Khi bị táo bón có thể xuất hiện các triệu chứng như đầy bụng, trướng bụng, mệt mỏi, buồn nôn, nhức đầu… táo bón lâu ngày có thể gây nổi mụn trên da, trĩ, nhiễm độc cơ thể, nặng hơn là ung thư đại – trực tràng.
Khi bị táo bón có thể xuất hiện các triệu chứng như đầy bụng, trướng bụng, mệt mỏi, buồn nôn, nhức đầu… táo bón lâu ngày có thể gây nổi mụn trên da, trĩ, nhiễm độc cơ thể, nặng hơn là ung thư đại – trực tràng.
Nguyên nhân dẫn đến táo bón do ăn uống không hợp lý như trong khẩu phần ăn thường ngày bị thiếu chất xơ, uống ít nước làm cho phân cứng khó đào thải ra ngoài, ít vận động, stress, do uống thuốc tây có tác dụng phụ gây táo bón như các loại thuốc chữa dạ dày, tăng huyết áp…
Tuy nhiên còn tùy theo cơ chế tác dụng, nên các thuốc điều trị bệnh táo bón được chia ra các loại sau:
Thuốc trị táo bón tạo khối (igol, metamucil): nhóm thuốc này chứa chất xơ, chất sợi (từ vỏ, hạt, củ), chất nhầy (thạch rau câu), cám lúa mì, được cấu tạo gồm những hạt rất nhỏ có thể giữ một thể tích nước gấp nhiều lần thể tích của chúng. Khi uống vào thuốc sẽ hút nước làm tăng thể tích phân ở trực tràng tạo phản xạ đi tiêu tự nhiên. Nhóm thuốc này có tác dụng tương đối chậm nhưng ít can thiệp vào hoạt động bình thường của đại tràng hơn những thuốc nhuận tràng khác.
Thuốc trị táo bón thẩm thấu (sorbitol, forlax, lactitol): chứa các muối vô cơ, đường. Khi uống vào, thuốc giữ nước trong lòng ruột giúp thải phân ra ngoài dễ dàng hơn.
|
Các thuốc làm mềm phân (docusat) giúp nước thấm vào khối phân, làm phân mềm và dễ di chuyển hơn.
Các thuốc bôi trơn (norgalax, microlax): dùng bơm hậu môn. Thuốc chứa dầu khoáng chất (parafin) và các chất giúp thấm nước tốt (glycerin). Không dùng thuốc quá lâu ngày vì có thể làm kích ứng niêm mạc trực tràng, làm tổn thương niêm mạc trực tràng.
Thuốc trị táo bón kích thích (bisacodyl, cascara): thuốc tác động trực tiếp lên thần kinh chức năng vận động bài tiết của ruột, gây co bóp các cơ thành ruột tạo nhu động ruột đẩy phân ra ngoài. Không nên dùng thuốc này quá một tuần vì chúng có thể gây đau quặn bụng và tiêu chảy. Không dùng nhóm thuốc này cho phụ nữ có thai và chỉ dùng khi những điều trị khác bị thất bại.
Mặt khác, có thể dùng phương pháp điều trị kết hợp hỗ trợ như dùng sữa chua hoặc sữa bột có bổ sung chất xơ, trà thảo dược…
Chú ý không được sử dụng bất kỳ một loại thuốc điều trị bệnh táo bón nào kéo dài quá 8 – 10 ngày. Sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ. Sau khi điều trị bằng thuốc giúp cơ thể vượt qua giai đoạn bất bình thường trong bài tiết, cần điều chỉnh lại lối sống, chế độ ăn uống, luyện tập cho phù hợp.
Để phòng tránh táo bón: cần tạo ra thói quen đi tiêu hàng ngày vào một thời gian nhất định (tốt nhất vào buổi sáng khi thức dậy); không được nhịn đi tiêu; nên ăn nhiều rau, hoa quả chứa nhiều chất xơ; tập thể dục đều đặn (điều này không chỉ giúp chúng ta có được sức khỏe tốt, thân hình cân đối mà còn rất tốt cho hệ tiêu hóa); uống nhiều nước hàng ngày sẽ giúp làm sạch hệ tiêu hóa và làm mềm phân để đẩy ra ngoài được dễ dàng.
BS. Hoàng Thanh Sơn
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Chưa có bình luận.