Thứ Bảy, 24/10/2015 | 09:03

Người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thường gặp những biến chứng nguy hiểm như: bệnh mạch vành – gây nhồi máu cơ tim; bệnh mạch máu não – gây đột quỵ

Người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thường gặp những biến chứng nguy hiểm như: bệnh mạch vành – gây nhồi máu cơ tim; bệnh mạch máu não – gây đột quỵ; bệnh mạch máu ngoại vi, trong đó hay gặp nhất là bệnh mạch máu chi dưới – gây hoại tử dẫn đến phải cắt cụt chi. ĐTĐ gây tổn thương mạch máu nhỏ, mà hay gặp nhất là gây mù lòa, bệnh lý cầu thận, hủy hoại các dây thần kinh. Bệnh còn tạo cơ hội cho các bệnh nhiễm khuẩn phát triển và làm cho các bệnh lý này nặng lên. ĐTĐ còn là một trong những nguyên nhân gây bất lực ở nam giới.

Theo Đông y, đái tháo đường còn gọi chứng tiêu khát, phát sinh chủ yếu do các nguyên nhân như bẩm thụ tiên thiên bất túc, ẩm thực bất điều (ăn uống bất hợp lý), tình chí thất điều (yếu tố tâm thần kinh), ngoại cảm lục dâm (yếu tố môi trường, nhiễm khuẩn), cửu phục đan dược (dùng thuốc bất hợp lý), trường kỳ ẩm tửu, phòng lao bất điều (tửu sắc và lao lực quá độ)… làm rối loạn công năng các tạng phủ, trong đó đặc biệt là ba tạng: tỳ, phế và thận, từ đó mà phát sinh tiêu khát. Biểu hiện chủ yếu của đái tháo đường là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và sút cân nhanh. Để điều trị, bên cạnh việc dùng thuốc, chế độ ăn uống, có thể sử dụng các liệu pháp như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, dược thiện, trà dược, tập luyện khí công dưỡng sinh… Chúng tôi xin giới thịệu phương pháp tự xoa bóp hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường để bạn đọc tham khảo áp dụng.

Xoa bóp hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường

Vị trí huyệt:

– Tụy du: Cách đốt sống lưng thứ 8 sang 2 bên 1,5 tấc.

-Phế du: Bắt chéo bàn tay vòng qua cổ sang phía lưng đối diện, huyệt nằm ở đầu ngón tay giữa, cách đường trục giữa cột sống lưng 1,5 tấc.

– Tỳ du: Cách đốt xương sống thứ 11, sang hai bên 1,5 tấc.

– Thận du: Dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng 2 sang hai bên 1, 5 tấc.

– Đan điền: Còn gọi là huyệt quan nguyên, dưới rốn 3 tấc.

– Túc tam lý: Huyệt nằm ở mắt đầu gối 3 tấc và cách bờ xương ống chân về phía ngoài 1 tấc.

-Thái khê: điểm giữa đường nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót, khe giữa gân gót chân ở phía sau.

Day huyệt tụy du: Vòng tay ra sau lưng, dùng ngón giữa tay phải bấm vào huyệt tụy du bên trái 1 – 2 phút. Sau đó đổi tay, dùng ngón giữa tay trái bấm vào huyệt tụy du bên phải 1 – 2 phút.

Day huyệt phế du: dùng ngón giữa tay phải day huyệt phế du bên trái 1 – 2 phút. Sau đó đổi tay dùng ngón giữa tay trái day huyệt phế du bên phải 1 – 2 phút.

Day huỵêt tỳ du: hai tay vòng ra sau lưng nắm thành quyền, hai ngón tay cái ấn vào huyệt tỳ du (phải, trái) day trong 1 – 2 phút.

Day huyệt thận du: hai tay vòng ra sau lưng nắm lại thành quyền, dùng gồ xương hai ngón tay cái ấn vào huyệt thận du (phải, trái), day trong 1 – 2 phút.

Xoa vùng đan điền: dùng lòng bàn tay xoa vùng đan điền khoảng 3 phút.

Day huyệt túc tam lý: dùng ngón tay cái day huyệt túc tam lý mỗi bên 1 phút.

Day huyệt thái khê: Đùng ngón tay cái day huyệt thái khê mỗi bên 1 – 2 phút.

Trong bài, huyệt tụy du có tác dụng điều tiết công năng của tuyến tụy. Huyệt phế du, tỳ du, thận du để thanh tiết tà nhiệt ở tam tiêu. Huyệt túc tam lý (huyệt hợp của vị), thái khê (nguyên huyệt của thận) để điều hoà khí ở 3 kinh phế, tỳ, thận. Huyệt quan nguyên để bổ chân nguyên.

Lưu ý: khi thấy các triệu chứng bất thường như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân thì nên đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết để khám và làm các xét nghiệm cần thiết, đặc biệt khi thấy cảm giác kiến bò, kim châm ở đầu chi thì phải đi khám ngay. Bệnh có tính chất mạn tính và có thể gây nhiều biến chứng do đó phải sắp xếp lại mọi sinh hoạt, thói quen ăn uống và cách sống phù hợp.

Lương y Đình Thuấn

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook