Tuyệt đối không tự ý cho bé uống thuốc hay tắm nước lá khi bị rôm sảy bởi nó có thể gây phản tác dụng.
Thời tiết nóng nực khiến tình trạng trẻ bị rôm sảy diễn ra ngày càng nhiều. Con gái chị Thu Huyền (Long Biên, Hà Nội) được 1 tuổi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Vừa mới vào hè, bé đã mọc rôm sẩy khắp người, từ cổ, ngực, tay, sau lưng, chỗ nào cũng dày đặc khiến bé lúc nào cũng ngứa ngáy, khó chịu.
Ảnh minh họa |
Nhìn những mảng rôm nổi mẩn đỏ trên người bé, chị Huyền sốt ruột: “Mình tham khảo rất nhiều cách chữa của các mẹ trên mạng, từ việc uống nước này, nước kia đến việc tắm nước lá cho bé, thoa phấn rôm nhưng tình trạng không thuyên giảm. Lúc nào cũng thấy bé gãi, nước chảy ra, xót bé lại khóc. Mình đi làm cũng không yên, cứ một vài tiếng lại gọi điện về hỏi tình trạng của con một lần. Không biết con bé có chịu nổi qua mùa hè nóng nực này không nữa”
Biết là rôm sảy gây ra do nóng và nó sẽ tự khỏi, nhưng tình trạng của bé ngày một nghiêm trọng và kéo dài khiến chị Huyền không còn cách nào khác là đưa bé đến bệnh viện để khám. Điều chị không ngờ đến là bé bị nhiễm trùng da thì được bác sĩ cho biết bé bị nhiễm trùng da.
Mụn nhọt, lở loét, nhiễm trùng…
Trao đổi với phóng viên SKGĐ về căn bệnh phổ biến của trẻ trong mùa hè này, PGS. TS, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: “Rôm sảy là từ dân gian, còn trong y học nó được gọi là ban nhiệt, để chỉ những mụn nước xuất hiện trên những vùng da hở như mặt, ngực, tay, trán, lưng… làm cho trẻ ngứa ngáy khó chịu. Căn bệnh này xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ vào mùa nóng, do trẻ sinh hoạt ăn uống ở trong môi trường nóng”.
PGS. TS, BS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, Hà Nội) |
Không chỉ vậy, theo bác sĩ Dũng, chính việc thường xuyên đóng bỉm, mặc quần áo không thoáng mát, vệ sinh không sạch sẽ…, khiến lỗ chân lông bị bịt kín cũng là nguyên nhân làm gia tăng rôm sảy ở trẻ. Dù là bệnh không gây nguy hiểm và có thể tự khỏi nhưng nếu không được điều trị sớm mà để kéo dài khiến bé gãi nhiều, không vệ sinh sạch sẽ thì có thể gây nguy hiểm cho trẻ như: mụn nhọt, lở loét, thậm chí nhiễm trùng da hay nhiễm trùng huyết. Do đó, ngay khi bé có dấu hiệu rôm sảy do thời tiết nóng, các mẹ cần có biện pháp làm mát cho trẻ để giảm nhanh tình trạng bệnh, tránh hậu quả khó lường.
Không nên tắm nước lá
Là bệnh lành tính, có thể tự khỏi nên nhiều bà mẹ đã tìm cách chữa cho bé bằng những cách dân gian như đắp lá, tắm nước lá… Tuy nhiên, bác sĩ Dũng khuyến cáo: “Không nên tắm nước lá, bởi cách này không có tác dụng trị bệnh cho bé. Nếu tắm thì chỉ cần tắm mát thông thường là được. Các mẹ cũng tuyệt đối không tự ý cho bé uống bất cứ loại thuốc nào để tránh phản tác dụng. Cách chữa tốt nhất là để bé sống trong môi trường mát, lạnh, mặc quần áo mát là bệnh sẽ tự khỏi.”
Đồng thời, bác sĩ Dũng cho biết, khi bé bị rôm sảy tránh để bé gãi có thể gây nhiễm trùng, nếu đã làm mát cho bé, để bé sống trong môi trường mát mẻ mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm thì nên đưa bé tới các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Để bé không bị rôm sảy
Cho bé uống đủ nước: Uống đủ nước giúp cơ thể thanh nhiệt, làm mát, từ đó hạn chế và ngăn ngừa rôm sảy. Các mẹ có thể cho bé uống các loại nước như sắn dây, đỗ đen, cam để thanh nhiệt và cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
Vệ sinh sạch sẽ, tắm cho bé thường xuyên: Đặc biệt là mùa hè, hãy tắm thường xuyên cho bé để giúp cơ thể mát mẻ, các lỗ chân lông được thông thoáng, da sạch sẽ.
Để bé ở nơi thoáng mát: Đây là yếu tố quan trọng ngăn ngừa rôm sảy cho bé. Hãy để bé sống trong môi trường thoáng mát, nên cho bé mặc những quần áo có vải mỏng, sợi rộng thoáng, thấm mồ hôi để lỗ chân lông không bị bịt kín.
Cẩn thận khi lựa chọn phấn rôm: Sử dụng phấn rôm kém chất lượng hoặc sử dụng quá nhiều trong mùa hè cũng là nguyên nhân gây rôm sảy. Vì thế, các mẹ nên lưu ý lựa chọn loại phấn rôm chất lượng, đồng thời hạn chế tối đa sử dụng.
An Bình
Chưa có bình luận.