Dị ứng: những điều nên biết
Dị ứng là gì?
Dị ứng là một phản ứng của hệ thống miễn dịch để chống lại các chất gây dị ứng. Chất gây dị ứng là thứ gây ra phản ứng dị ứng.
Dị ứng bắt đầu xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta nhầm một chất bình thường vô hại là một mối xâm nhiễm nguy hại cho cơ thể (chất gây dị ứng)- chẳng hạn như phấn hoa, nọc ong hoặc lông thú nuôi,… hoặc một số loại thực phẩm không gây ra phản ứng ở hầu hết mọi người.
Để bảo vệ cơ thể, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ tạo ra các chất được gọi là kháng thể. Các kháng thể được tạo ra nhằm chống lại các chất dị ứng mà hệ miễn dịch cho là có hại, mặc dù không phải vậy. Các kháng thể này sẽ được lưu lại trong máu, khi ta tiếp xúc với chất gây dị ứng một lần nữa, các kháng thể này sẽ giải phóng một số hóa chất của hệ thống miễn dịch, các hóa chất này gây ra một vài triệu chứng dị ứng viêm da, xoang, đường hô hấp hoặc hệ tiêu hóa.
Mức độ nghiêm trọng của dị ứng ở mỗi người sẽ khác nhau, phản ứng dị ứng nguy hiểm nhất có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh là sốc phản vệ. Mặc dù hầu hết các trường hợp dị ứng không thể chữa khỏi, nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng.
Triệu chứng
Các triệu chứng dị ứng, phụ thuộc vào chất gây dị ứng, có thể ảnh hưởng đến đường thở, xoang,đường mũi, da và hệ tiêu hóaCác phản ứng dị ứng có thể từ nhẹ đến nặng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, dị ứng có thể gây ra phản ứng đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ.
Dị ứng thời tiết, còn được gọi là viêm mũi dị ứng, có thể có các triệu chứng như:
- Ngứa mũi, mắt hoặc vòm miệng
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi
- Hắt xì
- Chảy nước mắt, đỏ hoặc sưng mắt (viêm kết mạc)
Dị ứng thực phẩm có thể có các triệu chứng như:
- Sưng môi, lưỡi, mặt hoặc cổ họng
- Nổi mề đay
- Ngứa ran trong miệng
- Sốc phản vệ
Dị ứng thuốc có thể có triệu chứng như:
- Nổi mề đay
- Phát ban
- Da ngứa
- Sưng mặt
- Thở khò khè
- Sốc phản vệ
Viêm da dị ứng, một tình trạng da dị ứng còn được gọi là bệnh chàm, có thể khiến da:
- Ngứa
- Đóng vẩy hoặc bong tróc ở da
- Nổi mụn nước trên da
- Sốc phản vệ
Dị ứng do côn trùng đốt có thể có các triệu chứng như:
- Một vùng sưng to (phù nề) tại vị trí đốt
- Ho, tức ngực, thở khò khè hoặc khó thở
- Ngứa hoặc nổi mề đay khắp cơ thể
- Sốc phản vệ
Sốc phản vệ
Một số loại dị ứng, bao gồm dị ứng với thức ăn và vết đốt của côn trùng, có thể gây ra một phản ứng nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ, một cơ chế của phản ứng dị ứng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:
- Mất ý thức
- Giảm huyết áp
- Khó thở
- Mạch nhanh, yếu
- Chóng mặt
- Buồn nôn và ói mửa
- Phát ban da
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
– Có các triệu chứng do dị ứng gây ra và các loại thuốc chống dị ứng đã uống không đủ làm dịu. Nếu có các triệu chứng sau khi bắt đầu dùng thuốc hay các triệu chứng trở nên nặng hơn, hãy đến ngay bệnh viện gần nhất để khám, tiến hành điều trị
– Đối với phản ứng dị ứng nghiêm trọng (phản vệ), hãy gọi 115 hoặc số điện thoại khẩn cấp tại địa phương của bạn hoặc tìm kiếm trợ giúp y tế khẩn cấp. Trường hợp có sẵn ống tiêm tự động epinephrine (EpiPen), hãy tự tiêm cho mình một mũi ngay khi có các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.Nên đến bệnh viện để được chăm sóc y tế bởi có thể xảy ra tình trạng tái phát triệu chứng sau khi thuốc hết tác dụng
– Trong lúc chờ cấp cứu, hãy đưa người bệnh vào một vị trí thoải mái, nâng cao chân để máu lưu thông đến các cơ quan quan trọng, thực hiện hô hấp nhân tạo nếu người bệnh ngưng thở cho đến khi cấp cứu đến.
– Nếu bạn đã từng bị dị ứng nghiêm trọng hoặc bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của sốc phản vệ trong quá khứ, hãy đến bệnh viện để được khám và hướng dẫn. Việc đánh giá, chẩn đoán và kiểm soát sốc phản vệ rất phức tạp, vì vậy bạn hãy đến gặp các bác sĩ chuyên về dị ứng và miễn dịch học.
Các tác nhân dị ứng
Các tác nhân gây dị ứng phổ biến bao gồm:
- Các chất gây dị ứng trong không khí, chẳng hạn như phấn hoa, lông động vật, bụi mịn và nấm mốc
- Một số loại thực phẩm, đặc biệt là đậu phộng, hạt cây, lúa mì, đậu nành, cá, động vật có vỏ, trứng và sữa
- Một số loại thuốc, đặc biệt là penicillin hoặc kháng sinh có thành phần là penicillin và các loại thuốc tương tự
- Vết đốt của một vài loài côn trùng, chẳng hạn như vết đốt của ong hoặc ong bắp cày
- Mủ cao su hoặc các chất khác mà bạn chạm vào, có thể gây ra các phản ứng dị ứng trên da
Những người dễ bị di ứng
Các nguyên nhân khiến cơ thể dễ bị di ứng:
- Gia đình có tiền sử bị hen suyễn hoặc dị ứng, chẳng hạn như sốt hè, phát ban hoặc chàm, …
- Bản thân đã hoặc đang bị hen suyễn,bệnh dị ứng khác
- Là trẻ em
Cách phòng ngừa dị ứng
Việc ngăn ngừa các phản ứng dị ứng phụ thuộc vào loại dị ứng mắc phải. Các biện pháp thường được áp dụng để phòng ngừa dị ứng bao gồm:
Tránh các tác nhân gây dị ứng.
Ví dụ, nếu bị dị ứng với phấn hoa, hãy ở trong nhà, đóng cửa sổ và cửa ra vào khi lượng phấn hoa nhiều. Nếu bị dị ứng với bụi mịn, hãy hút bụi và giặt giũ bộ đồ giường thường xuyên.
Hãy cố gắng xác địnhtác nhân là nguyên nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng , hãy theo dõi các hoạt động ghi lại những gì đã ăn, khi nào các triệu chứng xảy ra.. Điều này có thể giúp bạn và các bác sĩ dễ dàng xác định các yếu tố gây ra dị ứng.
Đeo vòng tay cảnh báo y tế. Nếu bạn bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng, vòng đeo tay (hoặc vòng cổ) cảnh báo y tế sẽ cho người khác biết rằng bạn bị dị ứng nghiêm trọng trong trường hợp bạn đang bị phản ứngkhông thể giao tiếp.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
Bí quyết điều trị khi bị dị ứng phấn bướm
Phương pháp đơn giản phòng dị ứng mùa đông
Chống dị ứng da mặt, nổi mụn do đeo khẩu trang ngừa dịch Covid-19 cả ngày
Dị ứng thời tiết: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị
Yhocvn.net lược dịch theo mayoclinic
Chưa có bình luận.