Thứ Tư, 14/09/2016 | 13:30

Cứ sau dịp trung thu, các bác sĩ dinh dưỡng lại tiếp nhận nhiều bệnh nhân tăng cân, tăng đường máu bởi vì “bổ sung” quá nhiều bánh trung thu.

Giá trị của 1 chiếc bánh trung thu

Theo Ths. Bs. Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bánh Trung thu rất ngọt và béo ngậy, do vậy nó cung cấp nhiều năng lượng.

Vì vậy, với trẻ nhẹ cân, ăn bánh trung thu không ảnh hưởng nhiều. Nhưng với những đứa trẻ thừa cân/béo phì và những người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng, bánh trung thu là một mối nguy cơ lớn tới sức khỏe.

Thế nhưng, thực tế những trẻ gầy lại không mặn mà với món ăn truyền thống này trong khi các trẻ thừa cân/béo phì lại thích, thậm chí bánh càng ngọt càng béo chúng lại càng thích.

Theo bác sĩ Tiến, thành phần của 1 chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170 gam, nó cung cấp 566 Kcal, 16,3 g đạm, 6,6 g lipid, 110,2 g glucid; 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176g cung cấp 648 Kcal (năng lượng gấp 2 – 2,5 lần bát phở bò).

Còn trong 1 cái bánh nướng 176g thập cẩm cung cấp 706 kcal, 18g đạm, 31,5g lipid và 87,5g glucid; 1 chiếc bánh nướng đậu xanh 1 trứng 176g cung cấp 648 Kcal, 19,5g protid, 27,5g lipid, 80,6g glucid.

Lượng bột đường có trong 1 chiếc bánh dẻo/1 bánh nướng bằng 2 – 3 bát cơm (1 bát cơm 258 g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh.

Nếu ăn quá nhiều, trẻ thừa cân/ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucse có thể gây ra tiểu đường.

Với trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, và càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng.

Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại. Còn chất béo lấy từ hạt dưa, hạt điều, vừng là có chút acid béo không no có lợi.

Lượng chất béo trong 1 chiếc bánh trung thu bằng 1 – 2 lần lượng chất béo trong 1 bát phở bò/phở gà. Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật. Nếu bảo quản không tốt, chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc.

Ăn thế nào cho đúng?

Theo TS Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh Dưỡng quốc gia, bánh trung thu thể hiện nét văn hoá vào ngày rằm tháng 8. Và ai cũng muốn được thưởng thức món ăn truyền thống này.

Tuy nhiên, phải tuỳ theo từng đối tượng để có thể thưởng thức bánh trung thu phù hợp.

TS Hưng cho biết anh đã từng gặp bệnh nhân là người già gặp rắc rối vì ăn bánh trung thu và bị nghẹn, bị khó tiêu. Hay trẻ nhỏ bị rối loạn tiêu hoá, lười biếng vì ăn bánh trung thu quá nhiều trong dịp rằm trung thu.

Khi ăn bánh trung thu với người khoẻ mạnh bình thường có thể ăn ¼ cái, còn với trẻ nhỏ có thể cho trẻ ăn 1/8 chiếc bánh và nên sau bữa ăn là tốt nhất để tránh đầy bụng cũng như các rối loạn chuyển hoá.

Theo TS Hưng những ngày gần trung thu rất nhiều bệnh nhân tiểu đường mang băn khoăn không biết họ có nên sử dụng bánh trung thu hay không. Câu trả lời là có và quan trọng là ăn như thế nào.

Với trẻ béo phì, bệnh nhân bị tiểu đường, bác sĩ Hưng cho biết có thể cân đối chế độ ăn nếu ăn bánh trung thu thì giảm khẩu phần ăn.

Nếu ăn ½ bánh dẻo/bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng 1 bát cơm đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa đường huyết tăng nhanh.

Nếu chúng ta đảm bảo cân đối được lượng đường từ bánh, chất béo để cân bằng thì ăn được thoải mái.

Ngoài ra, hiện nay có các loại bánh trung thu cho người ăn kiêng, không phải bánh truyền thống chứa nhiều đạm, chất béo thì lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo.

Đứng ở góc độ dinh dưỡng, TS Hưng cho rằng bản thân bánh trung thu không “chống chỉ định” với bất cứ ai nhưng ăn thế nào để kiểm soát sức khoẻ thì không phải ai cũng biết.

Ngoài ra, việc lựa chọn bánh cũng rất quan trọng vì bánh có nhiều chất nên rất dễ bị mốc, hỏng nếu chúng ta không biết sử dụng ăn phải đồ ôi thiu sẽ không tốt cho sức khoẻ.

Theo Trí thức trẻ

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook