Thứ Ba, 08/03/2016 | 12:45

Tiêm phòng trước và khi mang thai là việc làm cần thiết và quan trọng đối với các bà bầu nhằm phòng một số bệnh nguy hiểm lây nhiễm cho cả mẹ và con. Tiêm phòng đúng vắc xin phòng bệnh, đúng liều lượng và thời gian quy định sẽ giúp bà bầu có được một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.

Tiêm phòng trước và khi mang thai

Các bà bầu muốn tư vấn và tiêm phòng có thể đến trung tâm y tế dự phòng, trung tâm tiêm phòng, phòng tiêm chủng quốc tế, bệnh viện, trạm xá, viện pasteur,…

Thông thường, lịch tiêm phòng sẽ gắn với từng cá nhân mỗi người vào từng thời gian và các loại thuốc tiêm phòng khác nhau kể từ khi còn nhỏ cho đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, khi phụ nữ đã bước vào tuổi sinh đẻ, trước khi xây dựng gia đình và trước khi mang thai cần đi khám sàng lọc để biết trong cơ thể mình đã được miễn nhiễm những loại vi rút nào rồi thì không cần phải tiêm phòng nữa, còn những loại vi rút nào chưa được miễn nhiễm thì tiến hành tiêm phòng đúng thời gian và liều lượng quy định.

Lịch tiêm phòng trước và khi mang thai sẽ gồm những loại vắc xin cơ bản sau đây:

1. Vắc xin HPV

Vi rút HPV là loại vi rút có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục. Có khoảng hơn 100 loại vi rút HPV, đa số thì vi rút này không gây triệu chứng gì và tự khỏi trừ một số ít có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung.

Độ tuổi thích hợp để tiêm phòng vắc xin HPV là bé gái 9, 10 tuổi đến phụ nữ trưởng thành dưới 26 tuổi. Phụ nữ chưa quan hệ tình dục thì hiệu quả vắc xin sẽ rất tốt, còn phụ nữ đã quan hệ tình dục rồi thì hiệu quả sẽ kém hơn, phụ nữ đang mang thai thì không được tiêm loại vắc xin này.

Hiện nay, có 2 loại vắc xin là Gardasil của Mỹ áp dụng lứa tuổi từ 9 tuổi đến 26 tuổi, tiêm theo lịch 0-2-6 tháng và vắc xin Cervarix của Bỉ áp dụng lứa tuổi từ 10 tuổi đến 26 tuổi, tiêm theo lịch 0-1-6 tháng. Sau khi tiêm 3 tháng hoặc ít nhất 1 tháng thì bạn mới có thể thụ thai an toàn.

2. Vắc xin viêm gan A và viêm gan B

Viêm gan A và viêm gan B là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan do vi rút viêm gan A và vi rút viêm gan B gây ra. Vắc xin viêm gan A, B có thể phòng ngừa bệnh việc nhiễm viêm gan.

Với trẻ nhỏ đã được tiêm chủng đầy đủ rồi thì khả năng miễn dịch cao. Người lớn chưa được tiêm phòng vắc xin viêm gan A,B thì nên tiêm phòng. Phụ nữ mang thai có nguy cơ lây nhiễm vi rút viêm gan A, B cao, muốn được bảo vệ và tránh lây nhiễm cho em bé thì cũng nên tiêm phòng vắc xin này trước khi mang thai.

Hiện nay vắc xin viêm gan A, B có dạng đơn và dạng nhiều vắc xin trong một mũi tiêm, vì vậy liều lượng, thời gian tiêm, đối tượng tiêm tùy thuộc vào mỗi cá nhân, mỗi loại thuốc. Muốn được cung cấp đầy đủ thông tin vắc xin cũng như đảm bảo độ an toàn, tin cậy, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm. Sau khi tiêm 3 tháng thì bạn mới có thể thụ thai an toàn.

3. Vắc xin sởi, quai bị, rubella

Sởi, quai bị, rubella là những căn bệnh nghiêm trọng. Các bệnh này lây lan từ người này sang người khác qua không khí. Vắc xin sởi, quai bị, rubella có thể bảo vệ khỏi ba căn bệnh trên cho trẻ em, người lớn và đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Phụ nữ mang thai mà bị nhiễm 3 bệnh trên sẽ rất nguy hiểm và gây ra những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai nhi như chậm phát triển trí tuệ, viêm não, điếc bẩm sinh, vô sinh…

Bạn có thể phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm để đạt hiệu quả tốt nhất. Sau khi tiêm 3 tháng thì bạn mới có thể thụ thai an toàn.

4. Vắc xin cúm

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do vi rút cúm gây ra. Bệnh có thể biến chứng thành viêm phổi hoặc bội nhiễm vi khuẩn.

Phụ nữ mang thai rất dễ mắc cúm. Biến chứng cúm có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai. Để phòng bệnh, trước khi mang thai bạn nên tiêm phòng vắc xin cúm. Sau khi tiêm phòng khoảng 3 tháng thì bạn mới có thể thụ thai an toàn.

5. Vắc xin thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp qua mụn nước trên da hoặc truyền từ mẹ sang con.

Phụ nữ mang thai bị thủy đậu rất dễ bị viêm phổi, có thể dẫn đến tử vong và rất dễ bị sảy thai nếu bị bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Cách tốt nhất để tránh bệnh thủy đậu đối với bà mẹ mang thai là nên kiểm tra sức khỏe trước mang thai, tiêm phòng đầy đủ vắc xin thủy đậu để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Khi mang thai nên tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Sau khi tiêm khoảng 3 tháng thì bạn mới có thể thụ thai an toàn.

6. Vắc xin uốn ván

Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính do độc tố của trực khuẩn uốn ván gây ra. Tất cả mọi người đều có thể phòng ngừa được bệnh uốn ván bằng cách tiêm phòng vắc xin uốn ván. Đây là phương pháp phòng chống bệnh hiệu quả nhất.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sau 5 liều tiêm có thể phòng bệnh uốn ván suốt thời kỳ sinh đẻ. Hiệu lực bảo vệ đạt 98% đến 100%. Mũi 1 càng sớm càng tốt, mũi 2 ít nhất 1 tháng sau mũi 1, mũi 3 ít nhất sáu tháng sau mũi 2, mũi 4 ít nhất 1 năm sau mũi 3, mũi 5 ít nhất 1 năm sau mũi 4.

Phụ nữ trong thời kỳ mang thai nếu đã tiêm phòng uốn ván rồi, thì chỉ cần tiêm 1 mũi trước khi sinh 3 tuần là có thể phòng bệnh uốn ván cho trẻ sơ sinh. Nếu thai phụ chưa từng tiêm phòng uốn ván thì chỉ cần tiêm 2 mũi, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 4 tuần, thì khả năng phòng bệnh uốn ván cũng rất tốt, thời gian miễn nhiễm là 5 năm.

7. Những lưu ý khi tiêm phòng

+ Lên kế hoạch tiêm phòng cụ thể trước và khi mang thai.

+ Tiêm phòng khi cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật.

+ Khi tiến hành tiêm chủng rồi, cần tránh thai an toàn để tránh những dị tật cho thai nhi trong một thời gian nhất định, nếu lỡ mang thai cần tham khảo ngay ý kiến của bác sĩ. Chỉ nên có thai sau khi hết thời gian tiêm chủng từ 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng tùy vào từng loại vắc xin được tiêm.

+ Theo dõi sau khi tiêm tại nơi tiêm phòng 30 phút đến 1 tiếng. Sau khi về nhà cũng phải theo dõi 1 đến 2 ngày.

Minh Hằng <Nguồn: congioilam.com>

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook