Để có thể giúp giải đáp cho các bạn hiểu rõ được bệnh viêm da cơ địa là gì thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua những thông tin ngay dưới đây nhé.
Khái niệm bệnh viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis-AD) hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema, sẩn ngứa Besnier, Liken đơn dạng mạn tính…. Viêm da cơ địa là bệnh lý biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay tái phát.
Những triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý “Ngứa-Gãi” làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng.
Thêm vào đó, bệnh có yếu tố di truyền, gia đình và hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng. Có tới 35% trẻ viêm da cơ địa có biểu hiện hen trong cuộc đời. Chẩn đoán bệnh không khó khăn, dựa trên các triệu chứng lâm sàng, nồng độ IgE trong máu thường tăng cao.
Một số các yếu tố ảnh hưởng đến viêm da cơ địa
Những người bị viêm da cơ địa cũng có nguy cơ mắc các bệnh dị ứng khác như hen phế quản, viêm mũi dị ứng… Các dị nguyên gây bệnh hoặc một số yếu tố kích phát từ môi trường có thể gây ra hoặc làm nặng các triệu chứng của viêm da cơ địa, thường gặp là: thức ăn như trứng, sữa, tôm, cua, cá, ốc; bọ nhà; nấm mốc; da và lông súc vật; phấn hoa…
Các yếu tố kích phát chàm thể tạng thường gặp là: xà phòng, các chất tẩy rửa, nước hoa và mỹ phẩm; hóa chất như: dầu mỡ hoặc dung môi; bụi bẩn; khói thuốc lá, sang chấn tâm lý; thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp; sau khi tắm nước nóng; nhiễm khuẩn da, nhất là do tụ cầu vàng; thay đổi nhiệt độ đột ngột…
Những dấu hiệu và biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa
Thông thường các triệu chứng điển hình của bệnh biểu hiện tùy thuộc vào từng giai đoạn như:
+ Giai đoạn cấp tính:
Giai đoạn này thường hay gặp ở trẻ em, đặc trưng bởi các đám ban đỏ hình tròn, bị bong trợt da, trên bề mặt có các mụn nước và vảy tiết, xuất tiết nhiều dịch viêm và xung quanh bị phù nề.
Bệnh nhân rất ngứa, cảm giác rát bỏng, nhất là về đêm, làm cho người bệnh bị mất ngủ, gãi nhiều có thể làm cho da bị trầy xước, nhiễm khuẩn.
+ Giai đoạn mạn tính: biểu hiện với các đám sẩn đỏ, dày sừng, bong vảy, rối loạn sắc tố da. Bệnh nhân gãi nhiều có thể để lại các hậu quả trên da như dày da, tróc da, sưng nề, nứt kẽ, chảy nước vàng và đóng vảy tiết.
Ở trẻ nhỏ, bệnh thường xuất hiện ở mặt, da đầu và mặt duỗi các chi. Còn ở trẻ lớn hoặc những người mà bệnh diễn biến kéo dài, tổn thương da thường khu trú ở nếp gấp của các chi.
Ở người lớn, chàm thể tạng thường chỉ biểu hiện đơn thuần ở bàn tay.
Do triệu chứng bệnh của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian nên việc khai thác tiền sử đóng vai trò hết sức quan trọng.
Mục tiêu chính điều trị chàm thể tạng là loại trừ ngứa và trạng viêm ở da; khuyên người bệnh tránh chà xát, không gãi là một việc rất quan trọng.
Chưa có bình luận.