Eczema (bệnh chàm) là một trạng thái viêm lớp nông của da cấp tính hay mạn tính, tiến triển từng đợt hay tái phát, lâm sàng biểu hiện bằng đám mảng đỏ da, mụn nước và ngứa, nguyên nhân phức tạp bên trong, bên ngoài nhưng bao giờ cũng có vai trò “cơ địa dị ứng”
Đại cương
1.Eczema (bệnh chàm) là bệnh ngoài da phổ biến, ngày nay và trong tương lai do yêu cầu công nghiệp hoá, sử dụng nhiều hoá chất Eczema nghề nghiệp sẽ ngày càng tăng lên.
2. Có thể định nghĩa Eczema là một trạng thái viêm lớp nông của da cấp tính hay mạn tính, tiến triển từng đợt hay tái phát, lâm sàng biểu hiện bằng đám mảng đỏ da, mụn nước và ngứa, nguyên nhân phức tạp bên trong, bên ngoài nhưng bao giờ cũng có vai trò “cơ địa dị ứng”, về mô học có hiện tượng xốp bào (Spongiosis).
3. Là bệnh da ngứa điển hình, mạn tính hay tái phát, điều trị còn khó khăn.
Khoảng 10% dân số trên thế giới mắc bệnh chàm. Ở Việt Nam bệnh chàm chiếm 25% trong tổng số các bệnh ngoài da. Chàm là một loại bệnh có sự phối hợp với những biến đổi về mặt địa lý, về chủng tộc và tính mạn của nó. Tỷ lệ tăng ở những quốc gia, ở vùng nhiệt đới. Tại London 18% chàm được tìm thấy trong các đối tượng đến khám bệnh. Một số điều tra về các bệnh da tại phòng khám tổng quát phát hiện 33% và 23% trong tất cả các trường hợp tại Glasgow và Oxford. Chàm chiếm 17% trong tất cả các bệnh tại Hylạp.
Các từ “viêm da” và “chàm” nói chung được dùng như đồng nghĩa. Tuy nhiên, trong khi mọi dạng chàm đều là viêm da, nhưng không phải viêm da đều là chàm, chàm là một bệnh da không lây truyền, ngứa, viêm. Nó có thể là cấp, bán hay mạn tính. Biểu hiện về lâm sàng rất đa dạng nhưng nói chung bao giờ cũng có đặc tính sau:
– Về lâm sàng: có ngứa, có mụn nước sắp xếp thành từng mảng giới hạn không rõ, tiến triển thành từng đợt, dai dẳng hay tái phát.
– Về giải phẫu bệnh lý có thương tổn thuộc loại xốp bào.
– Về sinh bệnh học: người ta cho rằng chàm là một phản ứng của da với những tác nhân trong hoặc ngoài cơ thể. Trong điều kiện có một địa tạng đặc biệt, địa tạng dị ứng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân phức tạp nhiều khi khó hoặc không phát hiện được. Có thể do:
1. Nguyên nhân bên ngoài (dị nguyên, vật lý)
Các yếu tố vật lý,hoá học, thực vật, sinh vật học đụng chạm vào da gây cảm ứng thành viêm da, eczema (các chất này gọi là di nguyên). Ví dụ: ánh sáng, thuốc bôi, tiêm uống, các hoá chất dùng trong công nghiệp, trong gia đình (cao su, kền, crôm, xi măng, sơn…) Một số bệnh ngoài da gây ngứa (nấm, ghẻ…) do chà xát, bôi thuốc linh tinh… có thể trở thành eczema thứ phát.
2. Nguyên nhân bên trong (cơ địa)
– Rối loạn chức phận nội tạng, rối loạn thần kinh, rối loạn nội tiết có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây eczema.
3. Dù nguyên nhân bên trong hay bên ngoài cũng đều có liên quan đến phản ứng đặc biệt của cơ thể dẫn đến phản ứng dị ứng, bệnh nhân có “cơ địa dị ứng”.
Theo Halpern, Coombs phản ứng eczema được xếp vào kiểu “mẫn cảm tế bào trì hoãn” trong đó có vai trò của các tế bào lymphô T mang ký ức kháng nguyên.
Triệu chứng
1. Vị trí:
có tính chất bất kỳ, vùng da nào cũng có thể bị eczema, tuy nhiên tuỳ theo từng thể lâm sàng hay ở vị trí nào (sẽ trình bày ở phần thể lâm sàng).
2. Tổn thương cơ bản: tổn thương cơ bản trong bệnh eczema là đám mảng đỏ da và mụn nước, mụn nước là tổn thương điển hình của bệnh eczema, eczema phát triển qua 4 giai đoạn:
2.1. Giai đọan đỏ da: bệnh bắt đầu bằng trên da xuất hiện vết hoặc đám đỏ, hơi nề, cộm nhẹ, ranh giới không rõ, rất ngứa – trên nền đỏ xung huyết nhìn kỹ thấy có những sẩn tròn lấm tấm như hạt kê (thực chất là những mụn nước đang từ dưới đùn lên) đây là phản ứng đầu tiên của biểu bì.
2.2. Giai đoạn mụn nước (còn gọi là giai đoạn chảy nước ): mụn nước ngày càng nhiều và xuất hiện trên khắp bề mặt đám tổn thư ơng, mụn nước eczema có các đặc tính sau:
– Mụn nước nhỏ bằng đầu tăm, đầu kim 1-2 mm.
– Nông, tự vỡ.
– San sát bên nhau kín khắp bề mặt thương tổn.
– Đùn từ dưới lên hết lớp này đến lớp khác.
Đám tổn thương bề mặt chi chít các mụn nước. Mụn nước nông, tự vỡ và do ngứa gãi nên đám tổn thương bị trợt, chảy dịch nên còn gọi là giai đoạn chảy nước, giai đoạn này kéo dài nhiều ngày hoặc vài tuần, các mụn nước vỡ đi để lại điểm chợt nhỏ như châm kim (còn gọi là giếng eczema của Devergie) nhiều điểm chợt liên kết thành đám mảng trợt, đỏ rỉ dịch, đồng thời dễ nhiễm khuẩn thứ phát có mủ, vẩy tiết..
3. Giai đọan lên da non: giai đoạn này đám tổn thư ơng giảm viêm, giảm xung huyết, giảm chảy dịch, các vết chợt khô, đóng vẩy, lên da non thành một lớp da nhẵn bóng như vỏ hành, nền da hơi nhiễm cộm, sẫm mầu hơn.
4. Giai đoạn lichen hoá, hằn cổ trâu:
Eczema tiến triển lâu ngày da càng ngày càng sẫm mầu, tăng nhiễm cộm, bề mặt xù xì thô ráp, sờ nền cứng cộm, các hằn da nổi rõ, ở giữa các hằn da có các sẩn dẹt như trong bệnh lichen, quá trình này gọi là lichen hoá. Ngứa tồn tại dai dẳng.
– Giai đoạn đỏ da, mụn nước, chảy nước còn gọi là eczema giai đoạn cấp tính.
– Giai đoạn đóng vẩy da, nên da non, khô hơn gọi là eczema bán cấp.
– Giai đoạn lichen hoá, hằn cổ trâu được gọi là eczema mạn tính.
Chia thành 4 giai đoạn của eczema để dễ hiểu tiến triển cuả một eczema nhưng trên thực tế các giai đoạn không thực phân chia rõ rệt như vậy mà thường xen kẽ nhau, lồng vào nhau. Ví dụ trên đám tổn thương có vùng là giai đoạn chảy dịch, có vùng đã bắt đầu lên da non , lúc đó phải đánh giá xem tổn thương giai đoạn nào chiếm ưu thế mà chẩn đoán giai đoạn cấp, bán cấp, hay mạn lichen hoá. Đã sang giai đoạn sau có khi vì một nguyên nhân nào đó (chà xát, bôi thuốc không phù hợp) lại trở lại giai đoạn trước.
– Ngứa là triệu chứng xuyên suốt, xuất hiện sớm nhất tồn tại dai dẳng, người ta coi bệnh eczema là bệnh da ngứa điển hình.
Tiến triển: mạn tính hay tái phát, nhiều đợt vượng bệnh, xen kẽ các giai đoạn tạm đỡ.
Chưa có bình luận.