc ngay và người ta thực hiện cấy ốc tai điện tử ngay từ khi trẻ mới 8-12 tháng. Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay mới chỉ quan tâm, tầm soát với nhóm trẻ có nguy cơ cao đó là nhóm nằm ở các phòng chăm sóc đặc biệt sau sinh.

Khánh Trung
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook