Nếu ăn quá nhiều thịt trong ngày Tết dễ có
nguy cơ béo phì và các bệnh khác liên quan đến thừa dinh dưỡng như xơ vữa động mạch, tiểu đường, cao huyết áp,…
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vào dịp lễ tết, các bànội trợ thường dự trữ nhiềuthức ăn giàu chất đạm để dùng như: giò chả, nem, lạp sườn, thịt các loại,… mà xem nhẹ các loại rau và hoa quả. Trong bữa ăn ngày Tết nguồn thức ăn cung cấp chất xơ chủ yếu là măng khô, vì vậy thiếu các loại vitamin cần thiết từ hoa quả tươi.
Trong khi đó, rau quả là nguồn cung cấp cho cơ thể các vitamin và muối khoáng để phòng chống các bệnh thiếu vi chất. Rau, quả được sử dụng nhiều trong ngày tết gồm rau thơm (xà lách, húng láng, mùi, kinh giới, hành tươi, ớt, tỏi…. ) ngoài cung cấp các vitamin, khoáng, chất xơ chúng còn là những vị thuốc kháng sinh thực vật rất tốt. Rau xanh (súp lơ, cần tây, tỏi tây, cà chua) và các loại quả (cam, chanh, quýt…) là nguồn vitamin C tốt.
Bữa ăn ngày Tết thường không được cân đối dinh dưỡng. Ảnh minh họa. |
Rau quả còn chứa nhiều chất khoáng có tính kiềm đặc biệt là Kali, Canxi, Magiê có vai trò quan trọng trong nhiều chức phận hoạt động của cơ thể và cần thiết để duy trì cân bằng kiềm toan.
Rau quả cung cấp chất pectin, acid hữu cơ và chất xơ. Chất xenluloza của ngũ cốc và ở dưới dạng liên kết với các chất pectin tạo thành phức hợp pectin-xenluloza có tác dụng điều hoà nhu động ruột chống táo bón đồng thời giúp đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể, để phòng chống tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.
Vì vậy, trong bữa ăn ngày tết đừng quên rau quả, có thể ăn với số lượng nhiều và thoải mái, không nên chỉ ăn các món ăn chế biến từ thịt, cá, hải sản.
Với thực phẩm cung cấp chất đạm, cần ăn một lượng vừa phải. Theo khuyến cáo, mỗi ngày một người bình thường trưởng thành không được ăn vượt quá 30 g đạm, trong đó chỉ có 15 g đạm động vật tương đương khoảng 120-150 g các thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc từ động vật.
Nếuăn quá nhiều thịt trong ngày Tết rất có nguy cơ dẫn đến bệnh béo phì và các bệnh khác liên quan đến thừa dinh dưỡng như xơ vữa động mạch, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn chuyển hoá mỡ…
Tăng cường ăn rau sống
Vẫn theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, rau sống với đa dạng các loại rau gia vị cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. Đặc biệt các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật.
Để đảm bảo rau sạch cần nhặt sạch rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, tốt nhất là rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hoá chất trừ sâu còn bám trên lá rau.
Việc ngâm rau sống vào dung dịch thuốc tím loãng (thường là dung dịch thuốc tím 1%) hoặc nước muối loãng đều không đảm bảo loại trừ sạch mầm bệnh. Bởi qua một số thí nghiệm cho thấy môi trường thuốc tím, nước muối loãng không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh. Lượng hoá chất bảo vệ thực vật giảm đi không đáng kể nếu không rửa lại nhiều lần.
Do đó, tốt nhất người dân nên áp dụng cách rửa rau sống bằng nước sạch nhiều lần rồi vớt rau vẩy ráo trước khi ăn.
Khuyến cáo khi mua và sử dụng thực phẩm trong ngày Tết:
Không mua và ăn uống các loại thực phẩm có phẩm màu lòe loẹt.
Chỉ mua các thực phẩm có số đăng ký chất lượng, địa chỉ sản xuất rõ ràng và còn hạn dùng.
Rau quả nhớ rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn.
Không ăn lạc, hạt hướng dương và các loại hạt khác bị mốc vì có thể chứa chất độc nguy hiểm.
Không uống nhiều rượu, nước ngọt có ga và ăn nhiều bánh kẹo. Hãy cảnh giác với rượu giả trên thị trường.
Không ăn thức ăn ôi thiu, có mùi lạ để đề phòng ngộ độc. Nên ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín.
Ăn uống điều độ, hợp lý và hợp vệ sinh.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.