Thứ Bảy, 10/06/2017 | 05:20

Chỉ tẩy giun cho trẻ, nhưng bản thân phụ huynh lại quên tẩy giun cho chính mình. Đây là một trong những sai lầm phổ biến khi tẩy giun cho trẻ nhỏ.

Không tẩy giun cho cả gia đình là sai lầm

Dù được tẩy giun định kỳ nhưng không ít trẻ nhỏ khi đi khám vẫn được phát hiện nhiễm giun ở đường ruột. Nguyên nhân đến từ việc tẩy giun sai cách của các bậc phụ huynh. Các bậc phụ huynh thường nghĩ tới đối tượng trẻ nhỏ mà quên đi việc tẩy giun cho cả gia đình. Sai lầm này có thể khiến trẻ tái nhiễm giun lại ngay khi tẩy.

Theo GS.TS Phạm Nhật An, Nguyên giám Phó giám đốc, Trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện Nhi Trung Ương, khi tẩy giun cho trẻ cần phải tẩy đồng loạt cho tất cả các thành viên trong gia đình. Nếu chỉ tẩy giun cho trẻ mà quên các thành viên khác thì trẻ vẫn có thể dẫn tới phơi nhiễm, thậm chí lây nhiễm chéo giun của nhau. Cách tẩy giun hiệu quả là tẩy đồng loạt cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Tẩy giun cho con nhưng đi khám vẫn nhiễm giun vì phụ huynh không biết làm điều này

Cách tẩy giun hiệu quả là tẩy đồng loạt cho tất cả các thành viên trong gia đình, ảnh minh họa.

Khi được hỏi về khoảng thời gian thích hợp nhất để định kỳ tẩy giun, GS.TS Phạm Nhật An cho hay, tẩy giun không phụ thuộc vào thời gian mà phụ thuộc vào cộng đồng và tần suất giun nhiều hay ít, việc tẩy giun còn phụ thuộc vào từng gia đình. Mức độ bị giun ở từng vùng địa lý và ở từng gia đình là không giống nhau.

Ví dụ, ở nông thôn tỷ lệ trẻ con bị nhiễm giun cao sẽ tẩy giun định kỳ 6 tháng/ lần. Với trẻ sống ở thành phố, điều kiện môi trường được cải thiện, ít tiếp xúc mới mầm phơi nhiễm có thể 1-2 năm tẩy giun/lần.

Rất nhiều bà mẹ phân vân khi quyết định tẩy giun cho trẻ vì sợ thuốc tẩy giun có thể gây độc cho cơ thể trẻ. Một số mẹ lo ngại tới tác dụng phụ của thuốc tẩy giun lại chọn cách dùng hạt bí ngô, hạt đu đủ… để tẩy giun.

GS.TS Phạm Nhật An chia sẻ, trẻ trên 2 tuổi có yếu tố nguy cơ cao cần phải được tẩy giun. Việc phụ huynh trì hoãn việc tẩy giun cho con khiến cho trẻ bị nhiễm giun nghiêm trọng phải vào nhập viện. Các loại thuốc tẩy giun hiện nay thường rất lành tính và an toàn cho sức khỏe. Thuốc có th có những tác dụng phụ nhất định (tỷ lệ rất nhỏ) nhưng không nguy hiểm cho sức khỏe.

Nói về tác dụng tẩy giun của các thực phẩm như bí ngô, hạt đu đủ, GS.TS Phạm Nhật An cho rằng trong các loại hạt này có hoạt chất như thuốc tẩy giun. Nhưng dùng chúng để tẩy giun mang lại hiệu quả rất thấp, khó có thể tẩy được hết giun.

Nhầm lẫn nhiễm giun với các bệnh lý khác

Trẻ bị nhiễm giun có biểu hiện thường gặp là bị rối loạn tiêu hóa. Khi con bị rối loạn tiêu hóa không phải do thức ăn, cha mẹ đã vội vàng cho con uống kháng sinh điều trị. Việc dùng kháng sinh điều trị tiêu chảy do trẻ bị nhiễm giun thường không điều trị khỏi bệnh mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ do dùng kháng sinh kéo dài.

“Thời gian đầu khi trẻ bị nhiễm giun có thể dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như viêm phế quản khi giun chui lên phổi. Khi trẻ có những biểu hiện ăn kém, vận động kém, da xanh, rối loạn tiêu hóa nên đưa trẻ đi khám để loại trừ nguyên nhân nhiễm giun đường ruột. Trẻ ngứa tầng môn (hậu môn) phải nghĩ ngay tới việc trẻ đang bị nhiễm giun kim”, GS. TS Phạm Nhật An nói.

Để phòng tránh nguy cơ bị phơi nhiễm trứng giun cần phải giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống hợp vệ sinh. Trong nhà nuôi chó mèo cần phải quản lý tốt phân động vật, thường xuyên tắm rửa vệ sinh cho chó mèo. Không để trẻ ôm chó mèo đi ngủ để phòng tránh nhiễm giun sán từ động vật.

Ngọc Minh

Nguồn: Emdep

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook