Đang khỏe mạnh đột nhiên ăn uống khó khăn, sụt cân, khó thở… cụ ông 85 tuổi được điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhưng không hiệu quả. Nhiều xét nghiệm sau đó phát hiện nguyên nhân bệnh là nhiễm giun lươn.
Cụ ông được điều trị ở một bệnh viện lớn tại TP HCM khoảng 10 ngày với bệnh lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có suy hô hấp. Sau khi xuất viện 2 ngày, bệnh nhân nhập viện cấp cứu vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vì bệnh tái phát nguy kịch. Bệnh nhân ho, khó thở, nuốt đau, nuốt nghẹn, ngứa da, nôn ói sau ăn, mất nước và sụt cân nhanh, suy hô hấp nặng phải thở máy xâm lấn.
Từ phác đồ điều trị không có kết quả của bệnh viện trước, các bác sĩ quyết định làm các xét nghiệm và nội soi dạ dày thực quản tìm nguyên nhân gốc. Kết quả nội soi cho thấy nhiều nấm và nhiều ổ loét dạ dày thực quản. Tiếp tục lấy mẫu làm sinh thiết, soi trực tiếp mô sinh thiết, soi phân, xét nghiệm máu, hút đàm qua nội khí quản và các xét nghiệm khác đều cho kết quả nhiễm giun lươn. Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhân xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Đây là một trong những trường hợp nhiễm giun lươn nặng hiếm gặp.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Khoa Hồi sức Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết đa số dấu hiệu của bệnh nhân nhiễm giun lươn đều hướng đến bệnh lý khác, không có triệu chứng hoặc rất mơ hồ, khiến các thầy thuốc lâm sàng, nhất là nội tiêu hóa, hô hấp và da liễu, đôi khi nhầm lẫn dẫn đến chẩn đoán và điều trị không kịp thời. Y văn thế giới ghi nhận 80% bệnh nhân nhiễm giun lươn tử vong, nguyên nhân chủ yếu là vì chữa nhầm.
“Trường hợp này chúng tôi tự tin nói với người nhà nhất định ông cụ sẽ khỏi bệnh dù lúc đó sức khỏe bệnh nhân suy kiệt nặng. Tuy tỷ lệ tử vong vì giun lươn rất cao nhưng nếu phát hiện và điều trị đúng nhất định sẽ khỏi bệnh”, bác sĩ Huy phân tích.
Tất cả loại giun sán khác như giun đũa, giun móc, sán chó… đều không nguy hiểm bằng giun lươn. Kích thước giun lươn rất nhỏ chỉ khoảng vài chục micromet đến milimet, có thể tồn tại suốt đời trên vật chủ, khoang miệng và thân mang theo vô số vi trùng từ đường tiêu hóa. Vì nó quá nhỏ nên không nhìn được bằng mắt thường như các loại giun sán khác, không cần ra môi trường ngoài vẫn hình thành chu kỳ sinh trưởng phát triển trong cơ thể bệnh nhân, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong.
Việt Nam được xếp vào vùng nội dịch của giun lươn, tập trung nhiều ở Củ Chi, Thủ Đức, Hóc Môn, Long An, Bình Dương, Bình Phước… Khi tiếp xúc với đất chứa ấu trùng giun lươn, ấu trùng sẽ đi xuyên qua da vào máu, đường hô hấp, tiêu hóa, sau đó sinh sôi nảy nở và di chuyển khắp mọi nơi trong cơ thể.
Nếu vật chủ (người nhiễm giun lươn) miễn dịch tốt thì không hoặc ít có triệu chứng. Khi hệ miễn dịch yếu đi, giun lươn lập tức bùng phát tấn công vật chủ, dẫn đến hội chứng tăng nhiễm giun lươn (Hyperinfection) và nhiều vi trùng mang theo gây ra bệnh cảnh nhiễm trùng nặng. Nó có thể tiến vào đường thở gây viêm phổi làm suy hô hấp, tiến vào hệ tiêu hóa gây buồn nôn, nuốt đau rát, rối loạn tiêu hóa, mất nước, sụt cân, thiếu máu… có thể gây tăng đường huyết, rối loạn điện giải, suy đa tạng, biểu hiện tổn thương da, giả u đường tiêu hóa, suy kiệt nặng… rất dễ nhầm lẫn nhiều bệnh lý của các chuyên khoa khác nhau.
Đa phần bác sĩ đều tập trung điều trị các triệu chứng các bệnh lý khác của người bệnh, chứ không nhận ra bệnh nhân bị nhiễm giun lươn nặng. Do đó, sau khi điều trị hết nhiễm trùng và các rối loạn khác nhưng bệnh vẫn không khỏi, bệnh nhân vẫn tái nhiễm trong thời gian rất ngắn. Do các vi khuẩn gốc bám trên giun lươn vẫn còn tồn tại, nó sẽ tiếp tục gây bệnh cho đến khi người bệnh tử vong.
“Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có chỉ định dùng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc corticoid, thuốc điều trị ung thư thì nên tầm soát luôn giun lươn vì có nguy cơ bùng phát bệnh giun lươn nặng”, bác sĩ Huy khuyến cáo.
Hình ảnh giun lươn của bệnh nhân dưới kính hiển vi
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.