Thứ Năm, 19/05/2016 | 14:00

Với ưu điểm là công can thiệp vào tử cung nên ít đau, ít biến chứng, phá thai bằng thuốc đã và đang là sự lựa chọn của nhiều người “lỡ làng”. Tuy nhiên, thực chất, loại thuốc này không “hiền” như nhiều người nghĩ.

Thuốc phá thai – khó kiểm soát tác dụng phụ

Vừa mới xin được công việc làm trưởng phòng nhân sự tại một tập đoàn kinh doanh bất động sản có tiếng ở Tp.HCM thì chị Vũ Thúy Hà phát hiện mình mang thai. Bởi quy định của tập đoàn ghi rõ: nhân viên nữ phải làm tối thiểu 12 tháng thì mới được có bầu nên chị thấy vô cùng bối rối. Sau nhiều lần bàn bạc với chồng, cuối cùng, chị quyết định bỏ thai để có cơ hội phát triển sự nghiệp.

Thuốc phá thai: Dễ dùng, dễ tai biến

Ảnh minh họa

Thấy một người bạn nói rằng: Phá thai bằng thuốc không đau đớn nên chị quyết định đến một phòng khám tư nhân để thực hiện phương pháp này. Theo đó, các bác sĩ ở đây đưa cho chị một viên uống ngay tại chỗ và đưa thêm một viên nữa để uống tại nhà vào 48 giờ tiếp theo, đồng thời dặn dò nhớ phải nghỉ ngơi tại nhà trong thời gian đang uống thuốc. Tưởng mọi việc chỉ đơn giản là thế nên chị không thấy lo lắng nhiều. Tuy nhiên, vừa uống viên thứ 2 được một lúc, chị thấy máu ở âm đạo ồ ạt chảy, bụng đau dữ dội. Hoảng sợ, chị vội vã gọi điện cho chồng về gấp. Khi về đến nơi, anh thấy chị nằm ngất lịm trên giường. Dù ngay sau đó đã được nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu, tuy nhiên, bác sĩ nói: chị gặp tai biến do thuốc phá thai nên để bảo toàn tính mạng, cần cắt bỏ tử cung. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chị có vết sẹo ở tử cung do lần sinh trước.

Không đến mức rơi vào tình huống nguy hiểm như chị Hà, thế nhưng, chị Nguyễn Thị Huyền (Ba Đình, Hà Nội) cũng được phen hoảng sợ với thuốc phá thai. Số là, một tháng sau ngày uống thuốc, vùng kín của chị vẫn ra máu lây rây như kiểu rong kinh. Không thấy đau bụng nên chị nghĩ đó chỉ là do tác dụng phụ của thuốc, song vẫn quyết định quay lại bệnh viện khám. Ai ngờ, bác sĩ kết luận chị bị sót dịch nên kê thuốc về ngậm để đẩy hết dịch ra. Hai tuần sau đó, dù đã sử dụng hết chỗ thuốc được kê, song tình trạng rong kinh vẫn không thuyên giảm. Tái khám, chị lại được kê thêm liều thuốc nữa với lý do dịch chưa ra hết và cơ quan sinh dục có biểu hiện viêm nhiễm. Tính ra, tình trạng ra máu phải kéo dài đến gần 2 tháng mới kết thúc khiến chị vừa thấy khó chịu trong sinh hoạt, vừa lo lắng cho sức khỏe. “Biết thế này, tôi cố chịu đau một lúc để làm thủ thuật cho xong. Cứ tưởng phá thai bằng thuốc an toàn, đơn giản, ai dè lại lắm tác dụng phụ thế”.

Thuốc phá thai – tuyệt đối không dùng thuốc tại nhà

Phá thai bằng thuốc là phương pháp phá thai nội khoa, hay còn gọi là “sẩy thai tự nhiên”. Do có ưu điểm là không can thiệp vào tử cung, có thể hạn chế được các biến chứng như: dính buồng tử cung, viêm, tắc vòi trứng… nên được nhiều chị em lựa chọn. Về quá trình thực hiện, phá thai bằng thuốc tưởng như rất đơn giản, vì chỉ cần uống thuốc là thai sẽ tự bong ra khỏi tử cung.

Tuy nhiên, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt theo các chỉ định của bác sĩ, các biến chứng rất dễ xảy ra. Cụ thể, người phá thai có thể phải đối mặt với những tình trạng như băng huyết, vỡ tử cung, viêm nhiễm vùng sinh dục…

Để an toàn, theo bác sĩ Hồ Mai Hoa (Giảng viên Quốc gia về Sức khỏe sinh sản): Thuốc phá thai không nên dùng sau tuần 9 của thai kỳ, vì dễ thất bại và xuất huyết tử cung. Cùng với đó, đây là loại thuốc cần có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ khi sử dụng, tuyệt đối không được tự mua về nhà dùng vì dễ xảy ra tai biến.

Trong thời gian 7-14 ngày, thai sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể. Lúc này, cổ tử cung ở trạng thái mở nên rất dễ viêm nhiễm, do đó, ngoài việc vệ sinh sạch sẽ “cô bé”, bạn cần kiêng quan hệ tình dục.

Mặc dù tỷ lệ thành công của loại thuốc này lên tới 96%, thế nhưng, theo bác sĩ Hoa, thực tế vẫn có những trường hợp thai chưa sảy hoàn toàn. Do đó, sau 2 tuần kể từ ngày uống thuốc, người phá thai sẽ phải quay trở lại cơ sở y tế để kiểm tra. Việc này là vô cùng cần thiết bởi nó còn là cách giúp bạn phát hiện những viêm nhiễm để chữa trị kịp thời, thế nhưng, vì những lý do khác nhau, nhiều người đã không thực hiện.

Một tác dụng phụ của phá thai bằng thuốc là hay xảy ra rong kinh, rong huyết, khiến người phá thai cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Thông thường, nguyên nhân là bởi dịch tử cung chưa được tống xuất hết ra ngoài, song cũng có trường hợp là do viêm nhiễm “cô bé”. Thế nên, khi gặp hiện tượng này, bạn không được chủ quan mà cần quay trở lại cơ sở y tế sớm.

Cũng như những phương pháp phá thai khác, phá thai bằng thuốc cũng có một số trường hợp chống chỉ định. Theo đó, những người tử cung có vết sẹo, thiếu máu, suy thượng thận, dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc… cũng cần phải thật thận trọng khi sử dụng phương pháp này. Tốt nhất là khi đến các cơ sở y tế, bạn nên khai báo tất tần tật về bệnh lý của mình để có được những lời khuyên chính xác nhất.

Cách phá thai bằng thuốc

Người phá thai bằng thuốc sẽ được cho uống 2 viên thuốc. Viên đầu tiên là Mifepristone 200mg, có tác dụng đối kháng với progesteron (nội tiết tố có tác dụng dưỡng thai) để thai nhi ngừng phát triển. 48 giờ sau, người muốn phá thai phải trở lại cơ sở y tế để uống thêm hai viên Misoprostol 200 microgram. Đây là loại thuốc có tác dụng tạo ra các cơn co bóp ở tử cung để tống xuất thai ra ngoài.

Trong khoảng 3-4 giờ sau khi uống thuốc đợt hai này, người mang thai sẽ ra huyết, sẩy thai. Một số ít trường hợp có thể ra huyết ngay khi uống viên đầu tiên, và cũng có vài trường hợp ra huyết sau một tuần, nhưng nhìn chung trong khoảng từ 7-14 ngày, thai sẽ được tống xuất hết ra ngoài.

Nguyễn Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook