Thức ăn mắc vào kẽ răng không những mang đến sự khó chịu, mất mỹ quan mà còn là nguyên nhân gây ra bệnh răng miệng. Đừng dùng tăm, hãy áp dụng các mẹo sau.
Khi ăn uống, thức ăn bị mắc kẹt vào răng là điều không tránh khỏi. Và những vật “cặn bã” này không những mang đến sự khó chịu, mất mỹ quan mà còn là nguyên nhân gây ra bệnh răng miệng.
Những lúc rơi vào tình huống bị mắc kẹt thức ăn, mọi người thường sử dụng những vật sắc nhọn như tăm để xỉa răng.
Theo Tiến sĩ y khoa Richard H. Price của Hiệp hội Nha khoa Mỹ, thói quen dùng tăm xỉa răng là nguyên nhân chính khiến kẽ răng bị rộng hơn, tình trạng tiêu xương diễn ra nhanh.
Khi đó, thức ăn sẽ dễ bị lưu giữ lại đó, tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm quanh chân răng, viêm nướu…
Vậy có cách nào để vừa làm sạch thức ăn thừa mắc vào răng mà vừa không ảnh hưởng tới sức khỏe của khoang miệng?
Đang đi ăn ở ngoài và thức ăn bị mắc kẹt trong răng, mà bạn lại không thể mang theo bàn chải đánh răng. Trong trường hợp đó, bạn hãy sử dụng lưỡi để đẩy thức ăn ra ngoài kẽ răng. Việc này có thể mất nhiều thời gian nhưng lại là một sự lựa chọn an toàn hơn so với sử dụng tăm.
Nếu đang ở nhà, bạn có thể sử dụng bàn đánh răng để loại bỏ thức ăn thừa mắc trong răng. Tuy nhiên, bạn nên đợi khoảng 30 phút sau khi ăn vì đó là thời điểm vàng để đánh răng.
Súc miệng bằng nước muối. Thói quen này sẽ giúp bạn vệ sinh sạch miệng để ức chế sự sinh sản của vi khuẩn. Đôi khi, việc này cũng giúp bạn tống khứ được những mẩu thức ăn mắc kẹt trong răng.
Đi ăn ở nhà hàng, kiểu gì bạn cũng được phục vụ tăm. Và khi bị mắc thức ăn vào răng, bạn sẽ sử dụng ngay cái tăm để cứu nguy. Nếu thế, bạn có thể dùng tăm để khều nhẹ thức ăn dính răng, tuyệt đối không đẩy tăm sâu vào kẽ 2 răng làm tổn thương lợi. Tuy nhiên, không nên thực hiện điều này thường xuyên.
Sử dụng chỉ nha khoa là cách tốt nhất và an toàn nhất để lấy thức ăn ra khỏi kẽ răng. Nếu bị đau khi sử dụng chỉ nha khoa, chứng tỏ nướu răng bị nhiễm trùng. Bạn nên đi khám nha sĩ.
Nếu tất cả các mẹo trên đều không hiệu quả, bạn hãy lên giường đi ngủ. Và sáng hôm sau, bạn nên đến phòng khám răng để nhờ nha sĩ “ra tay” xử lý thức ăn mắc kẹt trong răng.
Theo Trí thức trẻ
Nguồn: TTOnline
Chưa có bình luận.