Vì nó có thể gây đau dạ dày, khởi phát cơn co thắt phế quản, hay nhẹ hơn là rối loạn tiêu hóa, nhức đầu…
Gặp họa vì thuốc
Mấy hôm gần đây, thời tiết thay đổi liên tục, nắng mưa thất thường khiến chị Bạch Mai (Gia Lâm, Hà Nội) lăn ra ốm. Miệng ho sù sụ cộng với đờm dãi lúc nào cũng quanh quẩn trong cổ họng khiến chị vô cùng khó chịu. Như thường lệ, chị ra hiệu thuốc trước nhà mua kháng sinh và long đờm về uống. Đến hết ngày thứ 3, các triệu chứng của bệnh đã thuyên giảm phần nào nhưng đờm vẫn cứ đặc quánh, khạc nhổ rất khó khăn. Nghĩ mình dùng chưa đủ liều, chị tự ý mua thêm thuốc long đờm về dùng để có thể “trị đờm tận gốc”. Dùng thuốc đến ngày thứ 7, chị thấy đờm đã có dấu hiệu thuyên giảm, tuy nhiên, đó cũng là lúc bụng chị xuất hiện những cơn đau quặn khó chịu. Đến khi đi khám, chị mới biết căn bệnh đau dạ dày của mình tái phát do dùng thuốc long đờm vượt quá liều quy định.
Trường hợp của cu An (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại khác. Thấy con ho khù khụ cộng với tiếng thở khò khè, chị Hạnh- mẹ An đã mua ngay thuốc giảm ho và long đờm cho bé uống. Kết quả là, chỉ sau vài liều dùng, bé bị sặc sụa, nôn mửa phải đưa đi bệnh viện gấp. Tại đây, bác sĩ kết luận nguyên nhân là do chị An đã sử dụng thuốc long đờm kèm với giảm ho khiến đờm không thể tiêu tán. Cũng may là bé còn nôn ra được nên mọi chuyện mới chỉ đơn giản như thế, nếu không, tình huống tử vong rất có thể đã xảy ra.
Sai một ly, đi một dặm
Theo bác sĩ Nguyễn Phương Hà (Phòng khám Đa khoa An Bình, Hà Đông, Hà Nội):Thông thường, trên đường thở lúc nào cũng có một lớp nhầy, có độ dính, độ ẩm vừa phải và số lượng vừa phải để bảo vệ đường hô hấp. Nhưng khi hệ hô hấp bị bệnh, lớp nhầy này bị thay đổi tính chất, trở nên bám dính, đặc quánh và khi đó nó được gọi là đờm. Để có thể làm lớp đờm này loãng ra, có thể dễ dàng khạc nhổ, người ta thường sử dụng thuốc long đờm, hay còn gọi là thuốc làm tiêu chất nhầy.
Hiện nay, có rất nhiều đơn vị sản xuất thuốc long đờm với nhiều tên gọi khác nhau, tuy nhiên, chúng chỉ chứa một trong các thành phần chính là: Bromhexin, Acetylcystein và Ambroxol, Eprazinon…
Trong đó, theo bác sĩ Hà, nhóm thuốc Acetylcystein có tác dụng làm lỏng chất nhầy, nhóm thuốc Bromhexin làm cho cấu trúc đờm thay đổi, trở nên lỏng hơn, còn Ambroxol là một chất chuyển hóa của Bromhexin và có tác dụng tương tự Bromhexin.
Trên thực tế, nhiều người coi thuốc long đờm chỉ là sản phẩm bổ trợ nên không phân biệt, lựa chọn, cũng như ít tìm hiểu về các tác dụng phụ của nó. Chẳng hạn, khi bị ho có đờm, nhiều người cứ vô tư sử dụng thuốc giảm ho kèm long đờm mà không biết rằng, nếu phản xạ ho bị giảm, nó sẽ hạn chế sự đào thải của chất nhầy ra khỏi cơ thể. Nếu tình trạng này kéo dài, nó có thể dẫn đến tình trạng dồn ứ đờm trong cơ thể, rất dễ bị tắc nghẽn khí thở nếu không được can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, cũng như nhiều loại thuốc khác, nếu như lạm dụng hay sử dụng không đúng hướng dẫn, thuốc long đờm có thể làm lỏng chất nhầy bảo vệ dạ dày, dễ dẫn đến viêm loét dạ dày. Chính vì vậy, với những người đã và đang có tiền sử bệnh này, cần hạn chế dùng thuốc long đờm, đặc biệt là dùng dài ngày. Với những người bị hen suyễn, loại thuốc này có thể làm khởi phát cơn co thắt phế quản, khiến bệnh nhân đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Hơn nữa, ở một số cơ địa nhạy cảm, thuốc long đờm còn gây rối loạn tiêu hóa, tăng nhẹ men gan, nhức đầu… Chính vì thế, trong quá trình sử dụng, nếu gặp phải các hiện tượng này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa ra quyết định có tiếp tục liều dùng nữa hay không.
Đối với trẻ em, các triệu chứng này càng cần phải theo dõi cẩn thận. An toàn nhất là không tự ý mua thuốc cho trẻ mà cần qua thăm khám, bởi chỉ có những người có chuyên môn mới có thể đưa ra lời khuyên chính xác về loại thuốc, liều dùng như thế nào cho hợp lý.
An Châu
Chưa có bình luận.