Thứ Sáu, 25/03/2016 | 00:00
Những cơn đau thắt ngực của người bệnh mạch vành.

Bệnh mạch vành được điều trị triệt để đau thắt ngực, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ bằng phương pháp phẫu thuật bắc cầu mạch vành dùng hai động mạch ngực trong.

Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cho biết đang thực hiện chuyển giao nghiên cứu đề tài “Hiệu quả của phẫu thuật bắc cầu mạch vành dùng hai động mạch ngực trong làm cầu nối” do TS.BSNguyễn Hoàng Định và PGS.TS Phạm Thọ Tuấn Anh (ĐH Y dược TP.HCM) đồng chủ nhiệm. Nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, Chợ Rẫy và Viện Tim TP.HCM trên 202 bệnh nhân từ năm 2008 đến 2015 nhằm đánh giá tính khả thi, an toàn và kết quả trung hạn của phẫu thuật.

Ngừa nhồi máu cơ tim

Bệnh mạch vành là bệnh lý có tầm quan trọng hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới ước tính tỷ lệ tử vong toàn cầu do bệnh mạch vành sẽ tăng từ 7,2 triệu người trong năm 2002 đến 11,1 triệu người vào năm 2020. Theo tài liệu cập nhật mới nhất trong nghiên cứu này về bệnh lý tim mạch và đột quỵ của Hội Tim mạch Mỹ, bệnh mạch vành là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả nam giới và phụ nữ Mỹ. Theo đó, cứ 6 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp có nguyên nhân mạch vành. Cũng tại Mỹ, năm 2006, có 1.313.000 trường hợp can thiệp mạch vành qua da và 448.000 trường hợp phẫu thuật bắc cầu mạch vành với chi phí trực tiếp và gián tiếp cho điều trị bệnh này lên đến 171,1 tỷ USD.

TheoTS.BSĐịnh, cầu nối động mạch đã được chứng minh là có tỷ lệ thông nối lâu dài hơn hẳn cầu nối tĩnh mạch. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành dùng hai động mạch ngực trong giúp loại trừ việc sử dụng cầu nối tĩnh mạch hiển và làm tăng tỷ lệ thông cầu nối. Nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng tỏ bệnh nhân được dùng hai động mạch ngực trong làm cầu nối có tỷ lệ đau ngực tái phát, tỷ lệ can thiệp mạch vành lại và tỷ lệ tử vong dài hạn thấp hơn bệnh nhân được phẫu thuật bắc cầu theo phương pháp tiêu chuẩn dùng động mạch ngực trong trái bắc cầu vào nhánh xuống trước trái.

BS Phan Kim Phương, nguyên Phó Giám đốc Viện Tim TP.HCM cho biết, kết quả của đề tài ứng dụng hiệu quả trong phẫu thuật tim là tín hiệu vui đối với bệnh nhân mạch vành và cần được chuyển giao kỹ thuật cho nhiều đơn vị trong thời gian sớm nhất. Kết quả còn có thể sử dụng làm tài liệu giảng dạy, huấn luyện sinh viên và học viên sau ĐH chuyên ngành phẫu thuật lồng ngực tim mạch hoặc hỗ trợ cho các trung tâm nghiên cứu lâm sàng.

Dù thủ thuật can thiệp và đặt giá đỡ mạch vành qua da có nhiều tiến bộ vượt bậc trong thời gian gần đây, đặc biệt là tại Việt Nam. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành luôn giữ một vai trò quan trọng trong điều trị bệnh mạch vành và là điều trị được lựa chọn ở các bệnh nhân hẹp nhiều nhánh, hẹp thân chung và đái tháo đường. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành là phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất trên thế giới, giúp ngừa nhồi máu cơ tim, điều trị triệt để đau thắt ngực, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ bệnh nhân mạch vành.

Hạn chế tỷ lệ tử vong

TS.BS Văn Công Phước (Hội Phẫu thuật tim mạch lồng ngực Việt Nam) cho biết, phù hợp với xu hướng chung sử dụng tối đa vật liệu động mạch trong phẫu thuật bắc cầu mạch vành trên thế giới, gần đây một số bệnh viện tại Việt Nam đã chú trọng phát triển phẫu thuật sử dụng hai động mạch ngực trong làm cầu nối. Theo phương pháp phẫu thuật này, trung bình mỗi bệnh nhân ghép từ 3-4 cầu nối, trong đó có 3 cầu động mạch ngực trong.

Kết luận phẫu thuật bắc cầu mạch vành dùng hai động mạch ngực trong khả thi, an toàn và có kết quả theo dõi trung hạn khả quan với tỷ lệ thông cầu nối cao đang được ứng dụng phẫu thuật tại các bệnh viện tại Việt Nam. BS Phước thông tin thêm, kỹ thuật mổ bắc cầu mạch vành có rất nhiều thay đổi từ các trường hợp phẫu thuật bắc cầu đầu tiên trên thế giới cách nay hàng chục năm. Các cải tiến kỹ thuật đều nhằm đến mục đích cuối cùng và quan trọng nhất là giúp kéo dài càng lâu càng tốt thời gian sống không có triệu chứng, không có các biến cố về mạch vành và không cần phải can thiệp mạch vành lại. Trong số các cải tiến đó, phẫu thuật bắc cầu mạch vành dùng hai động mạch ngực trong là một tiến bộ quan trọng.

Kết quả nghiên cứu này khả thi, an toàn, 100% đạt tái tưới máu toàn bộ. Tỷ lệ tử vong sớm: 2%; suy thận cấp 3% và viêm xương ức 0,5%. Sau khi phẫu thuật, thời gian theo dõi đến 8 năm, không có bệnh nhân tử vong trong thời gian theo dõi là phù hợp với y văn thế giới. BS Phước khẳng định, phương pháp này giúp nghiên cứu vai trò của phẫu thuật trên nhóm bệnh nhân châu Á, đóng góp vào các kết quả chung của các nghiên cứu trên thế giới.

T.Anh

Nguồn: Giáo dục Online

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook