Thứ Năm, 19/04/2018 | 09:06

Lang ben (Tinea versicolor, Pityriasis versicolor) là bệnh nấm nông thường gặp ở da. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi dát tăng sắc tố, giảm sắc tố hoặc dát hồng ở thân mình mà chủ yếu gặp ở nửa người trên. Bệnh thường ít khi gây ngứa, không đau nhưng có thể ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

  1. Dịch tễ

Bệnh hay gặp ở các nước nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, chủ yếu gặp ở thanh thiếu niên, tuy nhiên cũng có thể gặp ở trẻ em và một số trường hợp được báo cáo gặp ở trẻ nhũ nhi.

  1. Căn nguyên và yếu tố nguy cơ

Căn nguyên gây bệnh lang ben là do nấm họ Malassezia gây nên. M. globosa là nhóm gây bệnh chủ yếu, ngoài ra có thể gặp do: M. sympodialis, M.furfur,…

Nấm Malassezia là nấm lưỡng hình, phụ thuộc lipid, là thành phần của vi hệ trên da ở người bình thường. Sự chuyển đổi của Malassezia từ tế bào nấm men sang dạng nấm sợi có liên quan đến sự xuất hiện bệnh trên lâm sàng.

Các yếu tố có liên quan đến sự chuyển đổi này là: tiếp xúc với thời tiết nóng và ẩm ướt, tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis) và sử dụng các sản phẩm bôi ngoài da dạng dầu, mỡ.

Chưa có đủ bằng chứng chứng minh các đặc điểm về di truyền và miễn dịch của người bệnh có liên quan đến bệnh lang ben, tuy nhiên bệnh có thể có yếu tố gia đình, và bệnh cũng gặp nhiều hơn và tổn thương lan rộng hơn ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, uống thuốc tránh thai và suy dinh dưỡng.

  1. Biểu hiện lâm sàng

– Tổn thương khởi phát là dát, chấm đỏ hoặc hồng nâu, thường ở vị trí lỗ chân lông, tổn thương ban đầu thường nhỏ, rái rác, sau đó các dát này lan rộng dần lên và liên kết với nhau thành các mảng lớn, có hình tròn, ovan hoặc hình đa cung. Trên tổn thương có vảy da nhỏ, mịn, khi cạo vảy dễ bong và lớp thượng bì ở dưới bình thường (dấu hiệu vỏ bảo).

– Tổn thương có thể tăng sắc tố, giảm sắc tố hoặc màu hồng. Màu sắc tổn thương thay đổi rất đa dạng giữa các cá thể có cùng màu da, và đôi khi khác nhau ở từng vùng trên cùng 1 bệnh nhân. Có một số thuyết lý giải cho việc thay đổi màu sắc:

+ Những bệnh nhân có tổn thương giảm sắc tố thường rõ hơn vào mùa hè, do các vùng da không bị ảnh hưởng trở nên tăng sắc tố hơn sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Tổn thương giảm sắc tố có thể do sự cản ánh sáng mặt trời của nấm hoặc do sợi nấm tiết ra chất azelaic (một axít dicarboxylic do Malassezia sản xuất) làm giảm vận chuyển melanin đến các tế bào sừng, tác động ức chế và phá hủy tế bào melanocyte.

+ Các tổn thương tăng sắc tố và dát hồng có thể là kết quả của phản ứng viêm tại chỗ của cơ thể với nấm men.

– Tổn thương da không đau, không ngứa hoặc ngứa ít khi ra mồ hôi.

– Vị trí: lang ben ở người lớn thường gặp ở phần trên của thân mình, ít gặp ở vùng mặt và nếp gấp, trong khi đó lang ben ở trẻ em thường gặp ở vùng mặt. Sự phân bố của lang ben có thể ảnh hưởng bởi nhu cầu dinh dưỡng của nấm men. Malassezia là nấm phụ thuộc lipid, nấm gặp nhiều ở vùng da có sự sản xuất bã nhờn nhiều ở trên cơ thể. Vì vậy lang ben ít gặp ở người già và trẻ em vì ở lứa tuổi này sự sản xuất bã ít hơn.

  1. Chẩn đoán xác định

– Chẩn đoán xác định bệnh lang ben dựa vào đặc điểm lâm sàng, xét nghiệm soi tươi tìm nấm và soi tổn thương trên ánh sáng đèn Wood.

+ Soi tươi tìm nấm (với KOH 10%): thấy sợi nấm ngắn, và nhiều bào tử, rái rác hoặc tập trung thành hình chùm nho, hình ảnh “Spaghetti và thịt viên”.

Hình ảnh “Spaghetti và thịt viên” trên kính hiển vi (với KOH 10%)

   + Trên ánh sáng đèn Wood: rìa tổn thương có thể phát huỳnh quang màu vàng nâu hoặc vàng sáng.

  1. Chẩn đoán phân biệt

– Viêm da dầu.

– Vảy phấn hồng Gibert.

– Bạch biến.

– Erythrasma.

– Chàm khô.

– Giang mai II.

  1. Điều trị

Một số ít trường hợp bệnh lang ben có thể tự thuyên giảm, nhưng đa số bệnh có thể kéo dài nếu không được điều trị.

Điều trị bệnh chủ yếu là điều trị tại chỗ. Điều trị toàn thân trong trường hợp tổn thương lan rộng, tái phát hoặc thất bại với điều trị tại chỗ.

Tại chỗ:

– Thuốc chống nấm: thường có hiệu quả sau vài ngày đến 4 tuần.

  • Ketoconazole 2% dạng bôi tại chỗ hoặc dầu gội Ketoconazole (đánh bọt, lưu trong 5 phút) trong 2 tuần.
  • Terbinafine 1%, bôi 2 lần/ ngày trong 1 tuần.
  • Ciclopirox 1%, bôi 2 lần/ ngày trong 2 tuần.

– Selenium sulfide tại chỗ dạng dầu gội, dùng hàng ngày trong 1 tuần, xả sau 10 phút.

– Kẽm pyrithioine tại chỗ dạng dầu gội 1% ủ 5phút /ngày liên tục trong 2 tuần.

– Một số thuốc bôi tại chỗ khác cũng được ghi nhận có hiệu quả: lưu huỳnh – salicylic, mỡ Whitfield, propylene glycol, benzoyl peroxide.

Điều trị đường uống:

  • Chỉ định trong trường hợp thất bại với điều trị tại chỗ, tổn thương lan rộng, bệnh hay tái phát (lưu ý: tổn thương thay đổi sắc tố sẽ tồn tại lâu sau khi đã điều trị khỏi bệnh, không có nghĩa là điều trị thất bại.).

* Lưu ý: Phải đánh giá chức năng gan trước điều trị, và không điều trị thuốc toàn thân ở trẻ em.

– Itraconazole: 200mg/ngày trong 5 ngày liên tiếp hoặc dùng liều 400mg chia 2 lần trong 1 ngày.

– Fluconazole: 300mg/tuần trong 2 tuần hoặc 400mg trong 1 ngày.

Điều trị thất bại: Soi tươi trực tiếp vẫn tìm thấy hình ảnh nấm sau khi kết thúc điều trị, tái phát thường xuyên, tổn thương có xu hướng lan rộng hơn. Khi điều trị thất bại cần đánh giá tình trạng miễn dịch và sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân, nuôi cấy nấm và làm kháng nấm đồ.

Tư vấn cho bệnh nhân: tổn thương thay đổi sắc tố thường kéo dài sau khi điều trị thành công. Phục hồi sắc tố thường mất tới vài tháng sau khi kết thúc điều trị thành công.

  1. Điều trị dự phòng

– Chỉ định ở bệnh nhân hay tái phát nên điều trị dự phòng đặc biệt trong thời tiết nóng ẩm.

– Selenium sulfide 2,5% hoặc ketoconazol 2% dạng dầu gội bôi toàn bộ cơ thể, để trong 10 phút, mỗi tháng 1 lần.

– Uống Itraconazole: 200mg/ngày, mỗi tháng uống 1 ngày vào những tháng nóng ẩm trong năm.

Lang ben là bệnh nấm da phổ biến. Thanh thiếu niên là độ tuổi thường mắc bệnh.  Bệnh đáp ứng tốt với điều trị thông thường, tuy nhiên tỷ lệ tái phát cao nên vấn đề điều trị dự phòng và tư vấn cho bệnh nhân đóng vai trò rất quan trọng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Beth G Goldstein, Adam O Goldstein, Tinea versicolor (Pityriasis versicolor), https://www.uptodate.com/
  2. A. K. Gupta, R. Bluhm và R. Summerbell (2002). Pityriasis versicolor. J Eur Acad Dermatol Venereol, 16 (1), 19-33.

BSNT. Nguyễn Thị Huyền Thương – BV Da liễu TƯ

Điều trị bệnh lang ben theo chuyên gia da liễu

Bài liên quan: Phòng tránh bệnh viêm nang lông ở ngực

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook