Thứ Hai, 30/01/2017 | 06:30

Những món ăn quen thuộc trong ngày Tết có thể đầu độc gia đình bạn nếu không biết chọn mua tại những địa chỉ tin cậy.

Ô mai, mứt, giò, chả, nem chua hay măng đều là những món không thể thiếu trong ngày Tết. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, những độc tố có trong chúng có thể gây hại cho sức khỏe của người ăn.

Ô mai, mứt

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết trái cây sau khi ngâm muối và sấy ở nhiệt độ cao hầu như đã mất hết chất dinh dưỡng. Do đó, ô mai chỉ như một món ăn vặt, ăn để vui là chính. Ngoài ra, ô mai chứa một lượng muối rất lớn, trong khi lượng muối được khuyến cáo từ 2-4 g một ngày. Món ăn này sẽ không tốt cho cơ thể nếu tiêu thụ quá nhiều.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng khuyến cáo nên tránh các loại ô mai, xí muội, mứt nhuộm phẩm màu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhất là các sản phẩm có màu sắc sặc sỡ, lạ mắt. Màu sắc này là do người sản xuất sử dụng phụ gia như chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất tẩy nấm mốc, chất tẩy trắng, sát trùng, để phòng thối rữa, chống chảy nước, mốc, rất độc hại cho người ăn.

Bạn chỉ nên mua ô mai tại những cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, thành phần rõ ràng.

4 món ăn phổ biến ngày Tết cần lưu ý khi dùng

Quá trình làm ô mai mất vệ sinh tại Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: HQ.

Giò chả chứa nhiều chất gây hại

Giò, chả là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết. Tuy nhiên, nếu không lựa chọn giò, chả cẩn thận, người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc hàn the. Đây là hóa chất thường được cho vào giò, chả mục đích tạo độ giòn, dai.

Hàn the khi xâm nhập vào cơ thể với liều lượng cao sẽ gây ngộ độc cấp. Còn với liều lượng nhỏ, chúng sẽ tích tụ và gây ngộ đôc gan, thận, rất nguy hiểm cho cơ thể.

Măng tươi, mang khô đều “ngậm” hóa chất

PGS Thịnh cảnh báo măng tươi có thể gây ngộ độc cấp tính bởi độc tố cyanide tự nhiên. Dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến thành axit cyanhydric (HCN), gây hại cho cơ thể.

Theo thống kê, khoảng 100 g măng tươi có 32-38 mg HCN. Với liều 50-60 mg (tức vào khoảng 200 g măng), HCN sẽ gây chết người, bắt đầu với các triệu chứng khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật, ngừng thở…

Tuy nhiên, HCN có tính chất hoà tan trong nước và dễ bị bay hơi khi đun nóng.

Với măng khô, để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp hơn, nhiều cơ sở làm măng khô đã sử dụng lưu huỳnh trong quá trình sấy. Đây là hoá chất độc hại không được phép sử dụng trong thực phẩm. Nếu bị ngộ độc cấp tính, người ăn sẽ có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu, tức ngực, thậm chí nhiễm độc máu. Về lâu dài, các hóa chất này có thể gây ngộ độc trường diễn và không tránh khỏi nguy cơ ung thư.

PGS Thịnh khuyến cáo người dân cần chọn mua măng khô tại những địa chỉ tin cậy, đảm bảo. Trước khi sử dụng, măng khô cần được rửa thật kỹ bằng nước sạch, có thể ngâm bằng nước ấm hoặc nước gạo một đêm. Bạn nên luộc măng sau đó thay nước 2-3 lần, mỗi lần 30 phút. Không sử dụng măng đã bị hỏng, mốc để chế biến thức ăn.

Nem chua

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh – Phòng khám Chuyên khoa Ký sinh trùng Sài Gòn – cảnh báo nem chua chỉ là món thịt tái, không được đun nấu kỹ nên người ăn rất dễ nhiễm sán dây lợn khi ăn phải thịt lợn gạo (là loại lợn trong cơ có chứa các nang ấu trùng sán).

Người bệnh bị nhiễm ấu trùng sán lợn, tùy vào vị trí ký sinh, chúng gây ra những biến chứng khác nhau. Kén sán có thể trong ổ mắt làm lồi nhãn cầu gây lác, nhìn đôi, đặc biệt làm bong võng mạc gây giảm thị lực, có thể gây mù.

Ấu trùng ký sinh ở cơ tim gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến van tim tiến tới suy tim. Ở não, tuỳ theo từng giai đoạn phát triển của kén, chúng sẽ gây ra mức độ biểu hiện thần kinh khác nhau như nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ. Các trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Vì vậy, bạn nên chọn các cơ sở cung cấp nem chua đáng tin cậy về nguồn gốc, quá trình chế biến và hạn sử dụng. Tốt nhất, bạn nên hạn chế ăn món này cũng như các thực phẩm tái.

Hà Quyên
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook