“Trò chơi cá voi xanh” hay “Thử thách cá voi xanh” (Blue Whale Challenge) là trò chơi ẩn náu trong một thế giới mà chúng ta không thể phát hiện được, ngoại trừ những ai biết cách tìm ra nó.
Thử tưởng tượng, trong trò chơi này người chơi sẽ bị bẫy vào một thế giới mà không thể thoát ra được, một thế giới kéo dài trong 50 ngày và kết thúc khi người chơi kết liễu cuộc sống của mình. Nếu bạn đã từng nhận được lời mời tham gia “trò chơi” này, hãy tránh xa nó.
“Thử thách cá voi xanh” là gì?
Hiện tượng này được tin là xuất hiện từ năm 2013 do một sinh viên 21 tuổi ngành tâm lý học tên là Philipp Budeikin (người Nga) tạo ra. Người này khai rằng hắn tạo ra trò chơi này để làm thanh sạch xã hội bằng cách đẩy những người mà hắn cho là không có giá trị gì tìm đến cái chết. Philipp Budeikin sau đó đã bị đuổi học, bị bắt và kết án vì cố ý xúi giục người khác tự sát.
Người chơi tự vẽ hình Cá voi trên cách tay bằng dao.
Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng miêu tả luật chơi của thử thách, tuy nhiên những lời đồn đại về trò chơi đoạt mạng này chủ yếu được lan truyền thông qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram, và Twitter. Trò chơi kéo dài trong 50 ngày và đưa ra cho “người chơi” những nhiệm vụ phải thực hiện hằng ngày. Ý nghĩa đằng sau trò chơi này tương tự như hành động của loài cá voi xanh khi chúng tự gây ra tình trạng mắc cạn theo ý nguyện của chúng. Đây là một trong những điều bí ẩn lớn nhất của đại dương, vì người ta không hiểu tại sao một số cá voi xanh lại tự mình gây mắc cạn để tự kết liễu mình.
Trò chơi bắt đầu giữa người chủ trì và người tham gia/nạn nhân. Mỗi ngày, người chủ trì sẽ đặt ra một nhiệm vụ khác nhau để người tham gia thưc hiện. Những nhiệm vụ hằng ngày bắt đầu tương đối dễ dàng, ví dụ như nghe một số thể loại nhạc nào đó hay xem những phim kinh dị. Theo thời gian trôi qua, các nhiệm vụ sẽ có độ khó tăng lên, như thức trắng đêm hay rạch trên da cánh tay để tạo một biểu tượng “cá voi”. Nhiệm vụ cuối cùng và để kết thúc trò chơi là người chơi sẽ tự kết liễu đời mình.
Tại sao người chơi lại làm theo những điều này?
Vâng, nếu người chơi từ chối hoàn thành nhiệm vụ của họ, người chủ trì sẽ đưa ra, công bố, chia sẻ, và/hoặc đăng tải một số thông tin nào đó rất cá nhân hay có tính nhạy cảm cao của người chơi lên mạng từ tài khoản của họ (hoặc ít nhất là khiến người chơi tin như vậy). Loại hình troll hay bắt nạt online có khả năng gây đoạt mạng này gây ra mối quan ngại rất lớn xét về khía cạnh xã hội và pháp lý. Với sự phát triển và mở rộng của internet, các phương pháp mà con người sử dụng để đưa họ lên mạng tiếp tục được mở rộng. Điều này có nghĩa là hoạt động phạm tội sẽ trở nên phức tạp hơn, tinh vi hơn và có suy xét nhiều hơn.
Trò chơi lan truyền trên mạng.
Nạn nhân được lựa chọn như thế nào?
Hầu hết nạn nhân của thể loại trò chơi này đều có vẻ là những đối tượng dễ tổn thương hay dễ bị thuyết phục nhất. Người chủ trì sẽ khảo sát và nghiên cứu về nạn nhân của họ thông qua những cập nhật trạng thái, những bài đăng tải hằng ngày hay thậm chí là những thông tin cá nhân trong hồ sơ của họ. Khi nạn nhân bắt đầu thực hiện thử thách thì những công cụ mà họ sử dụng như thiết bị điện tử hay trình duyệt được cho là sẽ bị nhiễm malware hay virus do người chủ trì cài đặt. Khi tin rằng các công cụ mà họ sử dụng đã bị nhiễm malware, các nạn nhân sẽ bị khống chế với hy vọng các thông tin hay hình ảnh của họ sẽ không bị đăng tải công khai. Cuối cùng, người chơi sẽ sớm đi đến quyết định liệu có chơi hay không.
Người chơi tự kết liễu sau 50 ngày.
Có thể nhận diện các nạn nhân của Thử thách cá voi xanh dựa vào một số dấu hiệu như sau: Tình trạng thiếu ngủ, liên tục kiểm tra điện thoại, mang áo tay dài, mặc quần áo rộng để che dấu những tổn hại trên thân thể do tự mình gây ra, và nhiều dấu hiệu khác nữa.
Vậy chúng ta có thể làm gì?
Như đã được đề cập, đây không phải là một trò chơi vật chất mà bạn có thể mua, mà là trò chơi ở đó nạn nhân được tuyển/mời tham gia thông qua các mạng xã hội hay thậm chí là qua điện thoại. Cách tốt nhất để tránh bị đưa vào thế giới này là bạn nên thay đổi các thiết lập riêng tư trên các tài khoản online, để chỉ có bạn hoặc gia đình bạn hay bạn thân của bạn có thể thấy được hồ sơ của bạn. Ngoài ra, đừng bao giờ chấp nhận yêu cầu kết bạn hay trả lời điện thoại từ những người mà bạn không biết.
Tránh kết bạn trên mạng mà mình không biết rõ về người đó.
Nếu bạn thấy người nào đó đăng tải chia sẽ thông qua các mạng xã hội với những hashtags kiểu như #f57, bluewhalechallenge, #curatorfindme, #i_am_whale, thì đây là những dấu hiệu cho thấy một người nào đó đang cần được giúp đỡ.
DS. Trần Thái Sơn
(theo Forbes)
Nguồn: SKĐS
Chưa có bình luận.