Thứ Ba, 09/08/2016 | 09:00

Các cặp vợ chồng bị cận hay lo ngại con sinh ra cũng sẽ mắc tật khúc xạ này, đặc biệt trong bối cảnh ngoài yếu tố di truyền còn nhiều tác nhân khác ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.

BS. Lê Nguyễn Thảo Chương – Trung tâm Mắt Hải Yến đã đưa ra lời giải thích chi tiết cho vấn đề này.

– Độc giả Lưu Thanh Minh (Hà Nam): Em bị cận thị bẩm sinh. Giờ em đang mang thai và băn khoăn không biết bệnhnày có di truyền không. Xin bác sĩ giải đáp giúp em.

– BS. Lê Nguyễn Thảo Chương: Cận thị là khi bạn nhìn xa thấy mờ nhưng sẽ rõ hơn khi nhìn những vật ở gần. Cận thị do đường đi của tia sáng vào mắt bị bẻ cong nhiều, có nghĩa là ánh sáng hội tụ ở một điểm nằm trước võng mạc. Nguyên nhân do chiều dài trước – sau của nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc (là cấu trúc trong suốt nhô ra phía trước của mắt, hay được gọi là tròng đen) quá cong. Khi di chuyển lại gần vật hơn, điểm hội tụ sẽ về gần võng mạc hơn nên nhìn rõ hơn. Do đó, độ cận thị nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào các yếu tố: chiều dài của trục nhãn cầu, độ cong của giác mạc, công suất của thủy tinh thể (thấu kính hội tụ nằm trong mắt).

Cận dưới 3 đi-ốp được gọi cận thị nhẹ, 3-6 đi-ốp là cận thị trung bình và trên 6 đi-ốp được coi là cận thị nặng. Đa số người bị cận thị dưới 6 đi-ốp thường được gọi là cận thị thông thường. Một vài người cận thị trên 6 đi-ốp là cận thị thoái hóa hay cận thị bệnh lý.

Cận thị liên quan đến nhiều cấu trúc giải phẫu của mắt nên di truyền cũng là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của cận thị. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra tỷ lệ: nếu cả cha và mẹ đều bị cận thị thì tỷ lệ trẻ mắc phải là 33-60%. Nếu cha hoặc mẹ bị cận thị thì tỷ lệ là 23-40%. Hầu hết nghiên cứu chỉ ra rằng nếu cha mẹ không bị cận thị thì chỉ có khoảng 6-15% khả năng con sẽ bị cận thị. Có hơn 24 gen có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển cận thị. Mặc dù yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng nhưng sự bùng nổ cận thị trong những năm gần đây liên quan đến tình trạng trẻ em dành nhiều thời gian cho các hoạt động trong nhà gồm học tập, chơi game, dùng máy vi tính, xem tivi, đặc biệt trong thời gian này là điện thoại và máy tính bảng.

Tính di truyền của bệnh cận thị Cha hoặc mẹ bị cận thị thì khả năng con bị cận là 23-40%.

Có thể kể đến một số yếu tố nguy cơ khác làm phát triển cận thị như: làm công việc đòi hỏi nhìn gần thường xuyên. Cận thị liên quan đến thời gian đọc sách nhiều, làm công việc nhìn gần nhiều, thời gian học dài. Do đó, ngoài yếu tố gen thì còn có yếu tố môi trường, lối sống và cách sinh hoạt trong cùng gia đình. Cha mẹ có trình độ học vấn, có thói quen đọc sách như là tấm gương cho con cái và con cái ít nhiều cũng sẽ hình thành những thói quen như vậy.

Bên cạnh đó, những bệnh lý trẻ tạm thời mắc phải làm mờ hình ảnh hội tụ trên võng mạc (như mờ giác mạc, sụp mi, xuất huyết pha lê thể…) có thể dẫn đến cận thị. Các hội chứng loạn thị nghịch, suy giảm điều tiết, giác mạc quá cong cũng được xem là nguy cơ.

Trẻ em bị cận thị khi còn quá nhỏ có khả năng lớn lên sẽ gặp những vấn đề ở mắt nhiều hơn những bé không cận thị. Trong những trường hợp nặng, cận thị có thể dẫn đến những bệnh lý nặng tại mắt sau tuổi trung niên như glaucoma, bong võng mạc và có thể mất thị lực do thoái hóa hoàng điểm.

Tính di truyền của bệnh cận thị Có nhiều cách để hạn chế khả năng bị cận thị cho trẻ.

Tuy nhiên, có nhiều bước bạn có thể làm để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của cận thị. Cha mẹ bị cận hoặc những bệnh lý khác tại mắt cần đảm bảo con được khám và kiểm tra mắt sớm. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường như thấy không thoải mái trong sinh hoạt và học tập, không xem tivi ở khoảng cách bình thường thì con bạn có thể bị cận thị. Bạn nên đưa bé đi kiểm tra mắt càng sớm càng tốt.

Trẻ khi đã bị cận thì nên kiểm tra khúc xạ mỗi 6 tháng và khám mắt mỗi năm. Những trường hợp cận thị bệnh lý càng phải tuân thủ chặt chẽ lịch tái khám và kiểm tra này. Những trường hợp trẻ bị cận độ thấp và chưa cần đeo kính (khoảng 0,5-0,75 đi-ốp) thì nên cho bé kiểm tra mỗi 3 tháng.

Sự tương tác giữa môi trường và yếu tố di truyền là rất quan trọng trong việc hình thành cũng như tiến triển của cận thị. Do đó, tăng cường những hoạt động ngoài trời thay cho hoạt động trong nhà là rất cần thiết.

Để hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ mắt phù hợp, báo Tri thức trực tuyến Zing.vn phối hợp với Hệ thống trung tâm Mắt Hải Yến thực hiện chương trình “Tư vấn các bệnh về mắt” trên chuyên mục Sức khỏe.PGS.TS.BS Trần Hải Yến – Bộ môn Mắt, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, cố vấn cao cấp của Phòng khám Mắt Hải Yến cùng các bác sĩ, chuyên gia sẽ trả lời câu hỏi, thắc mắc của độc giả. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi trực tiếp về địa chỉ emailsuckhoe@zing.vnhoặc fanpage , 0913 666 665 và Trung tâm Mắt Kỹ thuật cao An Sinh, 08 3845 3869 để được tư vấn.

Sơn Trà
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook