Thứ Hai, 22/04/2019 | 21:06

Các bước tiền hành đo chức năng hô hấp và test phục hồi phế quản cho bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn, COPD

Đo chức năng hô hấp

Đo chức năng hô hấp là gì?

Đo chức năng hô hấp là kỹ thuật thường được dùng trong chẩn đoán và theo dõi đánh giá mức độ nặng nhẹ của các bệnh lý hô hấp. Kỹ thuật giúp ghi lại những thông số liên quan đến hoạt động của phổi, từ đó giúp đánh giá hai hội chứng rối loạn thông khí: tắc nghẽn và hạn chế.

Đo chức năng hô hấp cho ta biết thông tin chính xác về lưu lượng không khí lưu thông trong phế quản và phổi, đồng thời cho phép đánh giá mức độ tắc nghẽn phế quản và mức độ trầm trọng của giãn phế nang.

Kết quả đo chức năng hô hấp được thể hiện bằng số cụ thể và bằng phần trăm so với giá trị của một người bình thường. Các trị số đo được của chức năng hô hấp sau đó được biểu diễn dưới dạng một đường cong trong đó một trục thể hiện các số đo về lưu lượng khí lưu thông, còn trục còn lại thể hiện các số đo của các thể tích khí có trong phổi, do vậy đường cong này còn được gọi là đường cong lưu lượng thể tích.

Đo chức năng hô hấp là thăm dò khá đơn giản và không gây đau cho bệnh nhân, hầu như không gây khó chịu hay tai biến.

Độ chính xác của kết quả phụ thuộc vào sự hợp tác của bệnh nhân.

2. Chỉ định Đo chức năng hô hấp

Chẩn đoán các bệnh lý hô hấp, khi có các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm khác bất thường

a. Triệu chứng lâm sàng: khó thở, khò khè, ngồi thở, thở ra khó khăn, ho đờm kéo dài, ho khan kéo dài, dị dạng lồng ngực

Xét nghiệm cận lâm sàng: giảm Oxy máu, tăng CO2 máu, đa hồng cầu, X-quang lồng ngực bất

b. Theo dõi, lượng giá, đáp ứng điều trị, diễn tiến bệnh như  hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh phổi hạn chế.

c. Tầm soát bệnh trên đối tượng có nguy cơ cao:

Người hút thuốc lá

Người làm việc nơi có khói và hóa chất độc hại

d. Lượng giá sức khỏe trước khi luyện tập

3. Chống chỉ định:

+ Ho ra máu không rõ nguyên nhân

+ Nhiễm trùng đường hô hấp cấp

+ Phình động mạch chủ ngực, chủ bụng

+ Nhồi máu cơ tim, phẫu thuật mắt, bụng, ngực dưới 3-6 tháng

+ Vừa mới qua đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen dưới 6 tuần

+ Đau thắt ngực không ổn định trong 24 giờ

+ Đau ngực không rõ chẩn đoán

+ Lao phổi tiến triển

4. Chuẩn bị trước khi đo chức năng  hô hấp

+ Không  hút  thuốc 1 giờ trước khi đo

+ Không uống rượu 4 giờ trước khi đo

+ Không  vận  động  nặng 30 phút trước khi đo

+ Không ăn no trong vòng 2 giờ trước khi đo 

+ Mặc quần áo rộng rãi

Đối với trường hợp đo hô hấp ký để chẩn đoán bệnh lần đầu tiên: Không sử dụng thuốc giãn phế  quản trước khi đo: 6 giờ nếu là loại tác dụng ngắn; 12 giờ nếu là loại tác dụng kéo dài; 24 giờ nếu là loại uống như theophyllin.

5. Các bước tiến hành:

Thông thường bệnh nhân được yêu cầu làm 2 động tác chính:

Động tác thứ nhất: hít vào thở ra bình thường, sau đó được yêu cầu hít vào sâu thật hết sức, rồi thở ra thật hết sức.

Động tác thứ hai: hít vào thở ra bình thường, rồi sau đó được yêu cầu hít vào thật hết sức và thổi ra thật nhanh, thật mạnh, hết sức có thể, và tiếp tục thở ra cho đến khi ít nhất 6 giây.

Lưu ý:

Trong khi thực hiện bất cứ động tác nào cũng phải làm liên tục, không được dừng. Việc dừng đột ngột, hoặc thực hiện không chính xác những gì mà kỹ thuật viên đo chức năng hô hấp yêu cầu sẽ gây sai lệch kết quả đo chức năng hô hấp, và do vậy dẫn đến nhận định sai kết quả thực mà chức năng thông  khí phổi của người bệnh hiện có, từ đó có thể dẫn đến chẩn đoán và điều trị không phù hợp.

Nếu  bệnh nhân hút thuốc lá, tuy nhiên kết quả đo chức năng hô hấp bình thường điều đó không có nghĩa là bạn không có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Nếu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của bạn tiến triển thì FEV1 (thể tích thở ra tối đa trong giây đầu tiên) sẽ giảm dần. Khi FEV1 đo được dưới 40% trị số bình thường thì phổi của bệnh nhân không còn khả năng duy trì chức năng bình thường của nó và lượng oxy trong máu sẽ giảm sút. Thiếu oxy sẽ được phát hiện và đánh giá bằng một xét nghiệm gọi là khí máu.

Test phục hồi phế quản:

Ở những bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc hen phế quản, khi đo chức năng hô hấp phát hiện có rối loạn thông khí tắc nghẽn thì bệnh nhân sẽ được yêu cầu làm test hồi phục phế quản.

1. Test phục hồi phế quản là gì?

Test phục hồi phế quản là thăm dò sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít nhằm giúp đánh giá đáp ứng của cơ trơn đường thở của bệnh nhân với thuốc giãn phế quản (hoặc trong một số trường hợp dùng corticoid).

2. Chỉ định Test phục hồi phế quản

Đối với các bệnh nhân sau khi đo chức năng hô hấp có  FEV1/FVC < 70% hoặc FEV1 giảm nghi ngờ rối loạn thông khí tắc nghẽn không điển hình

3. Chẩn đoán xác định hen phế quản

Chẩn đoán phân biệt hen phế quản hay COPD

4. Các bước tiến hành:

Người bệnh được yêu cầu hít 400mcg salbutamol (4 nhát xịt ventolin), sau đó ngồi chờ 15 phút. Để nâng cao hiệu quả của thuốc hít, thường thuốc sẽ được xịt vào buồng đệm và người bệnh hít thuốc qua buồng đệm này.

Đo lại chức năng hô hấp sau 20 phút xịt thuốc giãn phế quản.

5. Đánh giá kết quả

Nếu FEV1 sau khi hít thuốc giãn phế quản 20 phút cải thiện được 200ml và 12%: người bệnh được đánh giá là có test hồi phục phế quản dương tính, khi đó họ được xem là có đáp ứng tốt với thuốc giãn phế quản. Trong trường hợp chức năng hô hấp về hoàn toàn bình thường sau test hồi phục phế quản, người bệnh sẽ được chẩn đoán là hen phế quản.

BS. Nguyễn Xuân Thanh

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook