Thứ Tư, 25/05/2016 | 06:43

Thời xưa y học chưa phát triển bằng hiện nay, mức sống cũng thấp hơn nên tuổi thọ trung bình của người xưa thấp hơn người ngày nay, có thể thấy qua lời than của đại thi hào Đỗ Phủ “nhân sinh thất thập cổ lai hi.”

Thế nhưng trong giới cao tăng, người sống thọ ngoài 70 tuổi lại khá phổ biến. Vì sao họ có thể sống thọ hơn người thường như thế?

Trong giới cao tăng, người sống thọ ngoài 70 tuổi chiếm tỷ lệ cao. (Ảnh: Internet)

Tuổi thọ trung bình của cao tăng cao hơn người thường

Từng có nghiên cứu về tuổi thọ của giới cao tăng và của các Hoàng đế, chỉ ra tuổi thọ trung bình của giới cao tăng sống gian khổ cao hơn của giới Hoàng đế sống sung sướng. Có nhiều nguyên nhân giúp họ sống trường thọ, nhưng nguyên nhân chính là do yếu tố Thiền định.

Thiền định

Giới, Định, Tuệ là nội dung quan trọng của Đạo Phật, trong đó “Định” chính là Thiền định, cách gọi thông tục là “hòa thượng tĩnh tọa”, tương truyền ông tổ Thiền tông là Bồ Đề Đạt Ma từng ngồi tĩnh tọa 9 năm tại Thiếu Lâm Tự trên Tung Sơn, sống thọ hơn 150 tuổi. Thầy tu trong quá trình tĩnh tọa đã dùng một số phương pháp điều hòa cơ thể, hơi thở, giống như luyện khí công. Có lẽ vì thế mà họ hiếm khi bệnh tật, cơ thể khỏe mạnh, tuổi thọ kéo dài.

Thiền định (còn gọi là ngồi thiền) giúp con người trừ tạp niệm và tư dục, minh tâm kiến tính, trí tuệ sáng suốt, nhưng quá trình Thiền định cũng có hiệu quả trị bệnh, giúp kéo dài tuổi thọ, thân tâm yên ổn. Vì tu luyện Thiền định, một là giúp khắc chế những mê hoặc của thất tình lục dục, giúp tinh thần chuyên tâm, lòng thanh thản nên tâm trí sáng ra, giải trừ muôn vàn phiền não và vọng tưởng, nghĩa là giúp giải trừ tâm bệnh; hai là giúp trị bệnh khỏe người, nhờ đó kéo dài tuổi thọ.

Tinh thần yên ổn giúp chống lại bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. (Ảnh: Internet)

Thiền định cũng là cách dưỡng sinh hiệu quả, có thể lý giải theo quan điểm của Trung y như nhận định trong “Hoàng đế nội kinh”: “Điềm tĩnh là cái gốc của chân khí; tinh thần yên ổn, bệnh khó xâm nhập.” Còn Thiền định giúp đem đến nội tâm điềm tĩnh, khắc chế tà niệm, rất có ích trong điều chỉnh thân tâm, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể. Từ thực tiễn tuổi thọ của các vị cao tăng đã chứng minh: Sinh mệnh không chỉ nằm ở vận động, nhưng “tĩnh tọa hư vô” càng quan trọng hơn.

Ăn chay

Giới tu hành Phật giáo áp dụng cách ăn chay. Thức ăn thông thường là ngũ cốc, đậu, rau, trái cây, nấm, măng,… dùng dầu thực vật nấu nướng. Thức ăn giàu vitamin, protein thực vật, tinh bột và cellulose, không gây lipid trong máu cao, ngăn ngừa bệnh tim mạch, cholesterol cao và nhiều loại bệnh tật thông thường khác. Người ta từng kiểm tra độ nhớt máu của các thầy tu ăn chay và phát hiện độ nhớt máu của họ thấp hơn so với những người ăn mặn. Chúng ta biết rằng, người có độ nhớt máu cao dễ bị bệnh về tim phổi, mạch vành tim, cao huyết áp. Đây là những bệnh nguy hiểm, đặc biệt đối với tuổi già.

Hạn chế tửu sắc

Trong “ngũ giới” của Phật giáo có “không uống rượu”, “không tà dâm”. Về uống rượu, có quan điểm cho rằng, uống ít có lợi cho sức khỏe, chỉ uống quá độ mới hại sức khỏe. Uống nhiều bia rượu dễ gây các bệnh lở loét, sơ gan, giảm trí nhớ. Sử sách cũng ghi lại, cao tăng Phật Đồ Trừng (佛图澄, 232 – 348) thời Đông Tấn (317 – 420) giữ nghiêm giới luật, cả đời không uống rượu, quá giờ ngọ không ăn, sống được 117 tuổi. Phật giáo chủ trương diệt dục, nghiêm cấm chuyện luyến ái nhục dục, vì thế người xuất gia không được lấy vợ sinh con. Nhờ tiết dục mà họ không bị hao tổn tinh lực. Khoa học cũng chứng minh việc uống rượu và ăn mặn là nguyên nhân làm tăng dục tính. Vì thế ăn chay và hạn chế uống rượu cũng là cách hỗ trợ nếu muốn “tiết dục” để kéo dài tuổi thọ.

Tính cách điềm đạm

Nhiều cao tăng thấu hiểu chuyện hồng trần, họ “đi ra ngoài tam giới, không ở trong ngũ hành,” xem nhẹ danh lợi, nhờ đó gặt hái nhiều thành tựu trong tu tâm dưỡng tính, giỏi kiềm chế bản thân, khi gặp trắc trở không hoảng loạn, không vui buồn thất thường, biểu hiện ra tính cách là thái độ ôn hòa, đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp các cao tăng trường thọ.

Lao động và vận động

Đạo Phật ở Trung Quốc có khẩu hiệu “ngày nào không làm, ngày đó không ăn,” yêu cầu mọi thầy tu phải tham gia lao động. Thực tiễn chứng minh, hoạt động thể lực giúp tăng tuần hoàn máu, giảm mỡ máu và đường trong máu.

Tóm lại, những cao tăng được ghi vào sử sách đều là những người đức cao vọng trọng, họ tuân thủ giới luật, chuyên tâm Thiền định, dưỡng tâm luyện tính, cộng thêm lối sống hài hòa theo đúng quy luật, lao động vừa sức và sống trong môi trường không khí trong lành nên bảo vệ tốt thân tâm, giúp tuổi thọ kéo dài.

Theo Secretchina
Tinh Vệ biên dịch

Nguồn: ĐKN

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook