Thứ Sáu, 20/05/2016 | 17:31

Khi nhà có trẻ nhỏ, việc nuôi chó mèo cũng tiềm ẩn một số nguy cơ mà bố mẹ cần hết sức cẩn thận.

Bi kịch trẻ tử vong vì bị chó, mèo dại tấn công

Chó mèo là những vật nuôi quen thuộc trong gia đình người Việt. Tuy nhiên, chúng có thể là ổ chứa virus bệnh dại gây nguy hiểm cho con người, đặc biệt là trẻ nhỏ do các bé chưa nhận thức được nguy cơ nhiễm bệnh từ các con vật này.

Vào đầu tháng 5, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận bệnh nhi H.V.H., 11 tuổi, bị nhiễm bệnh dại do mèo cào. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bé H. vẫn không qua khỏi và tử vong ngay ngày hôm sau.

Trẻ bị chó, mèo cắn: Đừng để sự chủ quan của người lớn gây hậu quả đáng tiếc

Vết mèo cào trên lưng bệnh nhi H.V.H.

Theo gia đình, bé H. trước đó 3 tháng bị mèo nhà hàng xóm cào vào lưng nhưng không nói cho gia đình biết. Trước khi nhập viện 1 ngày, bé bị mệt, không ăn uống được, rất sợ gió và thường rùng mình nhiều lần. Gia đình đưa cháu tới BVĐK tỉnh để khám và điều trị thì mới biết con bị nhiễm virus dại từ mèo.

Đây không phải là trường hợp duy nhất trẻ bị nhiễm bệnh dại từ thú nuôi trong nhà. Vào tháng 1, cháu Nguyễn Thị Thanh Th (10 tuổi), ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn cũng bị chó hàng xóm cắn. Gia đình chủ quan không đưa con đi tiêm nên sau đó, bé bắt đầu có triệu chứng lên cơn sốt, rồi gặp ai cũng cắn, cào cấu. Cuối cùng, bé lên cơn dại và tử vong. 5 thành viên trong gia đình bị bé Th. cắn, cào cấu sau đó cũng phải đi tiêm phòng dại.

Theo các chuyên gia, mùa nắng nóng là thời điểm bệnh dại thường tăng cao. Số ca tử vong do bệnh dại thường gặp chủ yếu ở nông thôn, nơi chó hay thả rông và không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn, cào nhưng lại chủ quan không đi tiêm phòng, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Trong số các ca bị bệnh dại do chó, mèo có nhiều nạn nhân là trẻ nhỏ. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo những gia đình có trẻ nhỏ không nên nuôi chó, mèo, hoặc khi nuôi phải tiêm phòng, xích thú nuôi cẩn thận.

Những sai lầm tuyệt đối cần tránh khi bị chó, mèo cắn

Không tiêm phòng: Tiêm phòng là cách tốt nhất để đối phó với bệnh dại nhưng nhiều người lại chủ quan không tiêm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Trên thực tế, hầu hết các ca tử vong vì bệnh dại đều bỏ qua việc phòng bệnh.

Trẻ bị chó, mèo cắn: Đừng để sự chủ quan của người lớn gây hậu quả đáng tiếc

Ảnh minh họa.

Nhờ thầy lang: Nhiều người khi bị chó, mèo cắn lại đến nhờ thầy lang kiểm tra xem vết thương có phải là do bị vật nuôi dại cắn hay không. Tuy nhiên, chỉ nhìn vết thương ban đầu không thể xác định được điều này mà cần phải kiểm tra tại bệnh viện, trung tâm y tế. Nếu bỏ lỡ giai đoạn đầu điều trị bị chó, mèo dại cắn thì nguy cơ tử vong rất cao.

Chủ quan vì là chó, mèo nhà: Bệnh dại không chừa bất kỳ chó, mèo nào, dù đó là vật nuôi. Vì vậy, khi bị động vật cắn, cần phải xử lý vết thương và đi khám ngay.

Trẻ bị chó, mèo cắn, xử lý như thế nào?

Trẻ bị động vật dại cắn có biểu hiện cơ thể đau nhức, sưng tấy tại vết cắn, kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức. Người trẻ sau đó bị co cứng, co thắtcơ thực quản và hô hấp, sợ nước, sợ gió, giãn đồng tử, hạ huyết áp, có phản ứng dữ tợn. Khi bị chó, mèo dại cắn thì thời gian ủ bệnh có thể tới 6 tháng hay 1 năm. Tuy nhiên, trường hợp bị cắn ở mặt, cổ, tay có thể chỉ sau 10 ngày là phát bệnh.

Trẻ bị chó, mèo cắn: Đừng để sự chủ quan của người lớn gây hậu quả đáng tiếc

Cần xử lý đúng cách khi bị chó, mèo cắn. Ảnh minh họa.

Yếu tố quyết định sống còn trong trường hợp trẻ bị chó, mèo cắn là cần phải xử lý đúng cách, kịp thời theo các bước sau:

– Dùng xà phòng rửa sạch vết thương của trẻ, nên xả nước mạnh vào vết thương trong khoảng 5 phút.

– Dùng dung dịch sát khuẩn cồn 70 độ hoặc dung dịch cồn iod để sát trùng vết thương.

– Băng hờ vết thương bằng gạc sạch. Tránh băng vết thương quá kín.

– Đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế càng sớm càng tốt để bác sĩ điều trị.

– Các bác sĩ sẽ xem xét vết thương, tình trạng của trẻ và cả vật nuôi để xem xét có tiêm vắc-xin dại hay tiêm ngừa uốn ván cho bé hay không.

– Trong quá trình điều trị cho trẻ, người nhà cũng cần theo dõi thú nuôi trong vòng 10 – 14 ngày xem chúng có phát bệnh dại hay không để có cách xử lý kịp thời.

Dương Thùy

Mọi ý kiến đóng góp, bài vở, hình ảnh, clip đồng hành cùng Chiến dịch “Chống thực phẩm bẩn” xin quý vị vui lòng gửi về địa chỉ:

Tòa soạn Emdep.vn

Địa chỉ: Tầng 3- Tòa nhà Đại Phát – Ngõ 82 Duy Tân – Hà Nội

Điện thoại: 0437959783

Email: toasoan@emdep.vn,banbientap@i-com.vn

Hotline:0914926900

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook