Ngày nay vẫn có nhiều bà mẹ mắc phải những cách chăm sóc trẻ sơ sinh sai lầm gây hại cho bé. Cùng điểm lại những cách chăm sóc trẻ sơ sinh sai lầm nhé.
Sinh con là niềm hạnh phúc ngọt ngào mà bất cứ người phụ nữ nào cũng muốn ít nhất được 1 lần trải nghiệm. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh đúng và khoa học. Nhiều người thường mắc những sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh dẫn tới làm hại con. Dưới đây xin tổng hợp lại những sai lầm thường gặp nhất của các mẹ khi chăm con.
Những sai lầm trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh:
1. Quấn chặt để bé không bị giật mình
Rất nhiều bà mẹ thường quấn chặt con trong một chiếc tã dày và chặt để tránh bị bị giật mình. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Bởi khi bị quấn quá chặt, cơ thể bé không được cử động một cách thoải mái, làm mất đi cơ hội vận động và khám phá khiến hệ cơ kém phát triển, trẻ không khỏe mạnh. Bọc con quá kỹ còn gây ảnh hưởng xấu đến sự trao đổi chất của da với môi trường, bởi mồ hôi và các chất thải không thể thoát ra được ngoài.
Nếu quấn khăn, mẹ chỉ nên mặc bên trong bé 1 lớp bỉm là đủ, để tránh con bị quá nóng. Ngoài ra, cần quấn tã đúng cách để bé không khó chịu. Mẹ có thể tham khảo cách quấn tã cho bé dưới đây.
2. Trẻ ko được nằm điều hoà/ máy lạnh
Phần lớn các bà mẹ vẫn cho rằng trẻ sơ sinh không được phép nằm trong phòng điều hòa, hay máy lạnh vì dễ bị ho hoặc viêm phổi. Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng đâu nhé. Thực tế, bé vẫn có thể nằm điều hòa nhưng phải đúng phương pháp. Không để gió từ máy điều hòa phả thẳng vào người con, tốt nhất điều hòa phải có khoảng cách nhất định tới giường ngủ. Không để nhiệt độ điều hòa dưới ngưỡng 26 độ. Khi nằm phòng điều hòa, nên cho bé mặc một bộ đồ dài tay và nên để thêm 1 chậu nước trong phòng.
3. Trẻ vặn mình, đổ mồ hôi, rụng tóc vành khăn… là thiếu canxi
Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy trẻ bị thiếu canxi. Nhưng không phải cứ có những dấu hiệu này thì chắc chắn trẻ đã bị thiếu canxi. Muốn biết chính xác mẹ cần đưa con đi xét nghiệm máu và bổ sung canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu tự ý bổ sung canxi cho bé có thể dẫn đến thừa chất, càng nguy hiểm hơn.
4. Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn cũng cần uống nước
Đây là cách chăm sóc trẻ sơ sinh sai lầm mà nhiều bà mẹ nhầm tưởng. Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tuyệt đối không được uống thêm nước để tránh bị ngộ độc, có thể gây tử vong. Bởi sữa mẹ có tới 88% là nước nên hoàn toàn đủ lượng nước hàng ngày cho bé. Đối với những mẹ nuôi con bằng sữa công thức cũng cần pha theo đúng tỉ lệ lượng nước và sữa, không pha quá loãng hay quá đặc.
Trẻ bú mẹ hoàn toàn không cần uống thêm nước
5. Trẻ sơ sinh phải nằm gối
Đây cũng là một sai lầm mà hầu hết các mẹ đều gặp phải. Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh nên nằm trên mặt phẳng để đầu, cổ và lưng tạo thành một đường thẳng. Điều này sẽ tránh cổ bị quẹo hay xương sống thay đổi về cấu trúc và hình dạng. Bên cạnh đó, phần đầu của trẻ sơ sinh rộng bằng vai nên dù nằm nghiêng trẻ cũng không cần sử dụng gối.
6. Con bú sữa chậm tăng cân thì phải cho ăn dặm ngay
Thêm một cách chăm sóc trẻ sơ sinh sai lầm mà rất nhiều bà mẹ gặp phải, đó là cho trẻ ăn dặm quá sớm vì sợ con thiếu chất. Điều này chỉ gây hại cho hệ tiêu hóa còn quá non nớt của trẻ. Dưới 6 tháng tuổi, cơ thể trẻ chỉ thích hợp tiêu hóa sữa mẹ hoặc sữa công thức mà thôi. Từ 6 tháng tuổi trở lên, hệ tiêu hóa mới kịp phát triển hoàn chỉnh để làm quen với các loại thực phẩm khác.
7. Cắt lông mi cho mi dài, vuốt sống mũi cho mũi cao, kéo dái tai dài đổi tướng số
Lông mi dài hay ngắn quyết định phần lớn do gen di truyền. Việc cắt lông mi khi trẻ còn quá nhỏ sẽ gây hại cho vùng mắt, bởi lông mi là hàng rào bảo vệ và ngăn cản bụi bẩn xâm nhập vào mắt của con. Chưa kể việc đưa các vật sắc nhọn như kéo lại gần mắt của trẻ là rất nguy hiểm.
