Thứ Ba, 31/05/2016 | 20:38

Ngày thế giới không hút thuốc lá được Tổ chức Y tế thế giới WHO chọn vào ngày 31-5 hàng năm với mục đích gây sự chú ý của cộng đồng về tác hại của thuốc lá hàng năm đã cướp đi sinh mạng hơn 5 triệu người trên toàn cầu.

Tác hại từ khói thuốc lá“Vô tư” hút thuốc lá trong Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Q.Bình Thạnh dù đã có bảng thông báo cấm và xử phạt ngay trước mặt

Tuy nhiên, trong thực tế tình trạng hút thuốc lá vẫn là bài toán nan giải với nhiều nước trên thế giới nhất là ở các đối tượng nam giới trẻ.

Hồn nhiên nhả khói mọi lúc mọi nơi

Dù đi trên đường, vào bến xe hay những nơi công cộng như công viên, nhà hàng, quán cà phê thật không khó khi bắt gặp những người đàn ông trên tay cầm điếu thuốc lá thỉnh thoảng đưa lên miệng hút phì phèo. Từ lâu hút thuốc lá đã thành thói quen của một bộ phận người lao động, giới trí thức và cả HSSV. Ông Thanh, một phụ hồ ở tỉnh Bình Thuận vào Sài Gòn đi làm mướn cho biết đã từng hút thuốc lá khi mới 15, 16 tuổi: “Ban đầu thấy người lớn hút tôi thấy có vẻ sành điệu rồi đành liều hút thử chơi. Lâu ngày riết rồi ghiền lúc nào không hay, mỗi ngày ít nhất cũng phải một gói thuốc”. Tuy không hút nhiều như dân lao động tự do nhưng những người làm việc tại công sở một ngày không có thuốc lá là không thể nào chịu được. Họ hút không nhiều, có người chỉ nửa gói một ngày nhưng “tích tiểu thành đại” lâu ngày rồi số lượng điếu thuốc lá cộng lại cũng không phải ít. Những năm gần đây nhờ công tác tuyên truyền và đặc biệt là các nghị định về cấm và xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng đã làm cho số lượng người hút thuốc lá trong đó có giới trí thức và HSSV bắt đầu giảm nhưng không có nghĩa đã hết hẳn. Đến một số trường học chúng ta có thể bắt gặp cảnh giáo viên nam sau tiết ra chơi tranh thủ ra ngoài hành lang “kéo” vài hơi cho đã thèm. Hầu hết các căng tin tại các trường học, thuốc lá vẫn là mặt hàng đắt khách. Nếu căng tin không bán cho HS theo chủ trương của BGH nhà trường thì các “đệ tử” của làn khói thuốc lại bước ra phía bên kia cổng trường là có đủ các loại thuốc lá… để chọn lựa. Tại một quán cà phê nhỏ trên đường Nguyễn Oanh, P.6, Q.Gò Vấp mỗi sáng đều có vài HS nam của Trường THPT Lý Thái Tổ, Trường THCS Âu Lạc gần đó cúp cua chia nhau từng điếu thuốc bên ly cà phê đá. Đó cũng là hình ảnh của các HS nam ở một số trường THPT dấm dúi hút ở dưới hành lang lớp học hay vào tận nhà vệ sinh trường để bí mật nhả khói. Công khai hơn là các học viên tại các trung tâm GDTX bất kể học ban ngày hay buổi tối. Nhiều “con nghiện” áo trắng còn dám mời cả bảo vệ, nhân viên, giáo viên “chia lửa” một điếu cho “thơm râu”.

BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước – Phòng khám nam khoa (Bệnh viện Bình Dân TP.HCM) khẳng định: “Nam giới hút thuốc lá có thể bị suy nhược sinh dục, rối loạn cương dương. Thực tế đã chứng minh được những điều này”.

Gần đây, để chấp hành tốt Nghị định 176 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế trong đó có các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá, 100% các bệnh viện tại TP.HCM đều có gắn bảng thông báo điều 22 vi phạm các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của ngành y tế. Tuy nhiên trên thực tế việc chấp hành này vô cùng khó khăn. Ngày 20-5 ngay trước bảng hiệu cấm và xử phạt hút thuốc lá phía sau phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định có 2 người đàn ông ra ngồi hút thuốc lá trên băng đá. Một lúc sau lại có một thanh niên khác đến “nhập hội” làm cho khói thuốc càng nhiều thêm. Mặc dù có một số bảo vệ đi ngang nhưng hầu như họ không để ý. May mắn hơn khoảng 5 phút sau mới có một bảo vệ mặc áo xanh đến nhắc nhở nhẹ nhàng chuyện hút thuốc lá chứ không hề có chuyện lập biên bản xử phạt như quy định trên bảng.

Đòi hỏi nỗ lực từ người trong cuộc

Theo BS Phan Xuân Trung – phụ trách website Y khoa Việt Nam, khi hút thuốc lá chủ động các nguy cơ bệnh lý thường gặp về hô hấp viêm mũi, viêm họng mạn tính (hô hấp trên), viêm phế quản, hen suyễn (hô hấp dưới) viêm phổi, ung thư phổi (bệnh lý ở phổi) xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não (bệnh lý hệ mạch máu) và ung thư các cơ quan khác. Hút thuốc lá cũng ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, thai nhi có cha mẹ hút thuốc lá giảm trọng lượng, dễ sinh non, dễ bị bất thường bẩm sinh. Chất nicotin được thải qua sữa cũng ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ sơ sinh. BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước – Phòng khám nam khoa (Bệnh viện Bình Dân TP.HCM) khẳng định: “Nam giới hút thuốc lá có thể bị suy nhược sinh dục, rối loạn cương dương. Thực tế đã chứng minh được những điều này”.

Không chỉ tác hại về bệnh hô hấp, chức năng sinh sản, bệnh tiêu hóa mà hút thuốc lá còn ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và kinh tế quốc gia. Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, thuốc lá làm tiêu phí một khoản tiền khá lớn cho gia đình nhất là những người có kinh tế khó khăn. Ngoài tác hại cho người hút thuốc chủ động những người thân cũng bị ảnh hưởng về sức khỏe cho việc hút thuốc lá thụ động, đặc biệt là trẻ em và công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất thuốc lá. Do có lợi nhuận cao hơn nên đất canh tác lương thực thu hẹp lại nhường chỗ cho đất trồng cây thuốc lá. Rác rưởi thuốc lá cũng ảnh hưởng đến môi trường. Chi phí chăm sóc y tế cho những người mắc bệnh sẽ tăng cao. Sức lao động con người sụt giảm. Thuốc lá cũng là thủ phạm gây ra nhiều vụ hỏa hoạn khó dập tắt và những vụ cháy rừng tàn phá tài nguyên đất nước. Điều trị bệnh nghiện hút thuốc lá trước hết đòi hỏi sự đoạn tuyệt dứt khoát của người trong cuộc và nỗ lực kiên trì giúp đỡ của cả cộng đồng để sức khỏe và an sinh xã hội ngày một tốt hơn.

Bài, ảnh: Quang Phan

Nguồn: Giáo dục Online

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook