Thứ Tư, 09/05/2018 | 11:00

Tử uyển là rễ và tua rễ của cây tử uyển (Aster tataricus L.), thuộc họ cúc (Asteraceae). Theo Đông y, tử uyển vị cay, đắng, tính ôn; vào kinh phế. Có tác dụng hóa đàm chỉ khái.

Chữa các chứng ho do phong hàn, phế nhiệt, ho do phế hư lao. Liều dùng: 4 – 12g.

Tử uyển được dùng làm thuốc trị các chứng:

Chữa ho do phong hàn: Dùng cho các chứng ho, hen suyễn do lạnh (phong hàn), đờm kéo khò khè trong họng.

Bài 1: Thuốc bột chữa ho: tử uyển 12g, bách bộ 12g, bạch tiền 12g, cát cánh 8g, kinh giới 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống. Chữa ho mới phát do cảm mạo.

Bài 2: Xạ can ma hoàng thang gia giảm: xạ can 6g, ma hoàng 10g, gừng tươi 4g, tế tân 12g, tử uyển 12g, khoản đông hoa 12g, ngũ vị tử 8g, bán hạ chế 8g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng chỉ khái, khoát đàm. Trị chứng ho khí cấp, đờm khò khè trong họng

Bài 3: Lãnh háo thang: ma hoàng 10g, hạnh nhân 10g, tế tân 6g, cam thảo 4g, thần khúc 12g, tử uyển 12g, bạch phàn 0,2g, bạch truật 12g, bán hạ chế 6g, hắc phụ chế 12g, xuyên tiêu 8g, gừng sống 6g, tạo giác 2g, khoản đông hoa 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị hen phế quản thể hàn, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang

Tử uyển - Vị thuốc hóa đàm, chỉ kháiTử uyển.

Chữa ho do phế nhiệt:

Bài 1: tử uyển 12g, bách bộ 12g, cát cánh 8g, mạch môn 8g, kinh giới 8g, trần bì 6g, cam thảo 6g. Chữa ho hen có đờm khò khè.

Bài 2: tử uyển 12g, bách bộ 12g, ô mai 12g, bạch tiền 12g, tỳ bà diệp 8g, khổ hạnh nhân 8g, thanh đại (sắc bao) 4g, tiền hồ 12g. Sắc uống. Chữa ho lâu ngày, không sốt.

Chữa ho do phế hư:

Bài 1: Thang tử uyển: tử uyển 12g, tri mẫu 12g, a giao 12g, đảng sâm 12g, phục linh 12g, bối mẫu 8g, cát cánh 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Chữa lao phổi, ho do yếu mệt (âm hư), ho ra đờm có lẫn máu.

Bài 2: tử uyển 10g, khoản đông hoa 10g, thổ bối mẫu 10g, hạnh nhân 10g, cát cánh 10g, cam thảo 3g. Chữa ho lâu ngày, viêm phế quản mạn tính.

Bài 3: tử uyển 12g, ngũ vị tử 10g, tang bạch bì 10g, thục địa 10g, đảng sâm 10g, hoàng kỳ 10g. Sắc uống. Chữa cơ thể suy nhược do phế hư.

Kiêng kỵ: Người mắc các chứng ho khan do âm hư hỏa vượng, ho ra máu và ho do thực nhiệt không được dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook