Ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, thời tiết thay đổi bất thường sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể trẻ. Bố mẹ nên vệ sinh sạch sẽ và đúng cách tai mũi họng cho trẻ để phòng tránh bệnh.
Các bệnh thường gặp về tai mũi họng
Tai là bộ phận giác quan của con người, dùng để nghe các âm thanh cuộc sống. Có rất nhiều bệnh ở tai như viêm tai ngoài, viêm tai giữa, ù tai…
Mũi là bộ phận khứu giác của con người, dùng để thở và ngửi. Có rất nhiều bệnh ở mũi như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, dị tật vách ngăn…
Họng là bộ phận quan trọng của đường ăn và thở. Họng là một khoang trống gồm 3 đoạn: đoạn trên nối liền với cửa mũi gọi là họng mũi; đoạn giữa nối với cửa miệng, kéo dài đến màng hầu và lưỡi gà gọi là họng miệng; họng dưới nối liền với thực quản và thanh quản gọi là họng thanh quản. Các bệnh thường gặp ở họng như viêm họng cấp, viêm họng hạt, viêm V.A, viêm amidan…
Để không bị bệnh, trẻ nhỏ cần được vệ sinh tai, mũi, họng sạch sẽ và đúng cách. Thời điểm vệ sinh tai, mũi, họng tốt nhất là buổi sáng sau khi ngủ dậy, buổi chiều sau khi tắm rửa và buổi tối trước khi đi ngủ. Trường hợp tai, mũi, họng của trẻ bình thường, chỉ cần làm vệ sinh 1 lần/ngày. Với những trẻ tai mũi họng bị bệnh, số lần làm vệ sinh hàng ngày cần tăng lên.
Cách vệ sinh tai mũi họng đúng cho trẻ
Cách vệ sinh tai
+ Trong lúc tắm, bố mẹ dùng khăn mềm thấm ướt nước, lau sạch vành tai trong và ngoài. Khi tắm xong, bố mẹ cần chuẩn bị bông tăm đã tiệt trùng loại dành cho trẻ nhỏ, thấm ướt đầu bông bằng nước muối sinh lý, sau đó tiến hành lau nhẹ nhàng ống tai bên ngoài để lấy đi bụi bẩn, vi khuẩn gây bệnh;
+ Vì cấu tạo của tai rất phức tạp, khi làm vệ sinh cho trẻ, bố mẹ không nên thọc sâu dụng cụ vệ sinh vào bên trong, dễ làm tổn thương tai dẫn đến viêm nhiễm. Hơn nữa, nếu tai trẻ có ráy, việc thọc sâu này sẽ đẩy ráy tai vào bên trong, dẫn đến bít tắc, ù tai, nghe kém;
+ Bố mẹ nên đưa trẻ đến phòng khám tai mũi họng để lấy ráy tai bằng những dụng cụ y tế chuyên khoa.
Cách vệ sinh mũi
+ Bố mẹ cần chuẩn bị bông tăm y tế đã tiệt trùng loại dành cho trẻ nhỏ, nước muối sinh lý;
+ Sau khi tắm, bố mẹ nhỏ mỗi bên mũi trẻ từ 1 đến 2 giọt nước muối sinh lý. Sau đó, thấm ướt đầu bông tăm bằng nước muối sinh lý, lau nhẹ nhàng phần trong cánh mũi để lấy đi bụi bẩn, vi khuẩn gây bệnh;
+ Vào mùa lạnh, bố mẹ cần ủ ấm nước muối sinh lý rồi mới nhỏ vào mũi trẻ.
+ Bên trong mũi có cấu tạo phức tạp, lớp niêm mạc nhạy cảm, bố mẹ không nên lau quá nhiều hay quá sâu dễ gây xước dẫn đến viêm nhiễm.
Cách vệ sinh họng
+ Sau khi ăn, trẻ phải xúc miệng bằng nước để loại bỏ thức ăn thừa bám ở răng và họng. Trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy, trẻ phải đánh răng, xúc miệng và họng bằng nước muối ấm sạch pha loãng;
+ Vào mùa lạnh, trẻ phải được giữ ấm cơ thể, đặc biệt là cổ để họng không bị nhiễm lạnh. Nếu họng bị nhiễm lạnh sẽ là nguyên nhân gây viêm, đau họng;
+ Khi ngủ, bố mẹ nên cho trẻ quàng khăn ở cổ để giữ ấm. Chất liệu khăn quàng cổ mềm, thấm mồ hôi, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông;
+ Bố mẹ luôn quan sát, nhắc nhở trẻ uống đủ nước trong ngày. Cho trẻ uống nước ấm vào mùa lạnh, nước mát vào mùa nóng.
Tai mũi họng là ba bộ phận thông với nhau trên cơ thể con người. Nếu một trong ba bộ phận này bị nhiễm bệnh, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của bộ phận khác. Tai mũi họng cũng là nơi khởi phát nhiều bệnh qua đường ăn, uống, thở. Vì vậy, bố mẹ cần vệ sinh sạch sẽ, đúng cách tai, mũi, họng để phòng tránh bệnh cho con.
Thùy Lê
Nguồn: congioilam.com
Chưa có bình luận.