Thỏ ty tử là hạt phơi hay sấy khô của cây tơ hồng, một loại dây cuốn ký sinh trên các cây khác, tên khoa học là Cuscutasinesis, Lamk, họ bìm bìm Colvolvulaceae.
Quả cây tơ hồng. |
Thỏ ty tử là hạt phơi hay sấy khô của cây tơ hồng, một loại dây cuốn ký sinh trên các cây khác, tên khoa học là Cuscutasinesis, Lamk, họ bìm bìm Colvolvulaceae. Ở Việt Nam tơ hồng mọc khá phổ biến, có ở khắp mọi nơi thuộc vùng đồng bằng, trung du, thường ký sinh trên cây cúc tần Pluchea indica, họ Cúc Asteraceaee. Cây có thân hình sợi màu vàng hay nâu nhạt, không có lá, lá biến thành vảy, có rễ mút để hút thức ăn từ cây chủ, dân gian thường gọi là dây tơ hồng. Hoa hình cầu, màu trắng nhạt, không có cuống, quả hình trứng, có kẽ nứt, trong chứa 2-4 hạt, hình trứng, đỉnh dẹt, dài 2mm. Thỏ ty tử còn có tên khác là thỏ lư, la ty tử… Khoảng cuối mùa thu khi quả già thu hái về, chọn lấy hạt rửa sạch, phơi khô, tẩm nước muối sao để dùng.
Thành phần hoá học theo các tài liệu của Trung Quốc hạt thỏ ty có chứa các chất glycoside, chất quercetin, lecithin, carotenoid, vitamin A và nhiều chất khác.
Theo Đông y, thuốc có vị ngọt, cay, tính hơi ấm, quy vào ba kinh can, thận, tỳ. Thỏ ty tử tác dụng ôn thận tráng dương, dưỡng can, bổ thận, ích tinh tuỷ, cường cân, kiện cốt, dưỡng cơ, minh mục. Chủ trị các chứng thận hư, tinh lạnh, liệt dương, di tinh, đau lưng, mỏi gối, các trường hợp đi giải nhiều lần, tả lỵ lâu ngày không khỏi. Thỏ ty tử bổ can, sáng mắt, lợi niệu, tiêu phù, chữa phụ nữ đẻ non với tính chất thường xuyên. Liều dùng 12-16g.
Một số bài thuốc bổ dương thường dùng
– Chữa nam giới di tinh dùng thỏ ty tử 16g, phúc bồn tử 8g, kim anh tử 10g. Sắc uống. Nếu di tinh kèm theo bạch trọc: thỏ ty tử 12g, ngũ vị tử 6g, phục linh 12g, liên nhục 12g, sơn dược nấu hồ hoàn viên, mỗi lần 8g ngày 2-3 lần, uống với nước muối nhạt. Có thể dùng bài thuốc trên sắc uống
– Trị thận hư, liệt dương, di tinh, lưng đau, đi tiểu nhiều dùng thỏ ty tử 40g, ngũ vị tử 40g, tế tân 40g, trạch tả 40g, sung uý tử 80g, thục địa 80g, hoài sơn 60g, nghiền thành bột rồi hoàn mật, ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g với nước ấm.
– Trường hợp dương nuy, âm hành cứng không bền, đầu choáng tai ù, nghe kém, lưng đùi yếu mỏi, răng lung lay, râu tóc bạc sớm, tinh ít, tảo tiết do tinh huyết bất túc phải bổ thận tinh, tư sinh âm huyết dùng sinh địa 30g, hoài sơn 30g, thỏ ty tử 30g, hạch đào đốt cả vỏ 1 quả, sơn thù nhục 10g, câu kỷ tử 15g, mạch môn 30g, hoàng tinh chế 30g, ngũ vị tử 10g, kim anh tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia đều 3 lần trong ngày.
– Nếu thận suy yếu, thể trạng hư nhược, di tinh, yếu sinh lý dùng thỏ ty tử 32g, thục địa 32g, bá tử nhân 32g, lộc giác giao 32g, bổ cốt chi 16g, phục thần 16g. Làm thành viên hoàn, mỗi lần uống 8g, ngày 3 lần với nước ấm.
– Trường hợp tinh khí bất túc, thận thủy bị táo, họng khô khát, tai ù. đầu váng, mắt mờ, da sạm đen, lưng gối đau mỏi dùng thỏ ty tử chưng rượu 80g, ngũ vị tử 40g, tán bột, trộn mật làm hoàn bằng hạt ngô, ngày 2-3 lần mỗi lần 8-10g với nước muối nhạt hoặc chút rượu.
– Để bổ thận khí tráng dương đạo, trợ tinh thần, giảm đau lưng, mỏi gối dùng thỏ ty tử 320g, phụ tử chế 80g, tán bột trộn với ít rưọu, hồ, hoàn viên bằng hạt ngô, mỗi lần uống 50 viên, ngày 2-3 lần. Trường hợp để bổ thận, ích tinh, giúp tinh bền chắc dùng thỏ ty tử 12g, ngũ vị 4g, câu kỷ tử 12g, phúc bồn tử 8g, xa tiền 4g, tán bột, rồi dùng mật hoàn viên, mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần.
– Nếu tâm thận bất túc, tinh thiếu, huyết khô, phiền nhiệt, họng khô, khát muốn uống, tinh hư, huyết ít dùng thỏ ty tử chưng rượu 80g, mạch môn đông 80g, trộn bột, dùng mật hoàn viên, mỗi lần uống 10-12g ngày 3 lần với nước muối nhạt hoặc nước sôi nguội trước khi ăn.
– Trị tâm khí bất túc suy tư quá độ, thần kinh hư tổn, chân dương không vững, nước tiểu đục, ngủ hay mơ, di tinh dùng thỏ ty tử 200g, bạch phục linh 120g, thạch liên tử bỏ vỏ 80g, trộn bột với rượu, dùng mật hoàn viên. Mỗi lần uống 8-10g ngày 3 lần, uống lúc đói với nước muối nhạt.
DS.CKI. Phạm Hinh
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Chưa có bình luận.