Tương tự sống mũi của trẻ cũng là do di truyền. Bên trong khoang mũi lại chứa nhiều mạch máu. Việc nắn vuốt thường xuyên có thể làm tổn thương niêm mạc mũi và huyết quản, dẫn tới hệ hô hấp bị ảnh hưởng, gây các bệnh nguy hiểm. Dái tai của trẻ cũng vậy, việc nắn và kéo quá nhiều sẽ ảnh hưởng xấu tới ống thính giác ở tai, gây ảnh hưởng tới thính giác của trẻ.
8. Sữa mẹ sau 6 tháng ko còn chất gì
Sau 6 tháng dù sữa mẹ không còn cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể con, nhưng nó vẫn là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời. Bạn có thể thấy sữa loãng hơn, nhưng những thành phần protein, đường và béo trong sữa của một người mẹ khỏe mạnh, bình thường thì không bao giờ mất đi. Đặc biệt là nguồn kháng thể tự nhiên trong sữa mẹ vô cũng tốt cho trẻ. Thế nên các chuyên gia khuyên mẹ nên cho bé bú đến 24 tháng.
9. Không được để trẻ nằm sấp
Điều này cũng không hoàn toàn đúng. Khi trẻ thức giấc mẹ nên cho bé nằm sấp để tăng khả năng vận động các hệ cơ, cổ tay, cánh tay, vai, lưng và cả hộp sọ. Điều này sẽ tốt cho trẻ khi đến thời kỳ tập lẫy, tập bò và đi đứng… Tuy nhiên, khi cho trẻ nằm sấp cần có người lớn giám sát liên tục. Đặc biệt, không cho trẻ nằm sấp khi ngủ sẽ rất nguy hiểm.
10. Dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi
Trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh mẹ phải luôn ghi nhớ tuyệt đối không cho trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng mật ong, kể cả để tưa lưỡi. Bởi tỷ lệ mật ong chứa vi khuẩn clostridium botulinum khá lớn, có thể gây ngộ độc cho trẻ. Người lớn khi nuốt phải loại khuẩn này, hệ tiêu hóa đã trưởng thành nên có thể vô hiệu hóa chúng. Nhưng với trẻ sơ sinh còn non nớt thì vi khuẩn sẽ tấn công và gây ra các hệ lụy nguy hiểm.
11. Thường xuyên bơm, thụt hậu môn của trẻ
Mặc dù đây là cách hiệu quả để làm thông hậu môn khi trẻ bị táo bón. Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng phương pháp này sẽ tạo thành thói quen xấu ở trẻ, làm mất phản xạ đi ngoài. Nếu không bơm thụt thì trẻ không đi ngoài được.
12. Thoa phấn rôm để trị hăm tã, rôm sảy
Nhiều bà mẹ vẫn chưa biết đến những nguy hại tiềm ẩn của phấn rôm đến sức khỏe trẻ. Trong quá trình thoa, nếu trẻ hít phải bột phấn rôm có thể bị ho, khó thở, hắt hơi, sổ mũi, tím tái, thâm chí phù phổi. Trẻ hít nhiều bột phấn rôm trong thời gian dài có thể gây các biến chứng nặng như viêm phế quản, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, tắc nghẽn tiểu phế quản… Chưa hết, nhiều nghiên cứu cho thấy phấn rôm có chứa bột talc gây ung thư. Việc dùng phấn rôm cho bé gái sẽ làm tăng gấp 4 lần nguy cơ ung thư buồng trứng.
13. Soi gương gây chậm nói
Điều này cũng hoàn toàn sai lầm. Bởi khoa học đã chứng minh rằng việc cho trẻ sơ sinh soi gương sẽ kích thích khả năng nhận thức của não bộ, giúp trẻ thông minh hơn.
14. Băng rốn
Nhiều mẹ thường băng rốn cho trẻ thật kín để bảo vệ. Tuy nhiên, băng quá kỹ sẽ tạo môi trường thuận lợi để các vi trùng và vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm, tấy đỏ và chảy mủ…
Tốt nhất nên để rốn hở, quấn tã dưới rốn và chỉ phủ một lớp áo mỏng lên nhằm tránh bụi bẩn và giúp dễ quan sát hơn.
15. Dán miếng hạ sốt, đắp khoai tây hay chanh lên vết tiêm
Làn da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh, sau sau khi tiêm nếu mẹ tự ý đắp hay bôi các chất lạ lên vết tiêm sẽ dễ gây nhiễm trùng, sưng tấy và làm giảm tác dụng của vắc xin.
Mẹ nên tham khảo cách chăm sóc trẻ sau tiêm phòng đúng cách để con mau khỏe mạnh.
Theo SKĐS
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.