Thứ Sáu, 11/03/2016 | 15:01

Một số người sử dụng các thuốc thông thường để chữa bệnh đường tiêu hóa gặp phải phản ứng do tác dụng của thuốc hoặc do liều lượng thuốc.

Các thuốc thường dùng là loại thuốc trung hòa axít chlorhydric, thuốc chống tiết axít hydrochloric (HCl), thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc nhuận trường và thuốc điều chỉnh nhu động ống tiêu hóa.

Thuốc điều trị sử dụng qua đường tiêu hóa cũng giống như thức ăn đưa vào cơ thể, bộ máy tiêu hóa có nhiệm vụ tiếp nhận và vận chuyển; tiêu hóa, hấp thu và thải trừ; cuối cùng được chuyển hóa chủ yếu ở gan. Một số thuốc dùng để điều trị bệnh đường tiêu hóa lại có khả năng gây hại cho chính hệ tiêu hóa, vấn đề này cần thận trọng để ngăn ngừa tác dụng không mong muốn có thể xảy ra; đặc biệt là các loại thuốc thông dụng đã nêu ở trên.

Thuốc trung hòa HCl

Thuốc trung hòa HCl thường được sử dụng hiện nay là các thuốc nhôm hydroxyd, magnesie hydroxyd, nhôm phosphat, canxi carbonat. Các loại thuốc này ngoài tác dụng tích cực trong việc trung hòa chất axít dạ dày, sau khi ngừng dùng chúng có thể gây tăng tiết chất gastrin làm cho dịch vị lại tăng chất axít; các nhà khoa học thường gọi đây là hiện tượng trỗi dậy.

Các loại thuốc có muối nhôm hay gây táo bón, ngược lại các loại thuốc có muối magnesie lại gây ra tiêu chảy do cơ chế thẩm thấu và tiết dịch vị của dạ dày; vì vậy trong công thức điều trị thường phải phối hợp cả hai loại muối này.

Thuốc chữa bệnh tiêu hóa gây hại… tiêu hóa
Thuốc trung hòa axít chlorhydric sau khi ngừng dùng chúng có thể gây tăng tiết chất gastrin làm cho dịch vị lại tăng chất axít.

Thuốc chống tiết HCl

Thuốc chống tiết HCl gồm thuốc ức chế histamin H2 và thuốc ức chế bơm proton.

Thuốc ức chế histamin H2 như: cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin… Những loại thuốc này có thể gây ra triệu chứng buồn nôn, nôn, đi tiêu chảy hoặc táo bón thoáng qua và tự khỏi mà không cần can thiệp biện pháp.

Thuốc ức chế bơm proton như: omeprazol, lansoprazol… Những loại thuốc này có tác dụng ức chế rất mạnh đến việc tiết HCl nên đã có giả thiết cho rằng tình trạng thiểu toan kéo dài có thể dẫn đến tình trạng phát sinh ung thư nhưng đây chỉ mới là giả thiết. Trên thực tế chưa có sự chứng minh trên thực nghiệm và cũng chưa có trường hợp nào ghi nhận xảy ra trên lâm sàng mặc dù các loại thuốc này đã được sử dụng rộng rãi vào đầu thập kỷ những năm 80. Cũng có giả thiết được đặt ra là tình trạng thiểu toan đã làm tăng tiết chất gastrin theo cơ chế phản hồi, có thể làm phát sinh các khối u carcinoid ở dạ dày; tuy vậy quan điểm này chưa được chứng minh trên lâm sàng nhưng thực tế đã có trường hợp hiện tượng xuất hiện trong nghiên cứu thực nghiệm ở trên chuột.

Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày

Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày thường dùng thuộc nhóm thuốc bismuth, sucralfat, prostaglandin.

Thuốc thuộc nhóm bismuth hiện nay thường dùng dưới dạng subcitrat hoặc citrat. Ngoài tác dụng diệt loại vi khuẩn Helicobacter pylori hiện diện trong dạ dày, bismuth còn có tác dụng băng bó bảo vệ niêm mạc dạ dày. Khi sử dụng nhóm thuốc này, một số tác dụng không mong muốn gây hại về tiêu hóa có thể xảy ra nhưng thường chỉ nhẹ và thoáng qua như: buồn nôn, nôn, đi đại tiện phân lỏng và có màu đen, có khi màu đen xuất hiện ở lưỡi do thuốc.

Thuốc thuộc nhóm sucralfat như: nhôm saccharose sulfat rất ít hấp thu qua ống tiêu hóa nên tác dụng không mong muốn xảy ra rất ít khoảng 4,7%. Phản ứng chủ yếu là do chất nhôm nên thường gặp nhất là triệu chứng táo bón khoảng 2%; ngoài ra có tỉ lệ chừng 0,5% bị buồn nôn, nôn, đi tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu và khô miệng…

Thuốc thuộc nhóm prostaglandin lúc đầu dùng với liều lượng bảo vệ niêm mạc dạ dày không thấy có tác dụng đến việc tiết HCl, do đó muốn có tác dụng ức chế bài tiết HCl cần phải dùng liều cao như khi dùng thuốc Misoprostol cần dùng 200µg mỗi lần, dùng 4 lần trong 24 giờ. Với việc sử dụng liều cao như vậy, kết quả đạt được cũng chỉ ngang với thuốc ức chế histamin H2 nhưng lại phải đối diện với tác dụng có hại không mong muốn của thuốc như: gây buồn nôn, nôn với tỉ lệ từ 5 – 18%; đi tiêu chảy với tỉ lệ 5 – 22% vì prostaglandin đã kích thích sự tiết dịch và nhu động ruột.

Thuốc nhuận trường

Những người bị táo bón phải sử dụng thuốc nhuận tràng để can thiệp, thuốc có thể gây ra tác dụng không mong muốn thông thường là đi tiêu chảy do sự thích ứng của từng người bệnh hoặc do liều lượng thuốc sử dụng. Cơ chế gây ra tiêu chảy do thuốc nhuận trường là tăng tiết dịch của niêm mạc ruột hoặc do tăng thẩm thấu.

Tình trạng đi tiêu chảy có thể xảy ra bột phát nhất thời cho người sử dụng mỗi khi uống thuốc nhuận trường nhưng cũng có thể trở thành bệnh lý nên thường được gọi là “bệnh do thuốc nhuận trường” xảy ra ở những người lạm dụng thuốc, thường xuyên dùng thuốc nhuận trường. Ở nước ta, bệnh lý này ít gặp nhưng hay xảy ra nhiều ở các nước châu Âu, trong đó có 90% là đối tượng phụ nữ tuổi còn trẻ. Thực tế tất cả các loại thuốc nhuận trường đều có thể gây nên phản ứng này như: thuốc có các muối magnesie gồm sulfat, citrat hoặc chlorid; sorbitol, mannitol, lactulose, các anthraquinon…

Biểu hiện lâm sàng ghi nhận trong trường hợp những người sử dụng thuốc nhuận trường có phản ứng không mong muốn là đi tiêu chảy kéo dài, phân lẫn nhiều nước, có thể làm cho người sử dụng gầy sút và nhất là bị hạ chất kali máu được phát hiện trên lâm sàng, điện tâm đồ, xét nghiệm chất điện giải trong máu; độ pH của phân có thể bình thường ở những người dùng thuốc có các muối magnesie hoặc giảm ở những người dùng thuốc có sorbitol, mannitol hay lactulose. Ở những người sử dụng thuốc anthraquinon khi soi đại tràng có thể thấy niêm mạc ruột bị sạm đen, đôi khi phát hiện có cả những nốt loét trợt.

Thuốc điều chỉnh nhu động ống tiêu hóa

Thuốc điều chỉnh nhu động ống tiêu hóa gồm thuốc kích thích nhu động ruột và thuốc kìm hãm nhu động ruột; khi dùng để điều trị bệnh đường tiêu hóa chúng có thể gây nên một số tác dụng không mong muốn.

Thuốc kích thích nhu động ruột có ba loại thông dụng hiện nay là metoclopropamid với biệt dược là Primperan, domperidon và cisaprid. Những thuốc này rất ít khi gây ra tác dụng không mong muốn về tiêu hóa, tuy vậy trong một số trường hợp có thể làm đau quặn bụng thoáng qua, bị sôi bụng hoặc đi tiêu chảy. Thực tế chỉ cần giảm liều lượng dùng của thuốc thì sẽ khỏi các triệu chứng.

Thuốc kìm hãm nhu động ruột như loperamid có tác động chủ yếu lên nhu động ruột, thường được chỉ định sử dụng khi đi tiêu chảy không phải do nguyên nhân vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Do đặc tính kìm hãm nhu động ruột nên thuốc loperamid có thể gây táo bón, cần lưu ý thận trọng khi dùng cho trẻ em vì thuốc có thể gây nên tình trạng liệt ruột.

Lời khuyên của thầy thuốc
Như trên đã nêu, chính những loại thuốc thường dùng để chữa bệnh về đường tiêu hóa cũng lại có khả năng gây nên những phản ứng không mong muốn có hại cho hệ tiêu hóa do tác dụng của thuốc hoặc do liều lượng sử dụng. Vì vậy để tránh tình trạng này xảy ra, khi mắc bệnh về đường tiêu hóa người bệnh không được tự ý mua thuốc điều trị mà phải đi khám bác sĩ để được kê đơn, tư vấn và hướng dẫn việc sử dụng thuốc nhằm bảo đảm việc sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn và hợp lý.

Theo TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh/ Báo Sức Khỏe Đời Sống
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook