Nhiều người không nhận ra có những thói quen tưởng chừng vô hại nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.
Lười vận động
Theo Reader’s Digest, lười vận động là một trong những lý do dẫn đến thừa cân và phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Một nghiên cứu quy mô lớn với hơn 9.000 người tham gia cho kết quả những người có thói quen ngồi xem tivi 2 giờ mỗi ngày có xu hướng ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh như thực phẩm có đường, có hàm lượng calo và chất béo cao hơn so với những người ít xem tivi, và đó là lý do khiến vòng 2 tăng lên vù vù. Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện lười vận động sẽ đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn nhiều hơn. Các nhà khoa học khẳng định thói quen ngồi và nằm lâu một chỗ khiến hệ thống tuần hoàn và tiêu hóa của cơ thể không hoạt động hiệu quả, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, thậm chí còn dẫn tới những chứng bệnh mãn tính khác.
Căng thẳng trong thời gian dài ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe – Ảnh: Shutterstock
Tức giận, lo lắng, căng thẳng
Chịu đựng căng thẳng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp, lượng đường trong máu và cả khả năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ thừa cân, tiểu đường và bệnh tim. Theo các chuyên gia y tế, stress khiến não bộ sản sinh hormone cortisol nhiều gấp đôi và gây cản trở hoạt động của các hệ thống trong cơ thể. Giảm stress đã được chứng minh là làm giảm lượng đường trong máu, cải thiện khả năng miễn dịch, giảm trầm cảm, giảm đau mãn tính và có thể bảo vệ tim.
Tập luyện quá nhiều
Mặc dù tập thể dục có lợi cho sức khỏe, nhưng không phải cứ nhiều là tốt. Phát hiện của các nhà khoa học Nga đăng trên tờ Acta Clinica năm 2014 nói rõ hội chứng vận động quá nhiều do cường độ tập luyện dày đặc có khả năng khiến cơ thể rơi vào tình trạng kiệt sức, suy nhược và tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, tấn công cơ thể. Ngoài ra, nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí American College of Cardiology chỉ ra rằng ngay cả khi thời lượng tập thể dục không nhiều, thậm chí chỉ cần chạy ít nhất 5 phút mỗi ngày, bạn vẫn có khả năng khỏe mạnh ngang với những người bỏ sức tập luyện nhiều.
Cô đơn
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng sự cô đơn khiến khả năng đối chọi lại vi khuẩn của cơ thể sụt giảm mạnh, nhưng đó lại là sự thật. Theo nghiên cứu trên chuyên san Neuroimmunology tại Anh năm 2015, cô đơn khiến sức đề kháng và hoạt động của hệ thống miễn dịch kém đi rất nhiều. Để đi đến kết luận này, các nhà khoa học đã thử nghiệm trên chuột và nhận thấy những con chuột nhốt trong lồng riêng có mức độ bồn chồn, căng thẳng cao hơn những con được thả chung vào bầy.
Tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời
Mặc dù cơ thể cần ánh nắng mặt trời để tổng hợp vitamin D, nhưng nếu quá lạm dụng, bạn sẽ có nguy cơ bị các biến chứng về da như ung thư da, nứt nẻ, sạm, nám… Tắm nắng nhiều phá hủy các sợi đàn hồi (giữ cho da săn chắc và mịn màng) khiến da mau xuất hiện nếp nhăn, đồi mồi và tàn nhang; đặc biệt cháy nắng có thể dẫn đến các bệnh ung thư da. Theo tổ chức Bảo vệ môi trường EPA, tia tử ngoại có khả năng ảnh hưởng và kích thích các tế bào ung thư phát triển. Tiếp xúc với loại tia này trong thời gian dài cũng khiến hệ miễn dịch gặp trục trặc và do đó, gia tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn của cơ thể.
Hút thuốc
Nicotine là loại chất được sử dụng phổ biến trong thuốc lá truyền thống. Không chỉ gây nghiện, loại chất này còn có tác động tiêu cực tới hệ miễn dịch. Nicotine làm gia tăng hàm lượng cortisol, ức chế sự phát triển của các hormone chống ung thư.
Không những vậy, khói thuốc còn là nguy cơ dẫn đến hàng loạt bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi.
Ăn kiêng quá đà
Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn kiêng quá mức làm giảm số lượng bạch cầu trong máu, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiêu diệt các thành phần độc hại xâm nhập vào cơ thể. Không những vậy, ăn kiêng không khoa học còn gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe như khiến da nhăn nheo, đau bao tử, giảm trí nhớ, rụng tóc, suy nhược cơ thể…
Ngọc Khuê (TNO)
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.