Thứ Ba, 15/03/2016 | 15:30

Để trị cơn đau bụng trong ngày đèn đỏ, nhiều chị em đã sử dụng thuốc giảm đau liên tục mà không lường được tác dụng phụ của loại thuốc này.

Vừa “liều” uống vừa… lo

Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường ở nữ giới, thường kéo dài từ 3 – 5 ngày/tháng. Vào ngày đèn đỏ, các chị em thường có một số biểu hiện như cơ thể khó chịu, mệt mỏi, dễ cáu gắt… Nhiều chị em còn bị đau bụng âm ỉ, dữ dội trong kỳ đèn đỏ và khổ sở không biết làm sao để giảm đau.

T.T. (22 tuổi, Hà Nội) rất hay bị đau bụng trong những ngày “đèn đỏ”. Trước đây, các cơn đau bụng thường không quá nặng nề, chỉ âm ỉ nên T. vẫn cố chịu đựng được. T. thường giảm đau bằng các cách phổ thông như chườm nước ấm vào vùng bụng, nhai gừng hoặc uống một ngụm rượu nhỏ. Nhưng khoảng hơn 1 năm gần đây, các cơn đau rất dữ dội khiến T. vô cùng khốn khổ và mệt mỏi. Các cách thức giảm đau thông thường không còn mang lại hiệu quả, T. đành phải tìm tới thuốc giảm đau.

“Mỗi lần đau quá, mình uống 1 viên thuốc giảm đau là thấy đỡ liền. Đáng lo là thời gian gần đây mình có dấu hiệu bị nhờn thuốc, có lần uống thuốc xong mà hơn 1 tiếng sau cơn đau mới đỡ, có lần mình phải dùng tới 2 viên”, T. chia sẻ.

Thuốc giảm đau ngày “đèn đỏ” - vừa liều uống vừa lo tác dụng phụ

Khi đau bụng kinh không nên tùy tiện dùng thuốc giảm đau (ảnh minh họa)

Tương tự, N.H. (20 tuổi) cũng là một nạn nhân khốn khổ của chứng đau bụng kinh. H. kể: “Cứ đến kỳ kinh nguyệt là cơn đau kéo tới giày vò mình. Không ít lần mình bị tụt huyết áp ngay trên lớp học, phải xin về. Có hôm đau bụng dữ dội quá nên không thể đi học nổi”.

H. cũng tham khảo trên mạng và thử các cách thức để giảm đau bụng kinh nhưng không thấy hiệu quả. Thế nên, cứ gần đến tháng là H. lại chuẩn bị sẵn thuốc giảm đau. “Mình cũng biết rằng dùng thuốc này sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe sinh sản, lo vô sinh nữa. Nhưng mà đến lúc đau quá thì chả còn biết gì, chỉ muốn uống ngay thuốc để giảm cơn đau lại. Đau quá thì “làm liều” vậy đấy”, H. thở dài.

Tùy tiện dùng, hệ lụy nghiêm trọng

Đau bụng kinh là hiện tượng đau bụng dưới khi đến kỳ kinh nguyệt và có thể lặp đi lặp lại qua từng tháng. Cơn đau có thể kéo dài cả tiếng đồng hồ, thậm chí vài ngày liền. Có những người chỉ bị đau âm ỉ, đau thoáng qua, nhưng cũng có những chị em bị đau dữ dội, quặn thắt.

Nguyên nhân dẫn đến đau bụng kinh là do vào ngày đèn đỏ, các niêm mạc ở tử cung bong ra, tử cung co thắt mạnh, giảm máu đột ngột ở vùng tử cung. Nhiều người không chịu đựng được các cơn đau bụng kinh nên đã tùy tiện sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, việc làm này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe sinh sản.

Theo bác sỹ sản khoa Lê Thị Kim Dung, thuốc giảm đau có nhiều loại được chia thành 2 nhóm là thuốc giảm đau không cần kê đơn và thuốc giảm đau kê đơn. Thuốc giảm đau không cần kê đơn có tác dụng làm giảm những cơn đau nhẹ. Còn thuốc giảm đau kê đơn có tác dụng mạnh hơn, có thể làm thay đổi cảm giác đau, sử dụng theo đơn thuốc của bác sỹ.

Đa số chị em dùng thuốc giảm đau để trị đau bụng kinh đều là ra hiệu thuốc mua, chứ ít khi tới cơ sở y tế thăm khám cụ thể, được kê đơn thuốc điều trị. Việc tùy tiện mua thuốc giảm đau uống khi đau bụng kinh là không an toàn. Vì kể cả với thuốc giảm đau không cần kê đơn thì để sử dụng an toàn và hiệu quả, vẫn cần theo đúng chỉ dẫn. Các thuốc giảm đau nếu dùng không đúng sẽ dẫn đến hậu quả như: viêm loét dạ dày, hại gan, ức chế thần kinh… Sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài còn dẫn đến tình trạng bị phụ thuộc vào thuốc hoặc hiện tượng nhờn thuốc.

Bác sỹ Dung khuyên, trước và trong kỳ kinh nguyệt, chị em nên tránh các thực phẩm lạnh, đồ cay nóng, tươi sống. Bên cạnh đó, tăng cường ăn rau củ, hoa quả, uống nhiều nước để phòng tránh, giảm bớt các cơn đau. Khi bị đau bụng kinh dữ dội, chị em nên đến cơ sở y tế để được thăm khám cụ thể, không nên tự ý dùng thuốc giảm đau mà không có chỉ định của bác sĩ.

Phương Linh

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook