Các bệnh do vi khuẩn gây đau bệnh than là bệnh được nhắc tới đầu đầu tiên
Trong số các bệnh do vi khuẩn gây đau bệnh than là bệnh được nhắc tới đầu đầu tiên. Đó là một bệnh rất hay lây của súc vật, nhất là loài nhai lại, truyền sang cho con người do tiếp xúc với con vật hay sản phẩm của nó. Vi sinh gây bệnh là Bacillus arthracis, một trực khuẩn lớn, Gram dương, sống kỵ khí tùy lúc và có nang bọc.
Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường làm tổn thương da, hiếm khi gây tổn thương mồm-họng, đường hô hấp dưới, trung thất hoặc bộ máy tiêu hóa. Người ta thường bị nhiễm khuẩn này qua da hoặc do ăn thịt con vật.
Ở thể da, chỗ da bị nhiễm trùng xuất hiện ngứa đầu tiên, sau đó dẫn đến tổn thương, nổi sần màu đỏ nâu trên đường viền, sần lan rộng, mụn nước và từ 2 – 4 ngày sau phát triển thành nốt loét màu đen (thời gian ủ bệnh thay đổi từ 12 giờ đến 5 ngày). Xung quanh chỗ loét thường có phù mức độ từ nhẹ đến nặng và lan rất rộng, đôi khi có mụn nước nhỏ và mềm thứ phát.
Nốt loét thường không đau, nếu có đau là do phù hoặc bội nhiễm. Đầu, cánh tay và bàn tay là nơi hay bị tổn thương nhất. Nốt loét ở vùng trung tâm, có dịch huyết thanh máu rì ra và hình thành một loét hoại tử màu đen. Vì vậy gọi là bệnh than và cũng gọi là bệnh nhọt ác tính. Có thể bị nhầm lẫn với viêm da.
Nơi nhiễm khuẩn không được điều trị có thể lan tới các hạch bạch huyết vùng rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết và tổn thương não. Tỷ lệ tử vong bệnh than thể da không được điều trị từ 5 – 20%. Nếu điều trị kháng sinh có hiệu quả ít khi xảy ra tử vong.
Bệnh nhân thấy đau cơ, nhức đầu, sốt, buồn nôn và nôn. Ngoài dạng bệnh ngoài da, bệnh than còn xuất hiện ở phổi khi có sự nhân bội nhanh chóng của các bào tử bên trong các hạch bạch huyết trung thất. Dấu hiệu mắc bệnh này lúc đầu giống như trong bệnh cúm, sốt cao, vài ngày là suy hô hấp, rồi xanh tím, sốc và hôn mê.
Phương thức lây truyền bệnh than
Lây truyền qua da là do tiếp xúc với các mô của động vật (gia súc, cừu, dê, ngựa, lợn và các súc vật khác) chết vì mắc bệnh than; nhiễm qua lông, da, xương hoặc các sản phẩm làm từ những nguyên liệu trên như trống, bàn chải… Lây truyền qua đất bị nhiễm khuẩn từ các động vật mắc bệnh hoặc do sử dụng phân bón chế biến từ xương động vật bị nhiễm khuẩn dùng cho việc chăm bón vườn tược.
Bệnh than thể phổi xảy ra là do hít phải bào tử vi khuẩn trong công nghiệp chế biến da, len, xương. Bệnh than thể ruột và thể mồm – họng là do ăn phải thịt bị nhiễm khuẩn. Không có bằng chứng về việc lây truyền bệnh than từ sữa động vật nhiễm khuẩn. Bệnh lây truyền trong gia súc ăn cỏ qua thức ăn và đất bị nhiễm. Còn giữa các động vật ăn tạp và ăn thịt thì bệnh lây truyền qua thức ăn, các sản phẩm thức ăn chế biến từ xương bị nhiễm. Động vật hoang dã lây bệnh là do ăn phải xác động vật chết vì bệnh than. Những loài chim ăn thú vật chết cũng có thể truyền bệnh từ vùng này sang vùng khác. Nhiễm khuẩn ngẫu nhiên có thể xảy ra ở những nhân viên làm trong phòng thí nghiệm.
Điều trị bệnh than
Điều trị bệnh than ngoài da dùng procain penicillin G 600.000 đ.v. tiêm bắp 2 lần trong 7 ngày. Cũng có hiệu quả khi dùng tetracyclin uống 2 g/ngày chia làm 4 lần (trẻ em thì 20 mg/kg/ngày chia làm 4 lần), cần thay thế thì dùng erythromycin. Điều trị bệnh than ở phổi cần sớm và liên tục bằng truyền tĩnh mạch penicillin G 20 triệu đ.v./ngày. Có thể dùng phối hợp với streptomycin 500 mg/ngày tiêm bắp, 8 giờ một lần (ở người lớn) và 25 mg/kg/ngày (ở trẻ em). Các corticosteroid có thể hữu ích nhưng đánh giá chúng còn chưa đúng mức.
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.