“Nhà cháu ăn đồ đông lạnh thì đã sao, rã đông xong nấu lên vẫn thơm ngon như thường, lại sạch sẽ” – tôi nói. Ấy thế mà, bà Liên quay sang nguýt một cái thật dài và mắng: “Con dở hơi, điên vừa thôi,… mình nhà mày mới ăn sạch chắc. Chúng tao ăn thịt tươi ngoài chợ chắc chết hết?”.
Tôi và chồng đều là dân tỉnh lẻ, phấn đấu lên Hà Nội học rồi xin việc, ở lại Thủ đô đã hơn chục năm nay. Tôi cũng như mọi người, luôn nghĩ rằng chẳng gì ngon bằng thực phẩm tươi rói mua ở chợ, về chế biến trong ngày. Thế nên, hồi còn sinh viên và mới ra trường, ngày nào tôi cũng đi chợ.
Nhưng, độ 5 năm lại đây, tôi bỏ hẳn thói quen này. Tôi tập cho gia đình ăn thực phẩm đông lạnh quanh năm, ít khi ăn đến thực phẩm tươi.
Sự tình bắt đầu từ khi tôi nghe được những thông tin về thực phẩm bẩn, với tần suất xuất hiện ngày càng dày đặc. Lo lắng bất an, tôi ngày đêm nghĩ cách làm sao để có thực phẩm sạch cho gia đình.
Bàn đi tính lại với bố mẹ hai bên, với chồng, cuối cùng tôi quyết định: Mỗi lần về quê, vợ chồng tôi sẽ lên danh sách các loại thịt, cá, trứng, rau,… rồi nhờ ông bà, họ hàng mua cho. Cứ cái gì tích trữ được là chúng tôi mua về, đóng thùng đưa xuống Hà Nội. Hay, bạn bè người quen nào bán đồ sạch, có nguồn gốc rõ ràng, là tôi lại đặt mua ngay. Nếu hôm nào nhỡ nhàng, nhà hết đồ, tôi lại ra siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi có uy tín để mua tạm.
Thực phẩm về đến nhà là tôi chia ra cho từng bữa, lên thực đơn từng ngày. Chẳng hạn, thịt lợn rửa sạch cắt ra làm nhiều miếng (khoảng 3 lạng) sao cho đủ một bữa ăn. Sau đó, cứ mỗi khẩu thịt tôi lại cho vào 1 túi nilon, cất vào ngăn cấp đông của tủ lạnh.
Tương tự với thịt gà, cá mú, tôm tép,… tôi cũng làm y như vậy. Đến khi nấu chỉ cần bỏ ra rã đông, rất tiện lợi, sạch sẽ mà không mất nhiều thời gian vào chuyện chợ búa. Rau cỏ được chia ra từng bữa, để ngăn mát ăn dần.
Nhưng khi hàng xóm sang chơi, thấy gia đình tôi quanh năm ăn đồ đông lạnh, kể cả đồ ăn dặm cho con thì lập tức bảo tôi là ngu, dở hơi. Bởi, nhà tôi chỉ cách chợ chưa đầy trăm mét, ngoài chợ lại bày bán toàn đồ tươi ngon. Tính ra, mỗi lần đi chợ chắc chỉ hết khoảng 10 phút, sao mà phải chất đống trong tủ lạnh? Hơn nữa, đồ đông lạnh làm sao còn ngon ngọt như đồ tươi?
Thế nên, cuối tuần vừa rồi, nhà đang có khách, thấy tôi hỏi chồng tôi nay nấu món gì, bà Liên (hàng xóm nhà kế bên) bế cháu đứng trước cửa chơi liền nói: “Nhà có khách lại cho khách ăn đồ đông lạnh để cả tháng thế này hả Dương (tức là tôi)”?.
“Nhà cháu ăn đồ đông lạnh thì đã sao, rã đông xong nấu lên vẫn thơm ngon như thường, lại sạch sẽ” – tôi nói. Ấy thế mà, bà Liên quay sang nguýt một cái thật dài và mắng: “Con dở hơi, điên vừa thôi,… mình nhà mày mới ăn sạch chắc. Chúng tao ăn thịt tươi ngoài chợ chắc chết hết?”.
Đây là chuyện thường ngày tôi phải nghe gần đây. Nhiều người còn bảo ở Việt Nam mà tôi thích học làm sang, ăn đồ đông lạnh giống kiểu Tây,… nói thật chứ nghe xong tôi cũng ấm ức, chạnh lòng.
Nhưng kệ, chứ ra chợ mà nhìn các loại thịt lợn, thịt gà, thịt bò,… phơi nắng phơi mưa từ sáng tới trưa, ruồi muỗi bu vào miếng thịt khiến tôi cảm thấy rùng mình. Chưa kể, ngày hè oi nóng 35 – 40 độ C, mỗi lần đi qua mấy hàng thịt bày bán ngoài chợ, mùi thịt ôi thiu bốc lên.
Hôm trước, tôi lại đọc được bài báo nói về quy trình: Sau khi giết mổ trên dây chuyền công nghiệp, thịt lợn sẽ tự động chuyển vào khu làm mát từ 0 đến 4 độ, trong thời gian 8 – 12 tiếng mới pha lóc đóng khay thịt mát hoăc đóng gói thành sản phẩm đưa vào cấp đông.
Rõ ràng, tôi thấy làm như vậy là chuẩn, thịt không hề bị nhiễm bẩn như bày bán ở chợ, ai cũng có thể sờ tay vào, từ bà bán hàng đến người mua, rồi bàn phản năm này qua năm khác không được rửa, dao thớt cũng chưa chắc đã sạch,… nghĩ đến thôi mà tôi đã thất kinh.
Từ đó, tôi quyết không mua thực phẩm tươi ở chợ, kể cả có bị hàng xóm chửi điên, ngu khi trung thành với thực phẩm đông lạnh.
Theo VietnamNet
Nguồn: Health+
Chưa có bình luận.