Cùng với nền y học ngày càng phát triển, các bác sĩ giờ đây có thể cấy ghép tử cung, mặt và thậm chí là phân, để cứu sống người bệnh.
Nhờ nhiều thành tựu mang tính đột phá, y học ngày nay đã mở rộng phạm vi cấy ghép khiến các chuyên gia cũng phải ngạc nhiên.
Ảnh: AMV Photo. |
Dưới đây là 5 bộ phận được cấy ghép ấn tượng mà con người đã thực hiện, do Prevention liệt kê.
Cấy ghép tử cung
Các bác sĩ tại phòng khám Cleveland (Mỹ) cho biết sẽ sớm tiến hành ghép tử cung cho 10 phụ nữ không có hoặc bị tổn thương bộ phận này. Nếu thành công, họ sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng cho nền y học Mỹ. Trước đây, Thuỵ Điển đã thực hiện 9 ca cấy ghép tử cung, trong đó một trường hợp đã sinh con.
Ghép mặt
Ghép mặt không còn là điều chỉ thấy trên phim ảnh mà đã bước ra ngoài đời thật. Loại phẫu thuật này đòi hỏi cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ khuôn mặt bệnh nhân rồi thay bằng các mô từ một người đã qua đời hiến tặng. Nó không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân vì thúc đẩy các chức năng như nhìn, nói, nhai, nuốt và thở bằng mũi.
Ca cấy ghép mặt đầu tiên được thực hiện tại Pháp năm 2005. Gần đây nhất, cựu lính cứu hỏa Patrick Hardison (Mỹ) được công nhận là bệnh nhân được ghép mặt toàn diện nhất thế giới sau khi trải qua 26 giờ phẫu thuật.
Ghép hai tay
Tháng 7 năm nay, với sự giúp đỡ của 40 chuyên gia, bé Zion Harvey 8 tuổi (Mỹ) trở thành bệnh nhi đầu tiên được cấy ghép cả hai tay.
Zion Harvey với đôi tay được cấy ghép. Ảnh: Philadelphia Inquirer. |
Thông thường một ca ghép tay kéo dài 8-12 tiếng. Bác sĩ phẫu thuật bắt đầu bằng việc nối xương, sau đó đến dây chằng, mạch máu, dây thần kinh, ven và da.
Ca ghép tay thành công đầu tiên trên thế giới được thực hiện tại Pháp năm 1998.
Ghép ruột
Ghép ruột là một trong những loại cấy ghép nội tạng hiếm gặp nhất, hầu như chỉ áp dụng cho bệnh nhân phải cắt bỏ ít nhất một nửa phần ruột do mắc phải một bệnh nào đó, ví dụ như bệnh Crohn.
Ruột được ghép lấy từ bệnh nhân đã qua đời, song cũng có thể do người còn sống hiến tặng. Trong quá trình phẫu thuật, phần ruột viêm được cắt bỏ, thay thế bằng phần ruột khỏe mạnh rồi nối với đường tiêu hóa.
Đức là nước đầu tiên ghép ruột thành công vào năm 1988.
Ghép phân
Y học có thể cấy ghép chất thải con người và điều này không có nhiều khác biệt so với việc truyền máu. Nghe có vẻ kinh khủng, ghép phân giúp chuyển hệ vi sinh vật từ người khỏe mạnh sang người ốm yếu nhằm cứu sống họ.
Theo các tài liệu cổ xưa, Trung Quốc bắt đầu ghép phân từ thế kỷ IV. Phương pháp này hiện được áp dụng cho bệnh nhân nhiễm khuẩn Clostridium difficile, bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
Minh Nguyên
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.